"Hội chứng"...camera

Thứ Hai, 21/10/2019 14:48

|

(CATP) Không thể phủ nhận lợi ích của camera đối với công tác quản lý trật tự công cộng. Nhiều địa phương triển khai hàng loạt dự án từ xã hội hóa đến vốn ngân sách để đầu tư gắn camera.

Từ phong trào này, nhiều “cò” camera tìm đến các địa phương để chào hàng. Do không có cơ quan nào quản lý về giá lắp đặt camera, trong khi mỗi gói thầu từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến tình trạng “thượng vàng, hạ cám”, triển khai lắp đặt camera tràn lan, lãng phí.

TỈNH NGHÈO “CHƠI SANG”

Ngày 18-10-2019, tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ, nhiều phóng viên báo chí bị “sốc” khi tỉnh Vĩnh Long thông báo, cuộc họp HĐND tỉnh này vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án lắp đặt 114 camera và 3 trung tâm quản lý điều hành, với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Tỉnh Vĩnh Long có hơn 6.100 camera, nhưng vẫn định đầu tư thêm dự án gắn camera gần 200 tỷ đồng

So với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vĩnh Long được xem như là tỉnh nghèo của khu vực. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 7.360 hộ nghèo, gần 12.550 hộ cận nghèo. Năm 2018, tỉnh này thu ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng chi hơn 7.300 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh Vĩnh Long thu ngân sách được 2.933 tỷ đồng, nếu trừ nguồn thu từ đất, xổ số kiến thiết và cổ tức thì tỉnh thu được khoảng 1.819 tỷ đồng.

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có 73/109 xã, phường, thị trấn lắp đặt 6.186 camera an ninh, với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu do người dân tự đầu tư lắp đặt hơn 4.000 camera, còn lại từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tỉnh chỉ lắp đặt thêm 114 camera, nhưng với mức giá “khủng” (200 tỷ đồng), có dấu hiệu lãng phí.

Giải thích vấn đề trên, ông Phạm Minh Thiện (Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát ANTT và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long” được UBND tỉnh đồng ý, trình HĐND tỉnh. HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Công an Vĩnh Long phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng trộm tài sản.

Theo đó, địa phương sẽ trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng số tiền 199,1 tỷ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí (trong đó 63 vị trí, với 67 camera giám sát ANTT; 16 vị trí, với 47 camera xử lý vi phạm giao thông đường bộ) và 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng CSGT và Công an TP.Vĩnh Long. Dự án này thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023. Khi dự án hoàn thành, sẽ nâng cao năng lực kiểm soát tình hình giao thông, ANTT, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm.

Theo ông Thiện, dự án mới chỉ ở giai đoạn trình HĐND chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo trình tự, thủ tục, khi tiến hành đầu tư sẽ có khái toán và lập hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư để xem xét. Khi được chấp thuận, sẽ lập dự án và phê duyệt dự án đầu tư. Về kinh phí thực hiện gần 200 tỷ, trong đó chi phí lắp đặt xây dựng là 167 tỷ, còn lại là chi phí dự phòng và chi phí khác.

Về con số đầu tư “khủng”, ông Thiện cho rằng: “Không phải chúng ta lấy số tiền chia cho từng cái camera thì số tiền quá lớn. Quy mô dự án này có nhiều công việc để đầu tư. Ví dụ hạng mục thứ nhất là lắp đặt camera, trong số 114 camera này chỉ có 4 cái là đặt cố định, 63 cái là vừa quay, vừa quét bằng công nghệ cao; 67 cái còn lại là để xử lý vi phạm giao thông, phạt nguội.

Những camera này là theo công nghệ, khác với những camera mà chúng ta lắp ở nhà. Quan trọng nhất là xây dựng 3 trung tâm để quản lý, điều hành toàn bộ hệ thống camera trên toàn địa bàn. Kể cả xây dựng nhà làm việc, thiết bị, hạ tầng mạng, máy chủ, lưu trữ, phân tích dữ liệu... Sau khi HĐND tỉnh chấp thuận, sẽ lập dự án đầu tư, tách bạch mọi thứ ra cụ thể, chứ không tính chung là 199,1 tỷ được”.

Công an P2, TP.Sa Đéc theo dõi tình hình ANTT qua hệ thống camera

Trước đó, ngày 30-9-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã hủy bỏ Quyết định số 1542, thu hồi 883 triệu đồng đã chi để lắp đặt camera tại nhà riêng của 12 ủy viên Ban Thường vụ. Ngày 24-4-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng ra Quyết định số 1542 về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kinh phí được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng, với dự toán gần 982 triệu đồng. Tờ trình của Văn phòng Tỉnh ủy (có 16 người trong Ban Thường vụ, nhưng 4 người không đồng ý lắp camera tại nhà riêng là Bí thư Thành ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu, Giám đốc Công an tỉnh Lê Minh Quang).

Khi dư luận lên tiếng, nhiều người ngạc nhiên trước cách hành xử của địa phương. Cũng như Vĩnh Long, Sóc Trăng là một trong những tỉnh nghèo của ĐBSCL. Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng thu ngân sách hơn 3.800 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách gần 9.800 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 6.000 tỷ đồng. Hiện tỉ lệ hộ nghèo ở Sóc Trăng là 8,4%, với hơn 27.150 hộ. Do đó, việc lắp đặt camera an ninh tại nhà các ủy viên Ban Thường vụ không được dư luận ủng hộ, đồng tình. Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ và các cá nhân liên quan đã để xảy ra sai sót này.

TRÁNH ĐẦU TƯ THEO PHONG TRÀO, LÃNG PHÍ

Theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng hệ thống camera giám sát trong công tác đảm bảo ANTT đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ hệ thống này, giảm thiểu sự có mặt của lực lượng chức năng trên đường, nhưng vẫn giám sát được trật tự an toàn giao thông, góp phần tạo chuyển biến tốt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, một số địa phương đầu tư gắn camera theo phong trào thì hết sức lãng phí, khi ngân sách còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, mỗi dự án camera do các đơn vị riêng biệt triển khai, mang tính đơn lẻ, không có tiêu chuẩn chung nên không kết nối được với nhau, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Có nơi cần camera an ninh, nơi khác cần camera giám sát để phạt nguội, có nơi chỉ cần camera để giám sát, có nơi cần tất cả các tính năng này...

Ban quản lý chợ Sa Đéc giám sát tình hình trật tự qua camera

Về giá cả, mỗi dự án camera “thượng vàng, hạ cám”, mỗi nơi mỗi kiểu. Có một số địa phương vận động người dân tham gia, thực hiện dự án hết sức tiết kiệm. UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống camera giám sát ANTT, phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm trên địa bàn TX.Duyên Hải, H.Tiểu Cần và TP.Trà Vinh, do Công an tỉnh làm chủ đầu tư.

Dự án này có qui mô đầu tư xây dựng, lắp đặt 1 điểm trung tâm giám sát, quản lý tại Công an tỉnh, 2 trạm quan sát tại CAH Tiểu Cần, Công an TX.Duyên Hải, 22 điểm quan sát (TP.Trà Vinh 8 điểm, TX.Duyên Hải 9 điểm, H.Tiểu Cần 5 điểm). Ước tính tổng mức đầu tư dự án là hơn 13,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Trà Vinh. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2020 là gần 4,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021.

Ban Chỉ đạo 138 TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, thành phố đã thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 mô hình camera an ninh. Toàn thành phố lắp đặt tổng cộng 362 camera an ninh tại 238 điểm, phủ khắp địa bàn các xã, phường, tuyến đường chính và một số vị trí trọng yếu khác, như: bến xe, công viên, trung tâm thương mại, chợ nông sản, chợ thực phẩm... Tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, đều do người dân và doanh nghiệp tự nguyện đóng góp. “Dân tham gia đóng góp, dân giám sát, hiệu quả của từng cái camera mang lại hết sức rõ rệt. Tình hình ANTT, an toàn giao thông chuyển biến tích cực” - một người dân địa phương nhận xét.

Ông Bùi Văn Nghiêm - Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long:

Hiện tỉnh đã có hơn 6.100 camera giám sát an ninh, kết nối trực tiếp về màn hình bố trí tại các trụ sở cơ quan công an là hệ thống camera xã hội hóa, do người dân đóng góp để giám sát xóm làng, tỉnh chỉ hỗ trợ một ít. Còn dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát ANTT và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long” chưa đầu tư liền, mà đầu tư theo nhiều năm, để sau này thực hiện “thành phố thông minh”, phục vụ lâu dài. Cạnh đó, tỉnh cũng quản lý tội phạm, giám sát giao thông tốt hơn.

Hệ thống đầu tư mới này chủ yếu được bố trí tại TP.Vĩnh Long, các “điểm đen” tai nạn giao thông, các địa điểm gần khu công nghiệp... HĐND chỉ mới cho chủ trương đầu tư thôi, rồi UBND tỉnh mới lập đề án cụ thể. Tỉnh cũng cố gắng huy động xã hội hóa thêm, chứ không phải toàn bộ là tiền của Nhà nước.

Một số chuyên gia an ninh mạng cho rằng hệ thống camera giúp cơ quan quản lý nhà nước truy tìm tội phạm, hỗ trợ xác minh các sự việc xảy ra để đưa ra giải pháp, cách khắc phục nhanh chóng. Việc các sở, ban, ngành của địa phương sử dụng camera cho các mục đích cộng đồng sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, nên có phân tích, đánh giá chi tiết nhu cầu gắn camera tại từng vị trí, với những tính năng phù hợp. Ngoài ra, cần quy định cụ thể về việc bảo mật, phân tích, xử lý, chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống camera an ninh giữa các lực lượng chức năng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang