Báo động nạn dùng bạo lực giải quyết bức xúc!

Chủ Nhật, 20/10/2019 17:50

|

(CAO) Trên mạng xôn xao về clip ông chồng ở Hải Phòng sử dụng nắm đấm để "dạy dỗ" vợ và tình địch một cách dã man vì nghi ngờ ngoại tình; hình ảnh ông bố trẻ ở Tiền Giang bị cư dân mạng truy lùng rồi đánh đập thừa sống thiếu chết, vì người này bạo hành con ruột. 

Đây đều là những hành động thể hiện thói côn đồ cũng như sự xem thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, những hành động sai trái trên lại được đông đảo cư dân mạng cổ vũ khiến xã hội (XH) lo lắng. Đâu là nguyên nhân dẫn lối cho thói quen sử dụng vũ lực để dàn xếp các mâu thuẫn đang diễn ra một cách phổ biến hiện nay?

Khi cảm xúc dẫn lối bi kịch

Nguồn cơn của trận đòn mà anh Đoàn Văn T. (30 tuổi, ở Tiền Giang) phải hứng chịu đến từ đoạn video clip ghi lại cảnh ông bố này đánh con mình cách đây 2 năm, vô tình bị phát tán trên mạng xã hội (MXH).

Dù người này đã ý thức được hành động sai trái nhưng cư dân mạng lại không chấp nhận, cho là lối hành xử bạo lực và trở thành lý do để 1 nhóm thanh niên tự ý liên kết nhau “đòi lại công bằng” cho đứa trẻ.

Sáng 17-10, tại căn phòng trọ ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), hàng chục thanh niên bất ngờ xuất hiện cùng những tiếng hô to "Bắt được nó rồi anh em ơi!". Giữa vòng vây của đám đông hung hãn là hình ảnh ông bố khốn khổ trước vô vàn lời chửi bới, lăng mạ.

Anh T. bị nhiều người lạ mặt hành hung

Nhiều người quá khích còn đạp liên tục vào đầu anh. Khuôn mặt đầy vết bầm tím và chiếc miệng ngậm đầy máu là hậu quả mà anh T. phải gánh chịu từ những người xa lạ. Thậm chí, hình ảnh ông bố này còn được nhóm người trên ghi hình, chia sẻ trực tiếp lên Facebook...

Một bộ phận thanh thiếu niên khi xem những hình ảnh ám ảnh này đều tỏ ra hả hê, số khác để lại bình luận mong những “người hùng” trên tiếp tục cho ông bố ở Tiền Giang “nếm thêm mùi vị đòn roi”.

Đoạn phim sau đó được chia sẻ chóng mặt khiến nhiều người theo dõi không khỏi rùng mình trước mức độ ngang tàng của nhóm đối tượng. Và tất nhiên, nguồn cơn dẫn đến sự việc trên đều do cái tôi quá lớn đang ngự trị trong những người trẻ khát khao thể hiện bản thân theo cái cách khó thể chấp nhận.

Video phá cửa phòng, đánh anh T. được phát sóng trực tuyến thu hút đông đảo sự quan tâm của cư dân mạng

Xét cho cùng, hành động của anh T. là điều khó thể chấp nhận, nhưng để đòi lại công bằng cho cháu bé, những “Lục Vân Tiên MXH” này vẫn còn nhiều cách hành xử phù hợp khác.

Còn tại TP.Hải Phòng, đoạn video clip ghi lại cảnh người đàn ông vạm vỡ liên tục dùng tay chân tấn công 1 người phụ nữ được phát tán trong tối 12-10 khiến dư luận tiếp tục áo ạt tranh luận.

Thậm chí, người đàn ông trên sau khi lột đồ người phụ nữ đã túm tóc, ghì đầu chị này xuống nền nhà, tát và đá vào người nhiều lần, miệng liên tục yêu cầu người phụ nữ mở mật khẩu điện thoại để kiểm tra. Do quá hoảng sợ, nạn nhân chỉ biết quỳ gối van xin nhưng vẫn không được buông tha.

Video clip ghi lại cảnh người đàn ông bạo hành vợ hờ ở Hải Phòng

Theo tìm hiểu, nạn nhân là chủ 1 tiệm Spa tại TP.Hải Phòng, còn người hành hung chị được xác định là "chồng hờ” nạn nhân vì cả hai vẫn chưa đăng ký kết hôn. Cả hai sống chung sống như vợ chồng và đã có 1 đứa con. Do nạn nhân bị thương nặng, gia đình đã đưa đến Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cấp cứ, hiện đã được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Cũng như vụ việc xảy ra tại Tiền Giang, người đàn ông trong clip ở Hải Phòng do quá ấm ức khi nghi ngờ vợ ngoại tình đã dẫn đến hành động thiếu kiềm chế.

Thay vì tìm hình thức xử lý khác thấu tình đạt lý, người này chẳng những hành hung người yêu khá tàn bạo mà còn chủ động hẹn chàng trai mà anh này nghi là tình nhân của bạn gái ra gặp mặt. Tại đây, cả hai tiếp tục xô xát khiến nhiều người chứng kiến bàng hoàng.

Và người trẻ muốn thể hiện

Lý giải về thói quen sử dụng vũ lực để dàn xếp những mâu thuẫn đang diễn ra phổ biến hiện nay trong XH, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cơn sâu xa của những quyết định bốc đồng trên đều xuất phát từ tâm lý nóng nảy, thích thể hiện giữa đám đông của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nhất là với những đối tượng là lao động nhập cư, lao động nghèo đang bế tắc, thiếu niềm tin vào cuộc sống và chính bản thân họ khi áp lực mưu sinh gia tăng.

Vì thế, khi xảy ra va chạm, tranh chấp hoặc không thỏa mãn được nhu cầu, nhiều người không kiểm soát được bản thân và phản xạ đầu tiên để giải tỏa sự bức xúc, giận dữ là nghĩ ngay đến bạo lực và hung khí.

Những hành động sai trái trên lại được đông đảo cư dân mạng cổ vũ khiến xã hội lo lắng

Bên cạnh đó, hành vi bạo lực xuất phát từ các nước Âu - Mỹ, được truyền tải rộng rãi trên MXH, phim ảnh, các ấn phẩm sách báo cũng là tác nhân khiến giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa cá nhân, bị đầu độc bởi lối sống tha hóa, bạo lực, tình dục, đề cao giá trị bản thân một cách thái quá…

Đã có sự biến đổi khá rõ nét trong một bộ phận dân cư, đang trở thành vấn đề nhức nhối đáng lưu tâm của cộng đồng, khi các mâu thuẫn phát sinh hiện nay chủ yếu được giải quyết nhanh bằng bạo lực.

Hành động  của anh T. là điều khó thể chấp nhận, nhưng để đòi lại công bằng vẫn còn nhiều cách hành xử phù hợp khác

Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng nếp sống cộng đồng có văn hóa và đưa ra chính sách hợp lý để hỗ trợ đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân.

Cần giáo dục việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc ngay từ gia đình, thôn xóm, khu phố để xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn minh; bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức XH tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, bổ ích để thu hút giới trẻ nói riêng và người dân nói chung tham gia.

Những việc làm không phải chỉ trong thời gian ngắn mà cần có sự bền bỉ, xuyên suốt, đồng bộ của toàn XH.

"Lục Vân Tiên" mạng xã hội đánh ông bố trẻ từng liên quan đến vụ chém người ở Chợ Gạo

Thượng tá Phạm Thế Kim - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra -Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) - cho biết, đơn vị đang điều tra vụ “giang hồ MXH” hành hung anh Đoàn Văn T. (30 tuổi, xã Trung An, TP.Mỹ Tho) trưa cùng ngày vì tội “đánh con”. Đại diện Công an TP.Mỹ Tho cho biết, sẽ xử lý nghiêm hành động xem thường pháp luật của nhóm này.

Trong một diễn biến khác, ngay trong chiều cùng ngày, một tài khoản facebook có tên Nguyễn Lâm Hoài An đã đăng đàn thừa nhận hành vi đánh người của mình. Nam thanh niên này gửi lời xin lỗi đến anh Đoàn Văn T. và cộng đồng mạng. Hoài An thừa nhận dù chưa tìm hiểu sự việc nhưng đã cùng với "anh em mạng xã hội" tìm đến chỗ anh T. và tát ông bố này.

Hoài An (áo thun xanh, thứ hai từ phải qua) cùng nhóm bạn bị cảnh sát điều tra về hành vi dùng dao chém người khác. Ảnh: Công an Tiền Giang.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Lâm Hoài An (đối tượng thừa nhận mình là người đã đánh anh T. ) liên quan đến những lùm xùm về pháp luật. Hồi tháng 9 vừa qua, Hoài An cùng 5 người khác bị Công an huyện Chợ Gạo mời lên làm việc liên quan đến hành vi dùng dao chém người khác gây thương tích.

 Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TPHCM

 

Cả hai vụ việc xảy ra tại Tiền Giang và Hải Phòng đều có đủ cơ sở để khởi tố hình sự. Đặc biệt trong vụ việc xảy ra đối với anh T., tôi cho rằng Công an TP.Mỹ Tho phải vào cuộc quyết liệt, truy tìm những đối tượng xuất hiện trong clip để truy cứu. Toàn bộ hình ảnh được phát tán trên MXH đều cho thấy các thanh niên này đã vi phạm những tội danh như cố ý gây thương tích; xúc phạm, nhục mạ nhân phẩm người khác…

Chuyên gia tâm lý - tội phạm học Đoàn Văn Báu

Tình trạng mâu thuẫn, bạo lực gia tăng cũng bởi biện pháp quản lý nhà nước chưa chặt chẽ. Các tổ chức chính quyền, đoàn hội ở cơ sở như công an, hội phụ nữ, tổ dân phố chưa phát huy hết trách nhiệm giám sát, hòa giải, có biểu hiện buông xuôi, thờ ơ với vụ việc phát sinh trong nội bộ nhân dân. Cũng còn nguyên nhân nữa khi nhiều đối tượng cho rằng có tiền thì có thể mua được tất cả mọi thứ, thậm chí là sự an toàn của bản thân trước pháp luật, nên đã thể hiện sự ỷ quyền cậy thế.

Chị Đỗ Thu Phương - cán bộ Hội phụ nữ Q.Tân Bình

Để ngăn chặn tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và hành xử kiểu côn đồ, đòi hỏi các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cùng vào cuộc trong việc phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa XH; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, không để bức xúc kéo dài dẫn đến xung đột, bạo lực...

Bình luận (0)

Lên đầu trang