Một phụ nữ tử vong vì uống thuốc trị tiểu đường chứa chất cấm

Thứ Hai, 21/10/2019 12:29  | Ngô Đồng

|

(CAO) Thuốc trị tiểu đường có chứa chất cấm nhưng người bệnh không hề hay biết, chỉ tin lời quảng cáo trên mạng nên đã mua sử dụng. Dù bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, nhưng một bệnh nhân đã không qua được nguy kịch.

Ngày 21-10, Th.BS. Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp trong tình trạng nặng, với những biểu hiện đau bụng, đau cơ, yếu cơ, khó thở, mệt, tụt huyết áp. Cả 2 bệnh nhân đều có tiền căn bệnh tiểu đường, đang trong thời gian điều trị với những loại thuốc tễ.

Người bệnh Đỗ Thị S. (68 tuổi, ngụ TP.HCM), nhập viện ngày 16-10. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường 10 năm qua, vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà, đau bụng, tiêu phân lỏng nhiều.

Qua kiểm tra bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân bị choáng, huyết áp tụt, suy hô hấp rất nặng, đường huyết rất cao vượt ngưỡng đo của máy. Các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng.

Uống thuốc trị tiểu đường trôi nổi, bệnh nhân nhận đánh đổi sinh mạng của mình

Thông tin từ phía gia đình cho hay, bà S. không sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ mà uống thuốc Tàu nhiều năm qua. Trong số các loại thuốc bà sử sử dụng có một chai thuốc hạ đường huyết, chai còn lại không ghi hoạt chất, bệnh nhân đã uống hết thuốc, ngoài vỏ chai ghi toàn chữ Tàu.

Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị nội khoa tích cực, cho bệnh nhân thở máy, lọc máu, nhưng diễn tiến bệnh trở nặng, đến ngày 20-10, gia đình đã làm thủ tục đưa người bệnh về lo hậu sự.

Thuốc mà bệnh nhân đã sử dụng, ngoài vỏ chai ghi toàn chữ Tàu.

Một trường hợp khác, là bà Võ Thị Bích L. (59 tuổi, ngụ tại TP.HCM), nhập viện ngày 14-10. Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân bị tiểu đường, thời gian khoảng tháng 10-2018 người bệnh bỏ điều trị, không đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ mà tự đi mua loại thuốc "tiểu đường hoàn" rao bán trên mạng về uống.

Sau hơn 1 năm sử dụng loại thuốc trên, gần đây bệnh nhân có triệu chứng đau lưng, tăng huyết áp, mỏi cơ xương khớp trên nền bệnh tiểu đường.

Sau khi vào viện, người bệnh được chuyển nội cơ xương khớp điều trị nhưng diễn tiến bệnh nặng hơn.

Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị toan chuyển hóa rất nặng (pH máu xuống còn 6,8), chỉ số rối loạn toan kiềm ở mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị nội khoa, sau nhiều ngày điều trị tình trạng bệnh đang từng bước cải thiện.

Thống kê tại Bệnh viện Thống Nhất cho thấy, từ đầu năm đến nay có 5 trường hợp phải nhập viện điều trị trong tình trạng tương tự như 2 ca bệnh trên. Trong đó, ca bệnh Bích L. được xác định sử dụng thuốc "tiểu đường hoàn" do một công ty nằm trên đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân sản xuất. Các kết quả xét nghiệm cho thấy trong loại thuốc này có chứa Phenformin một loại chất đã bị cấm sử dụng cho người bệnh tiểu đường.

Theo BS. Ngọc Ánh, ở thập niên 50 của thế kỷ trước, 2 hoạt chất Metformin và Phenformin là thuốc điều trị đầu tay được sử dụng cho những người điều trị tiểu đường. Nhóm thuốc này phát giúp việc điều trị ổn định đường ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp khá 2 hiệu quả khi mới được phát hiện, nhưng khoảng thập niên 70, y học phát hiện ra tác dụng nguy hại cho cơ thể, loại thuốc này ngay lập tức bị cấm ở Mỹ, đến thập niên 80 thì cấm sử dụng trên toàn thế giới vì gây nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Tuy nhiên, đến nay loại thuốc tễ có chữa chất cấm Phenformin vẫn lưu hành gây họa cho người bệnh tại Việt Nam.

Để ngăn chặn hiểm họa cho người bệnh, BS. Ánh cho rằng phía quản lý nhà nước phải có giải pháp tăng cường quản lý, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để tránh nguy hiểm xảy ra, BS. Ánh cũng khuyến cáo cộng đồng, người bệnh cần tiếp cận thông tin chính thống, khoa học, khi có bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ. Việc sử dụng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ của thuốc có thể gây chết người. Ở nhóm bệnh nhân suy thận, suy gan, nghiện rượu hoặc mắc bệnh lý mạn tính khác, nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng do Phenfomin ở mức rất cao, phải đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng thuốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang