(CAO) PGS.TS.BS. Phạm Lê Tuấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, cách mạng 4.0 đã có tác động rất lớn đến ngành y tế. Do đó, đòi hỏi các bệnh viện phải chuyển mình hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.
Đó cũng là những thông tin được đưa ra thảo luận tại hội nghị quốc tế “Informatics về sức khỏe” lần thứ 1 hướng tới bệnh viện thông minh, tổ chức tại TP.HCM.
Các chuyên gia y tế cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh của ngành khoa học máy tính, nhất là máy học và trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều hướng phát triển đầy tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại các nước phát triển trên thế giới.
PGS.TS.BS. Phạm Lê Tuấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, cách mạng 4.0 đã có tác động rất lớn đến ngành y tế. Do đó, đòi hỏi các bệnh viện phải chuyển mình hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.
Đây chính là yêu cầu tất yếu khách quan của ngành y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, hướng tới sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả trong quản lý bệnh viện.
Cách mạng 4.0 đã có tác động rất lớn đến ngành y tế. Ảnh minh họa
Việt Nam hiện có 1.400 bệnh viện công lập, 245 bệnh viện ngoài công lập và 30.000 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cùng 11.545 trạm y tế xã, phường.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, đến nay có khoảng 99% bệnh viện tại Việt Nam (chưa bao gồm cơ sở tư nhân) đã thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm y tế. Nhiều bệnh viện đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, công tác chuyên môn như phần mềm quản lý bệnh viện HIS, telemedicine (khám bệnh từ xa) và bigdata…
TP.HCM được xác định là địa phương tiên phong hướng tới y tế thông minh. Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện tại TP.HCM đã xây dựng bệnh án điện tử; nhiều bệnh viện ứng dụng robot trong phẫu thuật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư, đột quỵ...
Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các bệnh viện tại TP.HCM đều đã triển khai kê đơn bằng máy vi tính thay cho viết tay. Ngoài việc giúp người bệnh có đơn thuốc rõ ràng, dễ đọc, việc kê đơn qua máy vi tính sẽ còn phát huy nhiều hiệu quả khác nếu chương trình kê đơn được tích hợp hệ thống nhắc.
Nhiều bệnh viện đã xây dựng và cài đặt hệ thống nhắc về liều lượng thuốc, nhắc kê đơn những thuốc có cùng hoạt chất, nhắc thuốc có nhiều tác dụng phụ…, điều này đã góp phần giảm nguy cơ sai sót trong kê đơn của các bác sĩ.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, với bệnh viện thông minh, bệnh nhân sẽ biết mọi thông tin lịch sử bệnh được cập nhật liên tục từ bác sĩ. Bác sĩ cũng dễ dàng chẩn đoán dựa trên tiểu sử bệnh của mỗi người.
PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, số hóa bệnh viện sẽ góp phần bảo vệ an ninh sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, để nhân rộng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố. Nhất là trong bối cảnh của nước ta chỉ nên chọn lựa những ứng dụng đã được chứng minh khoa học về lợi ích của nó và phù hợp với yêu cầu phát triển từ thực tiễn của ngành y tế.
TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến nghị các bệnh viện nên thuê đơn vị bên ngoài triển khai những công nghệ phức tạp để y bác sĩ tập trung vào chăm sóc người bệnh.
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc tham gia với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có uy tín trong nước và cả nước ngoài để cung cấp dữ liệu có giá trị vào dữ liệu lớn để xây dựng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành Y tế cũng cần được xét đến trong thời gian sắp tới.
(CAO) Áp lực học tập đối với trẻ em ngày càng lớn, nghỉ ngơi không hợp lý,… gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, làm giảm khả năng học tập của trẻ và là nguyên nhân ngày càng gia tăng các bệnh học đường, nhất là cận thị, cong vẹo cột sống.