Những tai biến chết người khi tập thể dục, chơi thể thao

Thứ Bảy, 12/10/2019 08:06  | Ngô Đồng

|

(CAO) Các chuyên gia y tế cho biết, trong thời gian qua, nhiều trường hợp tập thể dục, thể thao, nhất là các vận động viên trong lúc đang tập luyện, thi đấu bỗng dưng bị tai biến dẫn đến tử vong một cách tức tưởi.

Những trường hợp tử vong đáng tiếc trong vận động và thi đấu

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc vận động đã được cảnh báo ngày càng nhiều, đáng tiếc nhất là những trường hợp đột tử mà trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện đáng ngờ.

Như trường hợp của Luis Miguel Lastra (cầu thủ đội bóng Cuidad Jardin, Tây Ban Nha, 21 tuổi) ngã xuống khi đang luyện tập và đã chết vì bệnh tim. Đây cũng không phải là lần đầu tiên một cầu thủ người Tây Ban Nha chết vì bệnh tim. Trước đó, cựu đội trưởng Espanyol Daniel Jarque và cựu cầu thủ Sevilla Antonio cũng lìa đời vì bệnh lý tương tự.

Còn tại Việt Nam, vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân Tâm đã chết ngay trên đường đua giải tiền SEA Games 22 vì trụy tim.

Hay đội trưởng CLB hạng nhì Quân khu 4, Trần Nam Trung (sinh năm 1974) bất ngờ ngất lịm, đột quỵ ngay khi tập luyện trên sân bóng.

Cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng đã bị đột quỵ khi đang thi đấu tranh cúp vì nhồi máu cơ tim.

Mới đây nhất, trên đường chạy HCMC Marathon 2019, chàng trai 23 tuổi Võ Văn Thơm (Bình Thuận) cũng ra đi mãi mãi khi chưa kịp kết thúc đường chạy do đột quỵ.

Những bệnh lý chỉ xuất hiện lúc vận động, gắng sức

Theo các chuyên gia về hô hấp, những người dân tập thể dục, thể thao hay những vận động viên thi đấu xảy ra tai biến dẫn đến đột tử phần lớn là do bị cao huyết áp, tụt huyết áp hay có bệnh lý về tim mạch. Những trường hợp này chỉ phát hiện bệnh khi vận động, còn khi nghỉ ngơi không phát hiện bệnh.

Những bệnh lý chỉ xuất hiện lúc vận động, gắng sức có thể gây chết người. Ảnh minh họa

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam đưa dẫn chứng về những trường hợp mà bà phát hiện bị cao huyết áp, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim... bằng phương pháp vận động.

Một nam bệnh nhân 41 tuổi đến khám với lời than phiền “mệt, khó thở khi vận động”. Để kiểm tra, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp (CPET) để xác định nguyên nhân.

Với phương pháp này, bệnh nhân đạp xe hay chạy trên thảm lăn trong khi thở qua mask để phân tích CO2 và O2, đo điện tim, huyết áp và độ bão hòa ôxy. Sau đó, bệnh nhân vận động tăng dần cho đến khi đạt VO2 đỉnh dự đoán, hay có chỉ định phải dừng lại để xác định loạn nhịp, hạ huyết áp hay do triệu chứng.

Chỉ sau 2 phút đạp xe tốc độ vừa phải, huyết áp của bệnh nhân tăng lên 131 mm Hg, đến phút thứ tư lên 150 – 160, phút thứ 6 huyết áp tăng 174 và phút thứ 8, huyết áp của bệnh nhân là vọt lên 218.

Huyết áp tăng giảm bất thường, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh… có thể xuất hiện lúc gắng sức ở cường độ vận động thấp, dẫn tới tai biến, thậm chí tử vong khi gắng sức tập nặng hay thi đấu thể thao.

BS. Lan cho rằng, chính những trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi vận động, còn nghỉ ngơi sẽ không phát hiện bệnh nên nhiều người thấy sức khỏe bình thường, kiểm tra không phát hiện bệnh, nhưng khi chơi thể thao, thi đấu thể thao thì bị tai biến, tử vong.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết, cũng bằng phương pháp gắng sức tim mạch - hô hấp đã phát hiện nhiều người trẻ, trong đó có những học sinh, sinh viên bị rối loạn dây thanh chức năng, co thắt phế quản khi vận động dẫn đến nghẹt thở, khó thở. Những bệnh nhân bị rối loạn chức năng dây thanh thường có cảm giác “ngộp thở” khi ngủ. Điều đáng nói, những trường hợp này chỉ được phát hiện khi được kiểm tra gắng sức tim mạch - hô hấp.

Xây dựng bài tập theo các giới hạn của bản thân

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan chỉ ra 6 nguyên nhân của những người tập thể dục, thể thao hay thi đấu thể thao dẫn đến tai biến, tử vong. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất chính là phương pháp giảng dạy và huấn luyện (chiếm 30-60%); kế đến là không đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất kỹ thuật của buổi tập; người tập có hành vi không đúng đắn; thiếu sót trong tổ chức tập luyện và thi đấu; điều kiện khí hậu và vệ sinh không phù hợp; vi phạm các nguyên tắc kiểm tra y học.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân hay vận động viên cần phải hiểu rõ các giới hạn của bản thân trước khi tập luyện. Ảnh: NĐ

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, phải kiểm tra sức khỏe cho người tập luyện và kiểm tra y học cho vận động viên trước khi cho phép hoặc khuyến khích nên tập luyện môn thể thao nào cho phù hợp với từng người.

Theo BS. Tuyết Lan, thống kê cho thấy những người tập thể dục thể thao hay vận động viên thi đấu thể thao bị tai biến, tử vong do vi phạm nguyên tắc kiểm tra y học chiếm khoảng 2% đến 10%. Việc tập luyện, thi đấu thể thao không qua kiểm tra y học, không theo chỉ dẫn bác sĩ là một trong những khâu yếu của y học thể thao Việt Nam.

BS.Trần Quốc Tài, Đơn vị Hô hấp, Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng cho biết, để đảm bảo xây dựng chương trình tập luyện an toàn, tối ưu, phù hợp cho từng người, mỗi cá nhân (đặc biệt những đối tượng có nguy cơ tim mạch, hô hấp, ít tập luyện hay tập luyện thường xuyên với cường độ cao) nên hiểu rõ các giới hạn của bản thân trước khi tập luyện.

BS. Tài cũng nhấn mạnh, bất cứ một bài tập nào, dù nhẹ hay nặng, cũng cần 3 giai đoạn: Khởi động (5 - 10 phút, co giãn, cử động linh hoạt… làm tần số tim tăng dần tới đích); tập luyện (≥ 20 phút, tối ưu 30 – 45 phút hoạt động hiếu khí liên tục hay không liên tục); làm nguội (5 - 10 phút, tập cường độ thấp và hồi phục từ từ).

Qua kiểm tra gắng sức tim mạch - hô hấp, bệnh nhân sẽ phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh. Qua đó, có những đánh giá về bệnh lý sẵn có cũng như thu thập dữ liệu nền, giải thích cho người bệnh, tiên lượng về tình trạng sức khỏe, thể chất hiện tại so với giá trị bình thường. Đặc biệt, các bác sĩ sẽ cung cấp dữ liệu để xây dựng bài tập theo các giới hạn của bản thân.

“Các ngành chức năng có liên quan cần kiểm tra sức khỏe cho người tập, và kiểm tra y học cho vận động viên trước khi cho phép hoặc khuyến khích nên tập luyện môn thể thao nào cho phù hợp với từng người. Cần có văn bản pháp quy quy định công tác kiểm tra y học, chăm sóc y tế và bảo vệ sức khỏe cho vận động viên cũng như người tập thể dục thể thao. Tăng cường giáo dục và hướng dẫn vận động viên và người tập về nguyên tắc huấn luyện, phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao. Khi tập luyện và thi đấu ở mọi cấp độ bắt buộc phải có sự hiện diện của huấn luyện viên”, bác sĩ Lan khuyến cáo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang