(CATP) Khi lao mình vào những chuyến đi, tất cả đều mong sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng trên thực tế, họ phải trải qua hành trình dài dặc với nguy hiểm chực chờ. Làn sóng những người mạo hiểm bỏ lại tất cả, mong đến được “miền đất hứa” mới đây lại tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, sau vụ 39 thi thể được phát hiện chết ngạt trong thùng container tại Anh, mà tất cả đều là người Việt. “Thiên đường của những người nhập cư lậu trong thoáng chốc sụp đổ tan tành”, khi những người may mắn vượt thoát phải chôn đời mình trong các tiệm nail, rửa xe, cho đến các công việc phạm pháp như bóc lột tình dục và quần quật trên các trang trại trồng cần sa, chẳng biết ngày về...
NGƯ PHỦ BỎ CHÀI LƯỚI, ĐỔI NGHỀ... SƠN MÓNG TAY
Chỉ hơn 1 tháng trước khi xảy ra thảm họa 39 người nhập cư bất hợp pháp vào Anh bị chết ngạt trong thùng container, cảnh sát nước này đã bắt 2 nam thanh niên người Việt nhập cư bất hợp pháp, không có giấy phép lao động hiện đang làm công cho tiệm Phoenix Nails ở thị trấn nghỉ mát ven biển phía nam nước Anh.
Con đường vòng vèo tới “miền đất hứa”
Hai nam thanh niên trong độ tuổi từ 26 - 30 bị còng tay đưa lên xe của cơ quan di trú Anh vào trưa 15-9-2019. Nhà chức trách cho biết, những người này đã nhập cư trái phép vào Anh, không có giấy phép lao động nên có thể bị trục xuất, chưa kể sẽ bị phạt 20.000 bảng/ người. Vấn đề nhập cư trái phép, trong đó có người Việt Nam, đã trở thành mối quan tâm được công luận Anh chú ý từ nhiều năm nay và sự kiện 39 người Việt chết ngạt trong thùng container hôm 23-10-2019, đã khơi lại mối quan tâm dai dẳng ấy.
Có không ít đường dây đưa người di cư bất hợp pháp và nhiều con đường khác nhau để tới Anh. Một điều tra thực địa do Viện nghiên cứu Đông Nam Á, trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) thực hiện năm 2016 ghi nhận một số người đã bay qua Trung Quốc, Moscow (Nga) hoặc trực tiếp tới Paris bằng thị thực Schengen.
Từ đó, tuyến đường bộ tiếp tục đưa họ qua các nước thuộc Đông Âu như Hungary, Ba Lan, Czech để tới Đức, Bỉ, Pháp. Paris là vị trí trạm chờ quan trọng với số di cư bất hợp pháp trước khi họ đến xã Angres thuộc tỉnh Pas-de-Calais, nơi có “thị trấn Việt” (từ chỉ một trại tạm cư trong rừng do các đường dây buôn người kiểm soát), kiên trì chờ đợi đến lượt lên được những chiếc ôtô tải vượt biển qua Anh bằng phà.
Tùy theo số tiền bỏ ra, họ có thể đi dạng “VIP”, tức là được cấp cho những chỗ ẩn náu an toàn trên xe (với mức giá 10.000 - 14.000 euro), còn nếu chọn giá “bình dân” khoảng 3.000 - 4.000 euro, cả đoàn phải chấp nhận bị nhồi nhét trong thùng container.
Trong vụ 39 người chết ngạt trong thùng xe, dư luận cho rằng con đường vượt eo biển từ lục địa châu Âu sang Anh không theo tuyến thường thấy bằng phà từ Calais - Dover như trường hợp 58 người Trung Quốc nhập cư lậu chết ngạt tại cảng Dover hồi tháng 6-2000.
“Nhà” của người Việt di cư bất hợp pháp trong một “làng chờ” quanh khu vực Calais (Pháp)
Đàn ông “cướp” chén cơm của phụ nữ
Con đường bất hợp pháp tới Anh quá xa xôi, vòng vèo, đầy nguy hiểm và số đông đến nơi sẽ được chọn trồng cần sa, vì thế số phụ nữ đi theo tuyến này ít hơn nhiều so với nam giới. Thế nhưng, nghề làm móng ở Anh lại nở rộ sau khi nó được truyền từ cộng đồng người Việt ở Mỹ qua. Thêm nữa, người Việt lại chiếm ưu thế trong nghề này, nên nam thanh niên Việt di cư bất hợp pháp tới Anh là nguồn bù đắp nhân lực phù hợp.
Giang, 22 tuổi và là con út trong gia đình có 6 người con quê ở Quảng Bình, năm 2016 từng kể lại với điều tra viên của Viện nghiên cứu Đông Nam Á rằng mình vốn là dân chài, nhưng đó là một nghề khó khăn, đầy bất trắc nên anh quyết định không làm nữa. Nhờ sự giúp đỡ tài chính của người em họ từng đi xuất khẩu lao động, Giang đã trải qua 3 tháng ròng trên đường tới Anh, trong đó có 4 lần bị bắt trên đất Ba Lan. Khoản còn lại trong số 37.200 euro chi phí, Giang phải vay bên ngoài.
Đến được Anh vào tháng 4-2016 sau 3 lần vượt biển tại Calais bằng “vé bình dân” không thành, nhưng may mắn trót lọt ở lần thứ tư sau khi bỏ thêm tiền mua vé “VIP”, để kiếm sống, Giang làm việc cho 1 tiệm nail. Anh cũng chẳng thấy bỡ ngỡ bởi có nhiều đồng hương cũng đang kiếm sống tại đây. “Không đủ phụ nữ làm việc này”, Giang giải thích. Người chủ tiệm nail nơi Giang làm cũng là một phụ nữ Việt, lập tiệm này đã nhiều năm.
Trong khi đó, số phụ nữ di cư bất hợp pháp tới Anh làm việc trong các tiệm nail có cuộc sống “nô lệ thời hiện đại” - như báo chí nước này mô tả - cho chính đồng hương của mình.
Cách nay hơn 1 năm, 1 phụ nữ Việt tên Thu Huong Nguyen (48 tuổi) và người đàn ông tên Viet Hoang Nguyen (29 tuổi) đã bị Tòa án tại Stafford (Anh) tuyên phạt lần lượt 5 năm và 4 năm tù về tội cưỡng ép, bóc lột lao động. Ngoài ra còn có thêm Giang Huong Tran (23 tuổi) bị phạt 2 năm tù treo. Vụ việc được phát hiện từ sự tố giác của Tổ chức từ thiện Unseen, khi nhân viên của họ bắt gặp 2 phụ nữ trẻ làm việc tại tiệm làm móng Nail Bar Deluxe ở thành phố Bath.
Nhân viên của Unseen tìm hiểu, biết 2 cô gái nọ phải làm việc 60 giờ/tuần, một người được trả 30 bảng/tháng, cô bé còn lại làm việc không lương; một người ngủ trong căn phòng bé xíu, người còn lại nằm trên gác xép áp mái. Cả hai phụ nữ trẻ này đến Anh bằng cách trốn trong thùng ôtô tải để vượt biển. Không rõ sau khi đến Anh do bị bỏ mặc nên họ tự tìm đến tiệm nail xin việc hay có đường dây thu xếp.
Số tiền Thu Huong Nguyen giấu trong gấu bông
Trong khi trả công ít ỏi với 2 nữ nhân viên làm việc cho mình, việc kinh doanh của tiệm Nail Bar Deluxe rất hanh thông. Khi khám nhà của Thu Huong Nguyen, cảnh sát phát hiện 50.000 bảng giấu trong con gấu bông cùng hàng loạt túi xách hàng hiệu. Ngoài ra, nữ chủ tiệm này còn sở hữu nhiều căn phòng để cho thuê.
(Còn tiếp...)
Quang Toàn (theo báo nước ngoài)