Hành trình đến “miền đất hứa”: Tường trình từ người trong cuộc (kỳ 1)

Thứ Năm, 07/11/2019 09:47

|

(CATP) Sau sự việc 39 người nhập cư chết trong thùng xe container được phát hiện ở hạt Essex (Anh), câu chuyện người Việt xuất cảnh trái phép đến các nước tại châu Âu, trong đó nhiều nhất là đến Anh, được dư luận đặc biệt quan tâm.

“Họ đi bằng cách nào? Những đường dây nào nhận tiền để đưa những lao động trái phép đến được “miền đất hứa”?...”. Những câu hỏi đó sẽ được chính những người trong cuộc kể lại sau thời gian sinh sống tại Anh.

KÝ ỨC KHÔNG THỂ QUÊN CỦA MỘT TÀI XẾ GRAB

ĐƯỢC sự giúp đỡ của bạn đọc, chúng tôi có số điện thoại của anh Trần T.M. (50 tuổi), hiện đang sinh sống tại Q.Gò Vấp (TPHCM). Sau thời gian bị trục xuất từ Anh về nước, anh M. đang làm nghề lái xe Grab kiếm sống. Anh đồng ý gặp phóng viên, kể lại hành trình đến nước Anh mà mình từng trải qua 7 năm về trước.

“Chuyến du lịch” giá 30.000 Euro

Là người gốc Hoa, sinh sống lâu đời tại TPHCM, nhưng anh M. quyết tâm sang Anh làm việc vì gia đình vợ anh khuyên bảo. Anh kết hôn với chị Linh (đã đổi tên theo yêu cầu của nhân vật). Thời điểm đó, gia đình chị Linh có nhiều người đang lao động tại Anh. Nghe kể lại thì công việc cũng không vất vả, mà điều kiện sống lại tốt nên anh M. đồng ý để vợ đi trước. Đến năm 2012, chị Linh hối thúc anh sang Anh để được ở cạnh nhau, chưa kể lúc đó mới gom đủ tiền để “chung” cho đường dây chuyên đưa người ra nước ngoài trái phép.

Theo hướng dẫn của vợ, anh M. liên lạc qua điện thoại với một người ở Hà Nội. Đây là đường dây đã đưa chị Linh sang Anh trót lọt. Mặt khác, những người trong đường dây này cũng đang có người thân sinh sống, làm việc tại Anh nên yên tâm hơn những đường dây khác. Sau khi trao đổi, anh M. đồng ý đi Anh với giá khoảng 30.000 Euro (tương đương khoảng 750 triệu đồng) trọn gói. Các đối tượng trong đường dây này sẽ lo tất cả các thủ tục cần thiết để anh đến được Anh, thời gian khoảng 30 ngày, tùy tình hình bên đó.

Anh M. kể với phóng viên về quá trình từng đến “miền đất hứa”

Họ yêu cầu anh M. gởi các giấy tờ liên quan (hộ chiếu, giấy tờ chứng minh tài sản...) để làm thủ tục xin visa đi du lịch các nước ở châu Âu. Khâu này sẽ mất khoảng 1 tháng, đóng trước 15.000 Euro. Cuối tháng 10-2012, anh M. được thông báo rằng hồ sơ đã hoàn tất, yêu cầu anh có mặt ở Hà Nội để làm thủ tục xuất cảnh đi... du lịch. Từ Hà Nội, anh M. cùng một nhóm người bay sang châu Âu. Đêm đầu tiên, họ quá cảnh ở Nga.

Anh M. nhớ lại: “Trong đoàn có khoảng 30 người, cả nam lẫn nữ, độ tuổi khoảng 18 - 40, quê quán đa phần ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đó, có nhiều đích đến, nhưng đều được gom lại đưa đi cùng chuyến. Đi cùng chúng tôi, ngoài hướng dẫn viên của công ty lữ hành, còn có một thanh niên ngoài 30 tuổi, mọi người thường gọi là “trưởng nhóm”. Các thành viên trong đoàn phải nghe theo sự hướng dẫn của thanh niên này”.

Qua trao đổi với những người đi cùng, anh M. được biết, “giá” để đến Anh cao nhất nếu đi qua Đức (khoảng 20.000 Euro), còn các nước khác thì rẻ hơn. Sau một đêm quá cảnh ở Nga, sáng hôm sau, nhóm anh M. nối chuyến bay sang Hungari. Xuống sân bay, họ được hướng dẫn viên đưa về khách sạn đã đặt trước. Từ đây, như những đoàn khách du lịch bình thường, họ lần lượt đi du lịch, tham quan các nước Bungari, Cộng hòa Séc... theo đúng lịch trình mà công ty lữ hành đưa ra.

Thế nhưng tâm trạng các thành viên thì khác. Mỗi người đều mong đến những điểm cuối của hành trình để... bỏ trốn (!). Theo kế hoạch, ngày cuối của chuyến du lịch thì hướng dẫn viên đưa cả đoàn đến sân bay của Áo để làm thủ tục xuất cảnh về Việt Nam. Tuy nhiên, anh M. được “trưởng đoàn” dặn kỹ: “Thay vì lên máy bay thì hãy bỏ vé, đón taxi quay về khách sạn cũ tại Áo”.

“Đột kích” xe tải để sang Anh

Khi chuyến du lịch kết thúc cũng là lúc anh M. và nhiều người khác bắt đầu cuộc di chuyển “chui” qua các nước thuộc châu Âu. Sáng hôm sau, “trưởng nhóm” đưa cho mỗi người một sim điện thoại và vé xe buýt để đi từ Áo đến thủ đô Paris (Pháp). Xe di chuyển một đêm, tới sáng thì đến được Pháp.

Anh M. gọi đến một số điện thoại đã được cung cấp trước đó. Vài tiếng sau, một “trưởng nhóm” khác cũng là người Việt đến đón. Theo người này, nhóm anh M. và 3 người khác được đưa về nơi tập kết. Đây là một ngôi nhà nhỏ, cách biệt với khu dân cư. Ngôi nhà chỉ có một phòng khoảng 30m2, nhưng chứa hơn 30 người. Họ trải nệm nằm la liệt giữa phòng, tất cả dùng chung một nhà vệ sinh nhỏ. Họ không được ra khỏi nhà, liên lạc cho người thân cũng bị hạn chế; thức ăn chỉ có đồ hộp, đồ ăn nhanh. Nhưng đây chưa phải là điều khổ cực nhất mà họ sẽ trải qua.

Ở ngôi nhà này được 2 ngày, nhóm anh M. được “trưởng nhóm” mua cho vé tàu cao tốc từ Paris tới Dunkerque, nơi có 2 tuyến đường đến Anh bằng hầm hoặc phà. Đến bến xe buýt trung tâm thành phố, anh M. tiếp tục được hướng dẫn đón xe buýt đến một điểm nằm cách xa đó. Nhóm anh M. xuống xe tại trạm dừng, có người chờ sẵn, dẫn đi bộ vào một khu rừng rộng lớn, nằm cách đường khoảng 2 cây số.

Khác xa tưởng tượng của anh M., nơi đây không hề có nhà, chỉ có một lán trại do đường dây đưa người nhập cư trái phép dựng tạm bợ bằng tấm bạt. Nhu cầu tắm giặt, vệ sinh của hơn 50 người đều phụ thuộc vào một hồ nước lớn ở giữa rừng. Lúc này đã là mùa đông, trời lạnh thấu xương, họ phải đốt lửa để sưởi ấm; đồ ăn, nước uống thì do các “trưởng nhóm” ra siêu thị mua hoặc phá khóa, lấy trộm của các xe chở thực phẩm dừng bên đường.

Theo chỉ dẫn, ban ngày mọi người ở lại lán trại để ngủ. Hàng đêm, họ được người trong đường dây dắt ra bìa rừng, tiếp cận các bãi đậu xe của các trạm dừng (để tài xế đường dài nghỉ ngơi). Những người trong đường dây sẽ quan sát các xe dựa trên biển số, đặc điểm để xác định xe nào sẽ chạy đến Anh. Tiếp đó, họ phá khóa thùng xe hoặc rọc bạt, rồi ra hiệu cho người nhập cư lậu leo lên. Mỗi xe như thế sẽ chở một nhóm nhỏ 4 - 5 người. Điều kiện ăn, ở khổ cực như thế, nhưng những người như anh M. còn phải đối diện đối với những mối lo khác, như: bị cảnh sát bắt giữ, sợ bị cướp...

Nhiều người phải trải qua nguy hiểm khi đến Anh để mong đổi đời. Ảnh minh họa

Anh M. nhớ lại: “Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe tiếng súng, do ở trong rừng nên vang rất xa. Không hiểu chuyện gì, nhưng ai cũng lo lắng, căng thẳng. Sau này, nghe lõm được câu chuyện giữa một số người, tôi mới biết là các nhóm tranh giành những điểm dừng chân có nhiều xe tải đậu, nên xảy ra mâu thuẫn. Các nhóm đưa người dân ở Trung Á và Đông Nam Á nhập cư lậu còn tranh giành điểm ăn, ở, bãi đổ xe... nên xảy ra nổ súng”.

Ở trong rừng khoảng nửa tháng thì cũng đến lượt anh M. được “lên xe”. Đó là một chiếc xe tải lớn, thùng xe chỉ phủ bạt. Sau khi quan sát tài xế đang ngủ say, nhận định xe này sẽ đến Anh, “trưởng nhóm” liền phá khóa, ra tín hiệu cho anh M. và 3 người khác leo lên thùng xe. Dù không gian khá rộng, chỉ phủ bạt, nhưng cảm giác ngột ngạt khiến mọi người rất khó chịu.

Quan sát trên thùng xe, anh M. thấy có nhiều thùng carton, liền cạy ra rồi chui vào trốn. Vật dụng mang theo chỉ có bộ quần áo mặc trên người, điện thoại màn hình trắng đen và một túi nylon. Anh M. được dặn kỹ trước đó là khi thấy xe dừng (để chờ qua các chốt kiểm tra) thì nên quấn điện thoại vào giấy bạc, thậm chí phải chui vào túi nylon để trốn sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Xe chạy một đêm thì đến Anh, anh M và 3 người cùng nhóm rọc tấm bạt, ra hiệu cho tài xế dừng lại để cả nhóm leo xuống. Tuy nhiên, tài xế không dừng lại mà lái thẳng đến đồn cảnh sát. Cả nhóm bị bắt, đưa về trại của người vô gia cư. Bị giam giữ 3 ngày, anh M. được thả ra, kèm theo điều kiện phải trình diện hàng tháng. Từ đây, anh đón xe về nhà vợ mình ở thành phố Cambrige. Lúc này, gia đình vợ anh M. phải thanh toán số tiền còn lại cho đường dây đưa người “chui” sang Anh.

Hàng tháng, anh M. phải đón xe về trung tâm quản lý người nhập cư bất hợp pháp để trình diện. Được vài tháng, anh không ra trình diện nữa mà cùng gia đình vợ di chuyển qua nhiều thành phố của Anh để làm nghề “nail”. Sinh sống ở Anh được khoảng 3 năm thì anh M. bị người khác “thưa” vì không có giấy tờ tùy thân và chủ cơ sở kinh doanh sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp. Anh M. bị trục xuất về Việt Nam, chấm dứt giấc mơ đổi đời ở Anh...

(Còn tiếp...)

Ký ức kinh hoàng của người “vượt biên” sang châu Âu, sống sót trở về
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang