LẦN THEO NHỮNG “MẮT XÍCH” PHƯƠNG ĐÔNG
Người ta cho rằng phần nhiều người Việt đến Anh bất hợp pháp qua ngả Trung Quốc (TQ) và Nga bằng visa du lịch. Sau đó, những tuyến tiếp theo sẽ thay đổi tùy tình hình ở các quốc gia quá cảnh. Người di cư sẽ bay tới châu Âu hoặc đi đường bộ vòng vèo, vừa đi vừa nghe ngóng chờ thời cơ tại từng cung đường trên lãnh thổ các quốc gia Trung Á, Đông Âu trước khi tới được trời Tây.
Vượt rừng và đầm lầy
Ở Nga, sau khi tổng kết các nỗ lực tìm hiểu của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (gồm 6 nước: Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan, Nga, Tadjikistan) thực hiện trong năm 2017, Phó tiến sĩ Luật người Nga D.A. Sokolov đã chỉ ra 5 kênh quá cảnh di dân bất hợp pháp Trung Đông, Afghanistan, Trung Á, TQ, Việt Nam (VN) sử dụng khi tới châu Âu. Theo đó, người TQ và VN sẽ tới Kyrgystan - Kazakhstan - Nga - Ba Lan - Đức.
Lời kể của một người di cư bất hợp pháp quê Nghệ An với nhân viên điều tra của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á dường như phù hợp với kết luận này. Năm 2014, Nam Anh - tên của thanh niên 24 tuổi (đã được thay đổi) - phải chi trả 1.500 USD để lên đường sang Nga, nơi cậu sẽ làm việc vài tháng.
Ở đây, Nam Anh có họ hàng sinh sống, nhưng theo lời người thanh niên này thì vào mùa đông công việc ít, lương lại thấp nên cậu muốn tìm đường sang châu Âu. Gia đình phải gom góp chi trả cho chuyến đi Paris của Nam Anh với giá 12.000 USD, qua ngả Belarus và Ba Lan.
Tuyến di cư bất hợp pháp từ Việt Nam (theo báo Anh)
Trước đây người Việt thường sang Ukraina, nơi có cộng đồng người Việt tương đối lớn nhưng từ khi quan hệ Nga - Ukraina xấu đi năm 2014, họ đã đổi tuyến. Khi xuyên Belarus, Nam Anh phải len lỏi trong rừng và đầm lầy mới tới được biên giới với Ba Lan. Nhóm của cậu gồm 6 người, một người Việt biết đường dẫn đi. Họ phải chịu đựng cái lạnh cắt da, chịu đói khát, có khi suốt 2 ngày liền không ăn và tìm cách làm cho tuyết tan để có nước uống.
Cứ thế, trải qua 20 lần tương tự, họ mới tới được biên giới Ba Lan, bởi mỗi lần bị cảnh sát bắt lại bị trả về biên giới Nga và đã có không ít người phải bỏ mạng. Sang tới Ba Lan đã có chiếc xe tải chờ sẵn, 2 người trong nhóm ở lại, Nam Anh cùng 4 người khác đi tiếp tới Paris. Sau này Nam Anh biết chỉ có 1 người cùng đi trong nhóm tới được “xứ sở sương mù” như mình.
Một số nghiên cứu của Nga cho rằng, các tuyến qua Nga và những nước từng thuộc Liên Xô cũ được ưu tiên hơn đối với người Việt di dân bất hợp pháp có gốc ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung VN do ở các quốc gia này đã hình thành các cộng đồng người Việt định cư vài chục năm nay qua nhiều đợt di cư và làm ăn khá phát đạt, chiếm vị trí không nhỏ trong nền kinh tế đang chuyển đổi tại các nước sở tại.
Những người đi sau được khuyến khích bởi hình ảnh và sự hỗ trợ của lớp người đi trước vốn là bà con, hàng xóm, đồng hương. Hơn nữa, một phần cộng đồng người Việt ở Đông Âu vì nhiều lý do, cũng tiếp tục di cư sang Tây Âu khi có cơ hội, kể cả bằng con đường bất hợp pháp.
Tiến về phía Tây
Sau khi hết hạn visa tại Nga, những người đi tìm “miền đất hứa” bắt đầu “con đường đau khổ”, bởi lẽ từ đây họ trở thành những người di cư bất hợp pháp, phải lẩn trốn, bị truy bắt ở tất cả những quốc gia mà họ sẽ phải đi qua.
Nhiều người di cư đã chọn Nga làm quốc gia quá cảnh để đến Tây và Bắc Âu bất hợp pháp. Năm 2018, Nga bắt giữ 2.500 người, chủ yếu đến từ Maroc, Nigeria, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, VN và Algeria. Phần lớn nhập cảnh vào Nga với lý do xem Cúp bóng đá thế giới, sau đó tìm cách trốn sang một số nước châu Âu.
Những khu vực có nhiều người vượt biên trái phép là phía tây, tây bắc và khu vực Trung Á. Theo tờ Thời báo Chủ nhật, năm 2017 có 43.000 người Việt đã đến Nga “du lịch” và một số lấy đây làm bàn đạp để đi tiếp tới các nước châu Âu.
Trên con đường vòng vèo trước khi tới Anh, một phần lao động người Việt đi theo con đường bất hợp pháp sẽ dừng lại một thời gian để làm việc “chui” tại các nước quá cảnh chờ cơ hội hoặc kiếm tiền trang trải chi phí. Mới đây nhất, hôm 19-8-2019, Cảnh sát Moscow (Nga) đã bắt giữ hơn 160 người Việt di cư bất hợp pháp ngụ tại một nhà máy giày cũ bỏ hoang ở ngoại ô thủ đô Moscow. Không loại trừ những người trong số họ sẽ tìm cơ hội đi tiếp tới Tây hoặc Bắc Âu.
Một nhóm người Việt di cư bất hợp pháp bị bắt tại Ukraina
Ukraina, Belarus, Ba Lan, Litva, Latvia giáp với biên giới phía tây và tây bắc của Nga. Cơ quan Biên phòng Ukraina cho biết, năm 2018 có 332 người Việt trong số 1.130 người nước ngoài tìm cách vượt biên giới trái phép. Đứng ở vị trí thứ 2 là những người Bangladesh (150), người Moldova (103). Ông Andrei Demchenko, phát ngôn viên của Biên phòng Ukraina, nhận xét: “Trong đa số trường hợp coi Ukraina - là nước quá cảnh”.
Trong các đường dây đưa người trái phép có cả những người địa phương rành rẽ địa hình, giao thông khu vực và thường có thêm hộ chiếu nước khác. Khi bại lộ, tất cả chạy trốn, bỏ mặc “khách hàng” của mình, còn lỡ bị bắt thì cũng vẫn có cơ hội quay lại Ukraina. Những người dẫn đường được trang bị kính hồng ngoại nhìn trong đêm, thiết bị nghe trộm điện đàm của lính biên phòng.
Tại Belarus, năm 2014 có 91 trong số 136 người vượt biên giới nước này trái phép bị bắt giữ là người Việt. Phần lớn bị tóm khi vượt biên giới Belarus qua Litva. Họ thường nấp trong xe hơi (có trường hợp được làm thêm sàn xe giả), thậm chí bơi qua sông (đã có người chết đuối), dẫn đường là cư dân Estonia, Ba Lan, Nga và Kyrgyzstan (một quốc gia Trung Á phía nam Nga, có biên giới với TQ).
Truyền thông Latvia đưa tin, ngày 1-8-2019 có 22 người VN và 4 người dẫn đường bị bắt khi vượt biên trái phép vào Latvia. Trước đó, ngày 22-7 có 16 người Việt và 7 người Afghanistan cùng 7 người dẫn đường bị bắt khi vượt biên trái phép vào Latvia. Theo số liệu từ Biên phòng Latvia, 7 tháng đầu năm 2019 nước này bắt giữ 165 người Việt vượt biên trái phép. Ngày 25-10-2019, cơ quan điều tra tỉnh Pskov (Nga) đã hoàn tất hồ sơ truy tố những người VN từ 17 - 25 tuổi nhập cảnh vào Nga bất hợp pháp với mục đích từ đây tiếp tục vượt biên trái phép sang các nước châu Âu khác.
(Còn tiếp...)