Nhập cư lậu sang Anh và giấc mơ không thành (kỳ 4)

Thứ Năm, 07/11/2019 17:25

|

CỬA SAU VÀO NƯỚC ANH

Pháp là nước mà các nạn nhân buôn người hoặc di dân bất hợp pháp đến Anh nhắc tới nhiều nhất khi được yêu cầu nhớ lại tên các quốc gia họ đã đi qua, bởi tàu chạy qua đường hầm dưới đáy biển từ Calais nằm bên bờ phía Pháp qua Dover bên Anh chỉ tầm 35km, trong khi đi phà mất khoảng 90 phút.

Nỗi buồn "Vietnam city", "rừng Calais"

Một số người Việt được cho là có tên trong 39 người chết ngạt trên thùng container khi vượt biển sang Anh hôm 23- 10-2019 có lẽ ra đi từ Pháp. Như trường hợp Nguyễn Văn Hùng trước khi “mất tích” đã rời Marseille lên Paris và gia đình biết con mình sang Anh theo đường dây nào đó với cái giá 10.000 bảng. Nguyễn Đình Lương, khả năng nằm trong số 39 nạn nhân, từng sống và làm việc trong 1 nhà hàng ở Paris suốt 18 tháng. Mười ngày trước khi biệt tin, Lương gọi điện cho gia đình báo anh sắp vượt biển sang “xứ sương mù”.

Chuyện Pháp trở thành điểm trung chuyển cho các tuyến di dân đến Anh và các nước Bắc Âu không còn là điều bí mật. Trong tài liệu nghiên cứu năm 2017 của Cao ủy Độc lập về phòng chống nô lệ hiện đại có bảng kết quả trả lời của 63 nạn nhân buôn người đối với câu hỏi “Những nước nào họ đã đi qua trên đường tới Anh một cách bất hợp pháp”. Năm quốc gia được nêu nhiều nhất gồm: Pháp, Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Đức. Những nước khác như Belarus, Bỉ, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Czech cũng được nêu tên.

Cư dân của "Vietnam City" tại Angres

Số người Việt di cư bất hợp pháp hoặc là nạn nhân của các đường dây buôn người từng ăn dầm nằm dề trong các trại Teteghem, Grand-Synthe gần Dunkirk và trại Angres - bị gán tên “Vietnam City” - nằm cách Calais khoảng 100km.

Tồn tại hơn 10 năm nay, trại Angres nằm sâu trong rừng, trên khuôn viên 1 mỏ than đã ngừng hoạt động. Thường có khoảng 40-100 người tị nạn Việt Nam lưu lại đây, trong đó có không ít trẻ nhỏ, sống tạm bợ trong trại một thời gian dài nhờ sự cưu mang của người dân địa phương và các tổ chức cứu trợ. Tuy nhiên, vì là khu trại bất hợp pháp nên thỉnh thoảng họ vẫn bị cảnh sát truy quét và trục xuất.

Các tổ chức buôn người thường sử dụng xe thùng đưa người nhập cư Việt Nam từ Angres tới Calais, sau đó sang Anh bằng cách chui vào thùng xe tải. Cũng có một số tìm cách bắt xe để khỏi phải trả phí cho những kẻ dẫn đường, nhưng các nỗ lực này thường thất bại và họ sẽ bị trả thù. Người di cư có thể liều mạng sang Anh trên những chiếc xuồng máy với đầy rẫy mối nguy rình rập cướp đi mạng sống. Tình cảnh của những người Việt di cư ở trại Angres và những chuyến vượt biển của họ đã được các tổ chức nhân đạo, báo chí Pháp và quốc tế đề cập từ lâu.

Vì sao vẫn là Paris, Calais?

Quy mô các trại nhập cư người Việt sinh sống chẳng thể so với “Rừng Calais”, khu trại lớn dành cho người tỵ nạn và số di cư ở thị trấn Calais - nơi có tuyến phà nối sang Anh. Trong thời kỳ 2015 - 2016, số người ở đây có lúc lên tới hơn 8.000 thuộc nhiều quốc tịch. “Rừng Calais” là biểu tượng buồn của cuộc khủng hoảng di dân mà nước Pháp phải đối mặt thời gian qua.

Ảnh chụp "Rừng Calais" từ trên cao

Điều này buộc Tổng thống Emmanuel Macron chỉ nửa năm sau khi nhậm chức đã phải đến thị sát Calais đầu năm 2018 và tuyên bố đây không thể là “cửa sau để vào nước Anh”, đồng thời cam kết sẽ không cho xuất hiện trở lại khu “rừng” lều trại do những người di cư bất hợp pháp dựng lên như 10 năm trước.

Ở Pháp, một số vụ án liên quan đến người Việt di cư bất hợp pháp đã được đưa ra xét xử, tuyên án tù giam, phạt tiền. Năm 2012, một thanh niên Việt Nam 22 tuổi bị bắt khi đang điều trị vết thương do dao đâm tại bệnh viện ở Dunkirk - cảng nhỏ ở cực bắc nước Pháp, nơi xuất phát của 1 tuyến vượt biển sang Anh. Cảnh sát đã nghe lén điện thoại của người này nhằm thu thập bằng chứng. Chẳng còn gì để mất, đối tượng đã khai hết về mạng lưới đưa trung bình 20 người/tháng qua eo biển này từ tháng 11-2011.

Năm 2017, Cơ quan hợp tác châu Âu về hình luật (Eurojust) đã chọn những bản án tiêu biểu của Pháp từ năm 2010 trở lại để đưa vào tài liệu phân tích về hướng xét xử của tòa án nước này với những đối tượng tham gia điều hành đường dây di cư bất hợp pháp. Trong số đó có 2 bản án với gần 20 bị can được tuyên vào các năm 2013, 2015 liên quan tới việc đưa người Việt sang Anh bất hợp pháp bằng visa do một số quốc gia Đông Âu cấp, trên cơ sở thư mời giả mạo các công ty ở Romania, Czech, Hungary hoặc visa du lịch. Qua nhiều tuyến khác nhau, những người di cư sẽ qua Nga, các nước Đông và Nam Âu (Ba Lan, Czech, Slovenia, Romania, Hungary), Đức, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan trước khi tập kết ở Pháp.

Thế nhưng, dòng người di cư trái phép, trong đó có người Việt, sang Anh vẫn nối nhau tới Pháp, đặc biệt là Paris, Calais.

Chỉ nửa năm sau tuyên bố của Tổng thống Macron, đêm 4-7 Cảnh sát Pháp đã phá cửa căn hộ 2 phòng nhỏ trong chung cư trên phố Léon - Moussinac ở xã Villejuif, ngoại ô phía bắc Paris. Trước đó, một phụ nữ nhắn tin báo cho bạn mình qua Zalo rằng cô đang bị nhốt cùng nhiều đồng hương khác tại nơi họ không biết rõ. Rốt cuộc cảnh sát cũng tìm ra họ, tất cả 24 người, trong đó có cả trẻ vị thành niên trong căn hộ khóa trái, thu được 40 điện thoại, hộ chiếu Đài Loan và 5.000 euro tiền mặt. Chủ căn hộ hiện chưa rõ vì người sống ở đó thay đổi liên tục. Cảnh sát cho rằng 24 người nhập cư lậu theo đường dây trái phép và chỉ quá cảnh Pháp để sang Anh.

Cuộc điều tra về những tuyến đường đưa 39 người trở thành nạn nhân trong thùng xe đông lạnh ở Essex (Anh) sẽ làm rõ hơn vị trí của Paris trong “cung đường tử thần” nơi tất cả đi qua. Giải thích lý do người Việt di cư bất hợp pháp tới Anh thường chọn Paris làm điểm tập kết, bà Nguyễn Thị Hiệp - chuyên gia hàng đầu của Pháp về tình trạng người Việt di cư bất hợp pháp và bị buôn bán - nói với Hãng BBC rằng: “Sẽ nhanh hơn nếu họ tìm được ôtô tải đi thẳng từ Bỉ hoặc Đức để tránh sang Paris. Tuy vậy, chỉ những người túi rủng rỉnh mới đủ khả năng theo lối đó”.

Bà Hiệp dẫn lời một đối tượng đưa người Việt di cư lậu bị bắt vào năm 2012 rằng, tiền (thu từ những người di cư) chảy vào túi các “sếp” lớn ở Paris. Theo bà Hiệp, “sếp” lớn này có ở khắp nơi, khả năng ở mỗi nước châu Âu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang