Lần đầu tiên "biết" miền Nam

Thứ Năm, 30/04/2020 19:12

|

(CATP) Ngày 30-4-1975, bạn đang ở đâu và làm gì, nghĩ gì khi đón tin đất nước thống nhất? Nếu có cuộc khảo sát toàn dân với câu hỏi ấy, sẽ có bức tranh lớn ghi lại khoảnh khắc lịch sử một dân tộc chiến đấu và chiến thắng những đế quốc lớn nhất để bảo vệ Tổ quốc.

Ngày đó, tôi đang là phóng viên của một tờ báo ở Hà Nội. Vì có con nhỏ nên tôi được phân công theo dõi mảng hậu phương - quân đội. Nhưng lúc đó, Mỹ mở rộng hình thức chiến tranh, đem máy bay ra oanh tạc ngày đêm khắp nơi trên miền Bắc, nên hóa ra chẳng còn mấy ranh giới giữa chiến trường và hậu phương. Tôi vẫn tường thuật tin tức về những trận ném bom tàn khốc phá hoại nhà máy, đánh sập cầu, giết dân thường ở nhiều khu phố tan hoang...

Những gương chiến đấu của các pháo thủ, tự vệ và hoạt động cứu chữa trong làn "mưa" bom kinh hoàng. Cuộc sống của "hậu phương không yên tĩnh" với những người mẹ, người vợ biền biệt tin tức chồng, con, anh em nơi chiến trường; đau đớn đón tin báo tử vắn tắt: "Đã hy sinh tại chiến trường miền Nam", không rõ địa phận tỉnh, thành nào. Vì thế, hai tiếng "miền Nam" yêu thương và thiêng liêng, nhưng rất ít người biết rõ về một nửa đất nước còn lại, nghe như xa thăm thẳm.

Buổi sáng 30-4 ấy, tôi đang ngồi giặt quần áo cho con ở bể nước công cộng trong khu tập thể thì thấy mọi người chạy nháo nhác hô: "Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!...". Người ta kéo nhau ra phố, cứ đi như vậy và không cần biết đang đi đâu. Có người nhảy lên, có người khóc, có người reo hò. Họ sẽ được biết tin chồng, con mình còn sống hay đã chết, ai sẽ trở về. Đặc biệt là từ nay bom đạn không rơi xuống đầu mọi người nữa, không còn đau đớn khi nhìn thấy nhà sập, người chết ngay trước mắt mình nữa.

Ít lâu sau, tôi tham gia đoàn công tác của cơ quan, do tổng biên tập dẫn một tổ phóng viên, nhiếp ảnh đi xe xuyên Việt để phản ánh cuộc sống và con người Việt Nam - từ Bắc vào Nam ngay sau giải phóng. Từ các tỉnh miền Bắc, dấu vết loang lổ của bom đạn ngày càng trầm trọng khi qua miền Trung. Những cây cầu bị bom phá sập, phải xếp hàng qua phà dài dằng dặc. Rồi vào miền Nam. Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu... những cái tên nghe trong các bản tin chiến sự, giờ mới được thấy tận mắt xác xe tăng, ôtô nhà binh, súng ống và cả quần áo lính đối phương cởi, vứt vội dọc đường tháo chạy.

Nhưng với một nhà báo nữ như tôi, cảm giác choáng ngợp đầu tiên là thấy phụ nữ miền Nam ăn mặc quần áo và phố sá đầy màu sắc tươi tắn. Khi qua phà, bến xe, người bán hàng rong bán đủ thứ. Lần đầu tiên sau bao năm ăn đói, nhịn miệng nuôi con nhỏ, tôi được ăn nguyên... 2 quả trứng vịt luộc ngon lành.

Đoàn công tác dừng lại mỗi tỉnh, thành lớn vài ngày. Phóng viên đi các cơ sở, gặp gỡ, phỏng vấn không biết bao nhiêu người. Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Quy Nhơn, Phan Rang rồi ngoặt lên Tây nguyên, cuối cùng là Sài Gòn và đến một số tỉnh đồng bằng như: Bến Tre, Cần Thơ... Ở Sài Gòn, những con đường thênh thang vì không nhiều xe máy như bây giờ. Thành phố di chuyển nhiều bằng xe buýt với các phụ xe gõ ầm ầm vào thành xe, hô to: "Tới luôn bác tài!", thật lạ lẫm với người Hà Nội như tôi, thường đi xe đạp có biển số.

Tôi được gặp họ hàng bên mẹ, hầu như tất cả đã bỏ Hà Nội vào Nam năm 1954. Và sau năm 1975, nhiều người lần lượt rời Sài Gòn đi nước ngoài. Trong gia đình tôi - như rất nhiều gia đình Việt Nam khác, có nhiều người tham gia cách mạng, cũng có không ít người làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa, sau này có người phải đi cải tạo. Nhưng dù khác chính kiến, người Bắc, kẻ Nam vẫn thương yêu nhau, quý trọng tình ruột thịt, gạt bỏ các thành kiến chính trị. Đó chính là truyền thống hòa hợp Việt Nam.

Lần đầu, tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn trong đêm ở Đà Nẵng, khi đi gặp chị Trần Thị Lý: "Em là ai, cô gái hay nàng tiên, em có tuổi hay không có tuổi...". Ở Sài Gòn, tôi được gặp gỡ những nhân vật chỉ nghe trên đài, trong các bản tin chiến sự về những thần tượng trong chiến đấu, các anh hùng, như: Phan Thị Quyên, Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, ni sư Huỳnh Liên, luật sư Ngô Bá Thành, phi công Nguyễn Thành Trung... Lần đầu tiên nhìn thấy máy móc hiện đại và nếp sống công nhân Sài Gòn, ấn tượng của tôi về Công ty Vissan còn mãi đến bây giờ.

Bao năm đã trôi qua, bây giờ tôi đã là cư dân của TPHCM mấy chục năm. Lại đi viết, phỏng vấn miệt mài những con người cao đẹp. Từ những nhà tình báo huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Mai Chí Thọ, Hoàng Đạo..., cho đến thời đại dịch Covid-19 hôm nay, lại tiếp tục thấy những con người nghĩa tình, những việc làm nghĩa tình như "ATM gạo" sẽ đi vào lịch sử. Thêm yêu và biết ơn nhiều thế hệ người dân đất nước mình, sau chiến tranh đã vươn lên trong xây dựng để có một TPHCM hôm nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang