Vụ mùa mới đang chờ phía trước, miếng cơm – manh áo vẫn đau đáu nỗi lo, còn hạn thì năm nào cũng tàn khốc. Chống hạn, với người người dân Nam Trung bộ, giờ như một phần không thể thiếu trong nông vụ. Nhưng nếu chúng ta cứ đối diện với hạn bằng sức vóc hay sự ứng phó tạm bợ không thôi thì liệu đã đủ?
“Cõng cực lên đổ trên non”
Cũng chỉ vì nghe một bản tin tương tự như thế mà anh Năm Dện (tên thật Nguyễn Văn Hưng – ngụ xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) chẳng nói chẳng rằng, nhét vội vài bộ đồ vào ba lô, rồi lẳng lặng bắt xe vào Nam.
“Tui vào Sài Gòn làm hồ cùng mấy ông trong xóm. Hạn kiểu này không làm được nữa đâu” – dòng tin ngắn ngủi Ba Dện nhắn cho vợ khi rời làng.
Chuyến đi đó Ba Dện còn nhớ “nguyên xi” khi khô hạn lên đỉnh điểm vào năm ngoái. Còn năm nay, cũng vì tiếng gọi thôi thúc của quê nghèo, Ba Dện lại về. Trồng lúa nhắm không ăn mấy, anh chuyển lên vùng núi Khánh Vĩnh thuê đất tính đường trồng sắn.
Một du mục người Raglai “cõng cực lên đổ trên non” vì nắng hạn (Ảnh: Duy Quan)
Ngày rẫy sắn được gieo tươm tất, Ba Dện mặt không giấu sự háo hức, kỳ vọng về một vụ mùa thắng lợi. Ấy mà sau vụ Đông Xuân, mới đầu tháng Tư đây thôi, buổi chiều tổng kết thành phẩm thu về, mặt anh “xìu” còn hơn rẫy sắn.
“Thua rồi! Ở dưới đồng bằng làm không ăn, lên đây tìm đường. Nào ngờ như “cõng cực lên đổ trên non, cong lưng mà chạy cực còn theo sau” chứ có khác gì” – Ba Dện nói.
Chuyện buồn của Ba Dện hay của Y Tùng (người Ê Đê vùng Ninh Hoà) hoặc xa hơn nữa là những ông Năm, bà Bảy ở Bình Định, Phú Yên là ví dụ không thể điển hình hơn về tình cảnh của những người nông dân bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tại khu vực Nam Trung bộ do nắng hạn.
Khi thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn theo từng năm, đòi hỏi nông dân phải bằng mọi cách thích nghi để bám trụ và tồn tại với cái nghề bao đời nay làm nên họ.
Những vùng đất ở tỉnh Ninh Thuận chưa bao giờ thôi nứt nẻ vì thiếu nước (Ảnh: Duy Quan)
Hết chuyển đổi cây trồng, dự trữ nguồn nước; hết áp dụng những kỹ thuật thâm canh truyền thống đến đưa phương tiện hỗ trợ nông nghiệp hiện đại vào ruộng, rẫy… Dường như những gì có thể để cứu lấy vụ mùa vượt qua khô hạn, nông dân đều đã áp dụng.
Nhưng có lẽ, chỉ bấy nhiêu đó thôi vẫn chưa đủ để người nông dân chở được “cái cực” vượt qua “đỉnh núi thiên tai”, giúp họ hết khổ. Chống hạn, giờ đây ngoài những kỹ thuật, còn phải tính đến những biện pháp mang tính căn cơ!
Chống hạn: Hiệp sức thôi chưa đủ!
Quá trình thực hiện loạt phóng sự về hạn mặn, không chỉ lắng nghe những câu chuyện của nhà nông, nhóm phóng viên Báo Công an TPHCM còn quan sát rất nhiều phương án mang tính chủ động, cấp thiết của cơ quan hữu trách.
Một điều phải ghi nhận là ở những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn, chính quyền nơi đây vào cuộc rất quyết liệt và ý thức. Đó được xem là chỗ dựa rất lớn để bà con nông dân có thể trông cậy khi bị hạn hán đe doạ đến vụ mùa. Và nhờ đấy mà họ có thể hiệp sức vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Đôi mắt của một nông dân sẽ dịu đi khi biến đổi khí hậu được khống chế bằng ý thức (Ảnh: Duy Quan)
Nhưng có lẽ, chỉ dùng sức, chỉ ứng phó thôi là chưa đủ. Nắng hạn sinh ra từ những biến động của tự nhiên, nên muốn khống chế được nó, cũng phải có những công nghệ nuôi trồng mang tính khoa học căn cơ.
Một chuyên gia Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học Trường đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội từng nhận định: “Xây dựng các kế hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng thời của tất cả các cấp, các ngành, từ cấp quốc gia đến các thôn bản. Nhưng nhất thiết phải có tính toán thật khoa học, mang tính về lâu về dài để giúp sức cho bà con nông dân”.
Về thuỷ lợi, theo chuyên gia cao cấp thủy lợi Nguyễn Ngọc Anh, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam thì quan điểm chính của ông để phòng chống thiên tai và hạn hán dành cho các tỉnh ở khu vực Nam Trung bộ địa bàn tỉnh sẽ là: Phát triển thủy lợi tưới tiêu, cấp nước phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và phát triển các ngành kinh tế xã hội”.
Còn về kỹ thuật canh tác, Viện Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cũng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Australia xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây trồng, bước đầu thử nghiệm đối với cây lúa, cây xoài và cây lạc trên đất cát. Phương pháp này sẽ cho tưới nước nhỏ giọt xung quanh mỗi gốc cây (vùng tập trung nhiều rễ hoạt động).
Việc tưới nước nhỏ giọt hằng ngày đảm bảo độ ẩm tầng đất từ trên mặt đến hết vùng rễ hoạt động nên giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
“Mô hình tưới này sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nước và đất, và đây cũng là lời giải cho bài toán phương thức canh tác bền vững thích nghi với tình trạng thiếu nước tưới và đất đai nghèo dinh dưỡng, nhất là vùng nắng gió” - ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, hồ hởi khi nói về kỹ thuật mới.
Công nghệ phun nước tưới nhỏ giọt cho cây trồng vùng nắng gió mang lại hiệu quả thiết thực trong chống hạn (Ảnh: Nguyễn Thành)
Ngoài ra thì khoa học còn vào cuộc giúp sức cho bà con bằng những phát minh giống cây thích nghi tốt nhất với môi trường nắng hạn nhưng lại cho ra kết quả không thể nào mỹ mãn hơn. Những bước tiến này đã tạo ra cơ sở thực tiễn để đồng hành cùng nông dân “cõng cực” qua hạn hán.
Nhưng thế thôi thì chưa đủ! Nắng hạn ngày một khắc nghiệt, khó lường cũng từ biến đổi khí hậu mà ra. Nhắc đến cụm từ này, 10 người chắc 8 người từng nghe thấy. Có bao giờ một ai trong chúng ta chậm lại một vài giây để đặt câu hỏi về nguyên nhân làm ra nó? Báo Công an TPHCM đặt ra câu hỏi này không phải với mục đích kiểm tra kiến thức độc giả, mà đó chính là thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn gửi để kết lại loạt phóng sự này.
Một khi chúng ta ý thức được, chính sự tàn phá môi trường mới là nguyên nhân cốt lõi làm “bà mẹ thiên nhiên” nổi giận để tạo ra không ngớt các đợt thiên tai làm khổ con người thì khi đó, bài toán chống hạn chỉ mãi mãi mang tính tạm bợ chứ chẳng thể dài lâu.
Phá rừng, khí thải công nghiệp vượt ngưỡng, rác thải tràn lan… đó mới chính là “thủ phạm” mà chúng ta cần đấu tranh trực diện trong cuộc chiến chống hạn hôm nay.