Khi cái đỏng đảnh đáng yêu ngày thường của thiên nhiên bị biến thành sự “trái tánh của ông Trời” thì hậu quả trực diện dành cho con người là điều không thể tránh khỏi.
Chẳng riêng gì miền Tây Nam bộ, vài tháng qua, nắng hạn đã trở thành một sự kiện thời sự đầy lo âu với ngành nông nghiệp của cả khu vực duyên hải miền Trung.
Kiệt quệ dưới lòng sâu
Lòng hồ tỏa ra hơi nóng chẳng khác gì “lò bát quái”. Hàng trăm đường ống nước, máy bơm nằm trơ theo từng đợt gió rít. Phía xa xa, tiếng kêu yếu ớt của bầy cừu đói, vang vọng giữa chốn hoang vu.
Từng bầy cừu ở xứ Ninh Hải (Ninh Thuận) đang cố gắng lần mò kiếm những cọng cỏ khô còn sót lại. Đôi chân người nông dân thất thểu đi tìm nguồn nước giữa mùa khô hạn.
Lòng hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đã 4 tháng rồi không có lấy một trận mưa. Chẳng có nước. Chẳng có cây xanh. Không sức sống. Lòng hồ mới ngày nào còn là bể nước dự trữ cho cả huyện Ninh Hải, nay trở thành một “lò bát quái”, chất chứa bao nỗi ám ảnh cho cả vùng đất nơi đây.
“Mấy tháng nay hồ cạn, cỏ chết khô nên cừu và dê của bà con đói trơ mỏ. Không có đủ thức ăn, nước uống, nhiều con đã chết. Bây giờ, tụi tôi không biết đưa đàn gia súc đi đâu nữa vì chỗ nào cũng hạn, cứ bám trụ lòng hồ được ngày nào hay ngày đó” - Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Nhơn Hải) tỏ ra cam chịu.
Một vũng nước ít ỏi còn sót lại ở lòng hồ Ông Kinh
Hồ Ông Kinh được thiết kế với dung tích chưa hơn 830.000m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho diện tích 52 héc-ta đất nông nghiệp. Thế nhưng hiện nay, lòng hồ này đã cạn nước, đất ở đáy nứt nẻ nhiều nơi. Hàng trăm héc-ta cây trồng được tưới nước từ hồ này đang đứng trước nguy cơ chết khô, kiệt quệ.
Chúng tôi theo chân ông Hồ Văn Huê (55 tuổi, ngụ thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải) đi một vòng quanh hồ để xem cách nông dân ở đây “tự cứu lấy mình”. Khoan giếng ngay dưới lòng hồ - đó là kế sách mà bà con còn có thể vớt vác lúc này để giữ lấy vườn nho, vườn táo và đàn gia súc.
Hàng trăm đường ống nước...
... máy bơm nằm trơ giữa chốn hoang vu vì hết nước
Nhưng cách đấy dường như chẳng cầm cự được bao lâu. Nắng hạn đã “vắt” sạch những giọt nước cuối cùng. “Hụt nước rồi, Tư ơi! Tắt máy bơm đi! Nhanh!” - Ông Huê hét lớn với người hàng xóm, vì nước ở giếng khoan đã hết. Ánh mắt lão nông thẫn thờ nhìn ra xa…
Ít ai ngờ để “vét” được những giọt nước quý báu ấy, người nông dân này đã phải làm một đường ống với độ dài vài cây số. Và giờ đây, tất cả những hy vọng cuối cùng của ông đã bị dập tắt. Dưới tác động của nắng hạn khô cằn, nguồn nước ở lòng hồ Ông Kinh đã thi nhau “trốn chạy”, chỉ còn lại giọt nước mắt bất lực của người nông dân trên những thửa đất đã khô cằn, hoang hóa.
Nước ở đâu?
Một câu hỏi xem chừng quá dễ cho chúng ta, nhưng với người dân vùng này, đó lại là một câu chuyện nan giải. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Ninh Thuận không có mưa, chỉ có gió và… nắng! Lượng nước chảy trên các con sông, suối thiếu hụt khoảng 40 - 70% so với trung bình thường năm, nhiều nơi đã thậm chí đã tắt dòng.
Nắng hạn dai dẳng khiến những con sông “khóc”… khô dòng, còn lòng hồ thì… nước có còn đâu để “khóc” nữa (!). Tính đến cuối tháng 3-2020, tổng dung tích của 21 hồ chứa chỉ còn xấp xỉ 20% so với dung tích thiết kế. Trong đó, có 11/21 hồ chứa ở mức mực nước “chết” hoặc đã cạn khô.
Mực nước tại hồ Phước Nhơn (huyện Bác Ái) hiện chỉ còn 0,09 triệu mét khối, nhưng phải đảm nhận tưới cho 182 héc-ta đất sản xuất. Hồ Bà Râu ở huyện Thuận Bắc chỉ còn 2,36 triệu mét khối, nhưng phải đảm nhận việc tưới tiêu cho 621 héc-ta.
Những đàn gia súc yếu ớt tại Ninh Thuận lần mò tìm thức ăn
Muốn sinh tồn, mấy năm qua, người dân sống ven hồ Ông Kinh đã chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng đầu tư giếng khoan. Mỗi gia đình có 2 đến 3 giếng là bình thường. Do lượng giếng khoan tăng theo cấp số nhân, làm cho nguồn nước ngầm ở đây vốn đã “hụp lặn”, giờ thì… “lặn mất tăm”!
Cách lòng hồ Ông Kinh khoảng 200m là rẫy của gia đình anh Phan Trí. Anh đã bỏ ra 80 triệu đồng khoan 3 giếng nước với độ sâu từ 30 - 36m. Nhưng chỉ có 2 giếng có nước, giếng còn lại xem như mất trắng tiền đầu tư.
“Trong rẫy chỉ còn 2 lỗ giếng, nhưng hiện tại lượng nước rất ít. Nắng kiểu này, không biết lấy nước ở đâu để tưới cho 2 sào nho đang khát cháy? Chắc chờ thời thôi!” - Anh Trí nói, vẻ bất lực.
Nắng nóng, khô hạn khiến cả cỏ dại cũng cháy khô
Đối nghịch với thực tế thiếu nước trầm trọng là hàng nghìn héc-ta cây trồng, hàng nghìn đàn gia súc đang cần phải sống và phát triển. Đến đây, câu hỏi thoạt đầu xem chừng quá dễ, giờ đã trở nên nhức nhối, ám ảnh hơn bao giờ hết, nó như một tảng đá nặng ghì lấy đôi chân của người nông dân miền gió cát: “Nước ở đâu ra?”.
Chạy… nắng để sinh tồn
Trước tình cảnh ngặt nghèo, bà con nông dân phải tìm cách thích ứng, nếu không muốn lỗ vốn vì đợt nắng hạn kéo dài. Những đàn gia súc của bà con RagLai (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) phải di chuyển hơn 5km để tìm kiếm nguồn thức ăn. “Hai tháng nay, cừu cứ chết dần vì thiếu thức ăn. Muốn có thức ăn, phải dẫn đàn đi xa lắm!” - Chị Katơ Thị Thắm thở dài khi nói về cách cuối cùng để cứu đàn gia súc của mình.
Quay lại huyện Ninh Hải, để cứu vụ mùa, những ngày qua, ngoài khoan giếng, bà con nông dân tại các xã Phước Nhơn, Nhơn Hải… đã chủ động đào nhiều bể chứa bằng bê-tông. Nếu nhà nào không đủ tiền thì dùng bạt làm nền cho bể chứa để chống thấm.
Theo nhiều nông dân, việc xây dựng bể chứa nước là một cách để chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, cũng làm cho độ phèn tự bay hơi trong không khí. “Nước trữ trong bể, đem tưới cho cây trồng sẽ tốt hơn sử dụng nước bơm trực tiếp từ giếng khoan như thường lệ” - Anh Mai Quốc Tứ (một nông dân có bể chứa) nói.
Nông dân dẫn đàn dê đi chạy… nắng để sinh tồn
“Cuộc chạy đua với nắng” không chỉ “một sống, một còn” với bà con nông dân, mà còn khiến các cấp chính quyền phải “tháo mồ hôi hột” theo. Lo cho bà con, ông Trần Đồng Linh (Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, chi phí xây một cái hồ trên thực tế rất tốn kém, cộng với việc sử dụng điện để bơm nước suốt ngày đêm cũng là gánh nặng cho người dân.
“Dù ở địa phương cũng hỗ trợ, nhưng do nguồn kinh phí ở xã còn yếu nên rất mong các cấp hỗ trợ thêm vốn để bà con tăng lượng nước chứa, phục vụ việc sản xuất trong khu vực tốt hơn” - Ông Linh ưu tư.
Cỏ cháy khô, hồ trơ nước do nắng hạn hoành hành dải đất Nam Trung bộ
Ông Đặng Kim Cương (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) bộc bạch: “Năm nào ngành nông nghiệp của tỉnh cũng phải chủ động xây dựng giải pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc. Và cứ sau một năm thì tình hình thời tiết lại thêm khó…”.
Chủ động, cấp bách và quyết liệt là những điều mà các ngành chức năng ở tỉnh Ninh Thuận đang hành động để ứng phó với “sự trái tánh của ông Trời”. Chẳng phải chỉ với miền Tây Nam bộ hay Ninh Thuận, nắng hạn đã không còn là câu chuyện của riêng ai, bởi với hậu quả ghê gớm mà nó mang lại cho nông vụ. Đây là sự kiện thời sự đầy âu lo dành cho ngành nông nghiệp của cả khu vực duyên hải miền Trung.
(Còn tiếp...)
Ông Trần Quốc Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận
Dù tình hình mùa khô hạn năm nay rất khốc liệt, dự đoán sắp tới sẽ còn kéo dài, nhưng tỉnh Ninh Thuận đặt quyết tâm không để cho bất kỳ địa phương nào thiếu nước sinh hoạt.
Để đáp ứng nhiệm vụ này, trước mắt, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các hệ thống cung cấp, chứa nước sinh hoạt. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang được triển khai. Tỉnh sẽ tổ chức các chuyến xe chở nước sạch, cũng như hỗ trợ tiền (dựa theo số nhân khẩu) đến từng nơi để cung cấp cho bà con.
Về nhu cầu nước sản xuất, tỉnh sẽ giao cho các sở, ban, ngành liên quan tính toán làm sao để tập trung toàn bộ nguồn lực tới những khu vực còn duy trì hoạt động sản xuất.