Ra quân xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn ở đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ Bảy, 14/05/2016 10:04  | Đăng Khoa

|

(CAO) Trước tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn biến khá phức tạp, các cơ quan chức năng đã ra quân tăng cường công tác kiểm tra.

Nhiều thành viên đoàn kiểm tra đã không giấu được bức xúc khi chứng kiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ xuất xứ đã biến đổi màu, bốc mùi hôi thối… nhưng vẫn chế biến, cung cấp ra thị trường.

Theo báo cáo Công an quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) , 4 tháng đầu năm, lực lượng công an quận phát hiện 28 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính 23 vụ, với tổng số tiền trên 270 triệu đồng.

Vừa qua, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Ninh Kiều phát hiện cơ sở nước uống đóng chai tại tổ 2 (khu vực 2, phường An Khánh) không ghi đầy đủ thông tin về sản xuất và hạn sử dụng. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, lực lượng thu giữ hơn 1.300 chai nước đóng chai các loại.

Tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh kẹo Cao Thông (do Cao Xuân Thông làm chủ, tại khu dân cư Nông thổ sản, khu vực Thạnh Lợi, phường Phú Thứ, quận Cái Răng), Công an TP.Cần Thơ thu giữ 25 thùng bánh kẹo không ghi hạn sử dụng hoặc hết hạn sử dụng cùng con dấu được in khống ngày sản xuất đưa ra thị trường tiêu thụ.

Thực phẩm hôi thối bị ông an TP.Cần Thơ phát hiện. - Ảnh: Đăng Khoa

Phòng Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát môi trường Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP. Lực lượng phát hiện và tiêu hủy gần 900 ký thịt chà bông không rõ nguồn gốc, bị mốc, vón cục của chủ cơ sở kinh doanh ở phường An Thới (quận Bình Thủy), thu giữ hơn 1 tấn mỡ heo thành phẩm, 300 ký tốp mỡ và 600 ký mỡ nguyên liệu không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc.

Theo Công an TP.Cần Thơ, các lỗi vi phạm phổ biến nhất là sản xuất không giấy phép kinh doanh, không ghi hạn sử dụng, nơi sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn…

Những trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ và tiến hành tiêu hủy ngay những thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng, bị ôi thiu. Các cơ sở vi phạm chủ yếu như: chế biến chả giò, chả lụa, lạc xưởng, chế biến thịt heo quay, sản xuất bún, chả bò viên, bánh kẹo, bánh kem… không đảm bảo vệ sinh, không ghi rõ xuất xứ, ngày tháng sản xuất, thực phẩm bị ẩm mốc, tiếp xúc với côn trùng, bụi bẩn.

Điển hình như cơ sở sản xuất và mua bán thịt heo quay do Khưu Chí Đại làm chủ (cơ sở Cường Ký) tại số 13 đường 3/2 (phường Xuân Khánh) bị xử phạt số tiền 15,7 triệu đồng. Qua kiểm tra, tại cơ sở có 35kg thịt heo đông lạnh và heo quay bị ôi thui, biến đổi màu, mùi vị. Cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm dẫn đến nguy cơ ô nhiễm chéo (thực phẩm sống và chính được bảo quản chung), không có biện pháp quản lý chất thải phù hợp, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật bị ôi thiu.

Các cơ quan chức năng Cần Thơ cũng vừa ra quyết định xử phạt hành chính các cơ sở ăn uống như: quán lẩu Dê Phố Núi Ninh Bình (do ông Lại Thế Hòa làm chủ, số 88 đường số 7, phường An Bình) 1,5 triệu đồng; quán nhậu Điểm (268 Nguyễn Văn Linh do ông Nguyễn Hoàng Điểm làm đại diện) 8,7 triệu đồng; quán nhậu Phố Đêm (229/5 Nguyễn Văn Linh do bà Nguyễn Thị Ngọc Linh làm chủ) 21,5 triệu đồng; quán Xưa 2 (137 Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh) 42,3 triệu đồng, với các lỗi như: không để riêng biệt thực phẩm sống và chín; khu vực chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh có côn trùng gây hại; xả nước thải vượt quy chuẩn…

Tại một số địa phương khác, thực trạng ATTP cũng không kém phức tạp. Ngày 5-5, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP thị xã Tân Châu (An Giang) phát hiệt có 140 kg tim heo đông lạnh không có nguồn gốc, xuất xứ đã đổi màu và bốc mùi hôi thối tại cơ sở kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn phường Long Hưng do bà Nguyễn Cẩm Hoàng làm chủ.

Chủ cơ sở thừa nhận mua tim heo đông lạnh không rõ nguồn gốc từ TP.HCM về bán lại cho các quán ăn kiếm lời. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số nội tạng trên.

Tiêu hủy nội tạng hôi thối - Ảnh:Đăng Khoa

Từ đầu năm đến nay, thị xã Tân Châu phát hiện 6 vụ tàng trữ, chế biến và mua bán thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, tổng số lượng bị tiêu hủy trên 1 tấn. Trong đó, có 420 kg da heo hôi thối được phát hiện vào ngày 22-4, tại cơ sở chế biến da bì của bà Lưu Thị Tố Loan (ngụ phường Long Thạnh) làm chủ.

Hai ngày (9 và 10-5), đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tam Nông, Đồng Tháp kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thị trấn Tràm Chim. Đoàn phát hiện 19 cơ sở vi phạm về các thủ tục như: vệ sinh cơ sở sản xuất, chế biến, mua bán thực phẩm chưa đạt yêu cầu; chưa được cấp phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; người bán hàng chưa khám sức khỏe định kỳ và chưa dự lớp tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm; một số quán bán hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang