Thảm án Bình Phước: Đề nghị tăng hình phạt đối với Thoại, điều tra thêm dì của Dương

Thứ Năm, 12/05/2016 05:06  | Linh Vũ

|

(CAO) Gia đình bị hại cho rằng mức án 16 năm tù dành cho bị cáo Trần Đình Thoại là chưa thoả đáng và đề nghị công an tỉnh Bình Phước điều tra thêm đối với dì ruột của Nguyễn Hải Dương.

Ngày 17-12-2015, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động vụ thảm án Bình Phước khiến 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (SN 1967, Chơn Thành, Bình Phước) tử vong và tuyên phạt bị cáo là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) tử hình; bị cáo Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú TP.HCM) 16 năm tù.

Gia đình bị hại đề nghị tăng khung hình phạt đối với Thoại

Ngay sau đó, gia đình bị hại có đơn kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP.HCM để xem xét tăng khung hình phạt đối với bị cáo Trần Đình Thoại và làm rõ hành vi của bà Trần Thị Trinh (dì ruột Dương).

Đại diện hợp pháp cho 6 nạn nhân trong vụ án thống nhất với mức án dành cho Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến nhưng chưa đồng tình với hình phạt 16 năm tù đối với Trần Đình Thoại.

Gia đình bị hại cho rằng, Thoại là người mua dao cho Dương, bàn bạc về kế hoạch giết người, cướp của nhưng vì lý do khách quan, Thoại chưa thực hiện được hành vi của mình. Họ đề nghị toà phúc thẩm tăng khung hình phạt đối với Thoại.

Đơn kháng cáo còn đề nghị công an tỉnh Bình Phước điều tra thêm đối với bà Trần Thị Trinh. Đại diện bị hại cho rằng việc bà Trinh khai không biết túi xách của Dương chứa công cụ gây án nên mới cất giữ là điều khó xảy ra.

Theo lịch, phiên toà phúc thẩm diễn ra vào ngày 12 và 13-5. Tuy nhiên, do địa điểm dự kiến xét xử lưu động tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước không đủ chỗ do lượng người khá lớn tới xem nên phiên xét xử tạm hoãn để tìm địa điểm mới. Thời gian cụ thể được thông báo sau.

Bình luận (1)

Bà dì giúp sức rất nhiều cho D ra tay, dù vô ý chăng nữa cũng không thể nói vô can. Huống chi dì cháu bao che nhau, D tội đáng chết rồi đâu làm liên lụy thêm ai. So với Thoại vai trò bà dì còn lớn hơn: chứa chấp người và vật gây án, cho mượn xe, đi thăm dò cùng,...Rồi khi xảy ra chết người, bà này làm gì mà không nghi ngờ nhưng bà vẫn im lặng, có đáng vô can không? Một người lớn đâu thể ngây thơ đến nổi chẳng xâu chuỗi được hành vi người cháu.

Nguyễn - Thứ Năm, 12/05/2016, 16:17 Trả lời | Thích
Lên đầu trang