“Bẫy” lao động trẻ em - Kỳ 3:

Tìm con trong nước mắt

Thứ Sáu, 12/06/2015 07:19  | Hồng Quang

|

(CAO) Lao động trẻ em đi làm việc xa nhà có thể rơi vào các đường dây ma túy, mua bán người, bị xâm hại tình dục, mất tích…và thực tế đã xảy ra không ít câu chuyện đau lòng. Có em đi làm xa mang bầu về nhà sinh con, thậm chí có em mất tích hơn năm nay, gia đình mòn mỏi đi tìm trong nước mắt.

Làm giấy tờ giả để được đi làm rồi mất tích

Bà H’Dan Niê, mẹ của Trần Niê Khải (14 tuổi, xã Ea Phê) tâm trạng bồn chồn nói với chúng tôi: “Cháu đang học lớp 8 thì bỏ đi làm, cháu đi làm mà đến địa chỉ nơi làm việc chúng tôi cũng không biết, gọi điện cho cháu cũng không liên lạc được.

“Nhiều đêm nằm nghĩ tới cháu mà vợ chồng tôi chỉ biết khóc, ngẫm nghĩ không biết bây giờ cháu đang ở đâu?”, vừa nói bà vừa sụt sùi.

Cùng chung tâm trạng là bà H’ơng K’Căm – bà nội cháu H’Hăng K’Căm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ của cháu mất sớm. Đang học lớp 7, cháu bị một người dụ dỗ đi làm ở TP.HCM, đến nay cháu làm việc sinh sống như thế nào tôi đều không hay”.

Đáng thương nhất là trường hợp của em Nguyễn Thị Huệ (15 tuổi, trú tại thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk) đi làm hơn một năm nay nhưng gia đình không thể liên lạc được với cháu, ai nấy đều nghĩ cháu mất tích hoặc bị bọn xấu lợi dụng đưa đi bán.

Anh Nguyễn Đức Toàn (cha của cháu Huệ) cho biết, sau khi tốt nghiệp THCS, do gia đình quá nghèo nên tranh thủ thời gian nghỉ hè cháu đã cùng người chị họ tên Nguyễn Thị Nhung tìm đến một công ty làm nến ở Bình Dương xin làm.

Thời điểm đi làm, cháu Huệ chưa đủ tuổi đi lao động xa nên đã tự làm giấy tờ giả để được vào làm tại công ty này.

Tuy nhiên, công ty của cháu Huệ làm thời vụ nên đến khi gần hết đợt sử dụng lao động, cháu Huệ đã được một người đàn bà làm cùng công ty nói đi theo lên Tây Ninh sẽ tìm được việc làm nhẹ, lương cao, được ăn mặc đẹp nên cháu đã đi theo.

Cũng theo anh Toàn, lúc làm ở Bình Dương cháu Huệ và chị họ của cháu ở cùng phòng nhưng làm khác ca, người làm ca đêm, người làm ca ngày nên lúc cháu Huệ bị người đàn bà lạ mặt đưa đi, chị họ của cháu không có ở nhà.

Trước khi đi, cháu Huệ có nói với người chị họ là có người rủ đi làm và người chị đã cảnh báo cẩn thận cả bị lừa, nhưng sau đó cháu vẫn quyết định đi.

Sau khi cháu đi được một ngày thì chị họ báo về, chúng tôi liên lạc qua điện thoại thì cháu nói đang ở Tây Ninh nhưng không biết bây giờ đang ở chỗ nào. Qua điện thoại, chúng tôi nói cháu chắc người ta lừa và khuyên cháu nên đi khỏi chỗ người đàn bà lạ tìm đến một nhà người dân rồi sáng mai chúng tôi lên đón.

Bà Chuẩn trình bày với phóng viên về cháu mình bị mất tích.- Ảnh: Hồng Quang

Tuy nhiên, sau lần điện thoại đó đến nay, gia đình anh Toàn không thể liên lạc được với cháu nữa. Anh Toàn có báo vụ việc lên các nghành chức năng của các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Tây Ninh nhờ tìm giúp cũng không có tung tích về cháu.

Anh Toàn nói trong nước mắt: “Gia cảnh tôi quá nghèo, vợ bỏ đi sớm, ngày đi tìm cháu, bà con hàng xóm phải quyên góp tiền để gia đình có kinh phí đi tìm cháu. Nhiều lúc nghĩ đến cháu mà tôi ứa cả nước mắt, không biết bây giờ cháu ở nơi đâu. Nếu cháu có chết thì gia đình biết còn lập được bát hương thờ cháu, đằng này mọi tin tức về cháu hơn một năm qua đều bặt vô âm tín”.

Ngồi bên cạnh con trai, bà Nguyễn Thị Chuẩn (bà nội cháu Huệ) đưa ra một xấp giấy khen nói về thành tích học tập của Huệ, nói xong bà chỉ biết ôm mặt khóc vì thương cháu.

Thành tích học tập nổi trội của Huệ.- Ảnh: Hồng Quang.
Nhà nghèo, cháu Huệ đi làm giúp gia đình nhưng mất tích hơn một năm nay chưa thể tìm thấy.- Ảnh: Hồng Quang

Bà cho biết, cứ đến bữa ăn cơm là cả gia đình ngồi vào mâm bưng bát cơm là lại dưng dưng nước mắt. Nghĩ đến cháu bây giờ không biết đang ở đâu mà nhiều đêm bà thức trắng, hình ảnh cháu nội cứ hiện về trước mắt làm bà xót xa.

Ngoài trường hợp đau lòng trên, ở xã Yang Tao, huyện Lắk có em H’K mới 15 tuổi đi làm được mấy tháng thì về nhà rồi sinh con. Điều này dễ xảy ra do trong thời gian làm việc, chủ sử dụng lao động thường bố trí lao động nam ở chung với lao động nữ.

Bài toán nan giải?

Tình trạng trẻ em bị “cò” dụ đi lao động xa nhà đã diễn ra mấy năm nay tại tỉnh Đắk Lắk, nhưng các cơ quan hữu trách vẫn chưa tìm ra biện pháp để ngăn chặn?.

Điều đáng nói là tình trạng này có chiều hướng gia tăng khi số trẻ em đi lao động xa nhà của năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời tính chất vụ việc thường diễn biến nghiêm trọng và khó lường hơn những năm trước đó.

Tại buôn Puă A và Puăn B của xã Ea Phê, huyện Krông Pắk hiện có 15 em (dưới 15 tuổi) đang đi làm các tỉnh ngoài, chưa kể 6 em đã trốn về nhà do bị áp bức về thời gian làm việc. Ngoài các hợp đồng ký với một cơ sở tuyển dụng, nhiều em khác không có hợp đồng mà do một người trú tại địa phương dẫn đi, một số đi thông qua bạn bè.

UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các gia đình phải đưa con về trước ngày 10-5 nhưng nhiều gia đình không biết địa chỉ, không có số điện thoại liên lạc nên không biết đường nào tìm con, số khác tìm cách giấu giếm thông tin…

Còn theo ông Phan Duy Trung – Phó Chủ tịch UBND Cư Bông, huyện Ea Kar – cho biết, Công an xã đã phát hiện một số đối tượng như Trần Quốc Anh, Nguyễn Thị Thỏa – đều tạm trú TPHCM thời gian qua đã đến địa bàn xã ký hợp đồng lao động trái pháp luật với trẻ em trong xã. Hiện 2 người này đã bị trục xuất khỏi địa phương.

Bà Từ Thị Khanh – Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở LĐTBXH Đắk Lắk – cho biết, tình trạng trẻ em đi lao động xa nhà đã diễn ra nhiều năm nay ở tỉnh Đắk Lắk nhưng năm 2014 mới phát hiện có người môi giới xảy ra tại huyện Cư Kuin.

Sau khi nắm được thông tin, các cơ quan ban nghành tỉnh đã thông tin với các cơ quan chức năng tại TP.HCM hợp tác, tìm hiểu để nhanh chóng đưa các em trở về nhà.

Bà Khanh cũng nhấn mạnh, ngoài việc bỏ học, bị bóc lột sức lao động, các cháu rất dễ bị sa vào các đường dây mua bán ma túy, mua bán trẻ em, lạm dụng tình dục…nên các cơ quan ban nghành phải có sự phối hợp chặt chẽ để chấm dứt tình trạng trên.

Theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 11-6-2013 của Bộ LĐTBXH ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc gồm các trường hợp sau: diễn viên, vận động viên năng khiếu, các nghề truyền thống, các nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát, làm các đồ gia dụng, nuôi tằm, gói kẹo dừa.

Cũng theo Thông tư này, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần; nơi làm việc phải đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường lao động đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hoàn cảnh nghèo, gia đình anh Toàn phải nhờ tới sự giúp đỡ của hàng xóm mới có kinh phí đi tìm cháu Huệ. Ảnh Hồng Quang

Khi tuyển dụng lao động dưới 15 tuổi phải thông báo bằng văn bản về Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc…

Gia đình anh Nguyễn Đức Toàn thuộc diện khó khăn, phải nhờ kinh phí của hàng xóm quyên góp mới có tiền đi tìm cháu Huệ nhưng vẫn vô vọng. Rất mong tấm lòng hảo tâm gần xa giúp đỡ gia đình anh xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Đức Toàn, thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Bình luận (0)

Lên đầu trang