Trung Quốc và tham vọng toàn cầu

Thứ Sáu, 31/07/2015 17:05  | Hồng Phương

|

(CATP) Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đôla ở Ecuador và nhiều nơi khác, dùng sức mạnh kinh tế để thắng các đồng minh ngoại giao và hút nguồn tài nguyên khắp thế giới.

Một báo cáo của New York Times cho thấy, ở vùng đồi thấp sâu trong rừng rậm Amazon của Ecuador gần 1.000 kỹ sư và công nhân Trung Quốc đang đổ bê-tông xây một con đập và một đường hầm dài 24km. Dự án 2,2 tỷ đôla này sẽ cung cấp nước sông cho tám tua-bin khổng lồ của Trung Quốc được thiết kế để sản xuất đủ điện thắp sáng hơn một phần ba dân số đất nước này.

Gần cảng Manta trên Thái Bình Dương, các ngân hàng Trung Quốc đang đàm phán để cho vay 7 tỷ USD dùng vào việc xây dựng một nhà máy lọc dầu, có thể biến Ecuador thành một quốc gia toàn cầu về các sản phẩm dầu hỏa và diezel...

Khắp nước này, từ các làng mạc đến thị thành, Trung Quốc đều để lại dấu ấn qua các con đường, cầu cống và bệnh viện đang xây dựng, thậm chí cả một mạng lưới camera giám sát kéo dài tới quần đảo Galapagos. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã rót gần 11 tỷ đôla vào nước này, và chính phủ Ecuador đang yêu cầu thêm.

Gần 1.000 người Trung Quốc đang làm việc cho dự án nhà máy thủy điện trị giá 2,2 tỷ đôla ở Ecuador

Chỉ với 16 triệu dân, sự hiện diện trên trường thế giới của Ecuador còn tương đối ít, nhưng Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng ở đây đã nói lên một trật tự thế giới thay đổi, khi Bắc Kinh tràn lên lấn dần sân của Washington. Có tầm quan trọng đối với kinh tế thế giới nhiều thập kỷ nay, Trung Quốc hiện đang nắm giữ sức nặng tài chính với sự tự tin và tham vọng trở thành một siêu cường toàn cầu.

Với trung tâm sức hút tài chính thay đổi, Trung Quốc đang tích cực khẳng định sức mạnh kinh tế của mình, dùng đồng tiền để dành ưu thế ngoại giao và vơ vét các nguồn tài nguyên thiên nhiên nó đang khát.

Theo New York Times, Trung Quốc có gần 4 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ để đầu tư ở nước ngoài nhằm kiếm lời và mở rộng ảnh hưởng. Khi sức mạnh kinh tế tăng lên cũng là lúc chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Nước này đang xây dựng nhiều tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và phản lực tàng hình.

Trên biển, Trung Quốc đang biến các vỉa san hô và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo một cách trái phép, với ít nhất một đường băng có thể được sử dụng cho những máy bay quân sự lớn nhất. Mỹ không chấp nhận động thái này và đã tiến hành nhiều chuyến bay giám sát trong khu vực và thảo luận nhiều kế hoạch điều tàu chiến tới.

Hôm 30-7-2015, trong một khiển trách hiếm thấy với đồng minh thân cận, Mỹ thậm chí còn thúc Liên minh châu Âu lên tiếng mạnh mẽ hơn để ủng hộ Washington, trong việc phản đối Trung Quốc về chương trình xây nhà cửa và các tiền đồn quân sự hóa của họ trên Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả các khoản đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh là sự cộng sinh. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chứng tỏ sức mạnh tài chính cũng khiến Trung Quốc - và thế giới - dễ bị tổn thương hơn. Một thời gian dài là động cơ tăng trưởng toàn cầu, Trung Quốc giờ đang vấp phải những rủi ro mới, chẳng hạn như thị trường chứng khoán không ổn định và các lực lượng kinh tế khác vượt ngoài tầm kiểm soát.

Bất kỳ vấn đề lớn nào cũng có thể tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm nó đang chậm lại. Khi Trung Quốc lắc lư, những tác động cũng lan khắp toàn cầu, do nhiều công ty, ngành công nghiệp và nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng của nước này.

Trường hợp những nước nhận nhiều khoản vay từ Trung Quốc như Ecuador, nếu không thể kiểm soát được nợ, các bổn phận của họ với Bắc Kinh có thể tăng lên và sự lệ thuộc kinh tế luôn tỷ lệ nghịch với tiếng nói ngoại giao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang