Báo động nạn sử dụng mạng xã hội để giải quyết tranh chấp

Thứ Hai, 15/04/2024 08:58

|

(CATP) Vừa qua, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt án tù đối với bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Đây là một trong những vụ án điển hình về việc "sống ảo" nhưng đi tù thật.

Vụ án như hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh mọi người về chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội (MXH) hiện nay. Thế nhưng, những ngày qua, dư luận lại xôn xao khi tài khoản "THANG DANG" trên Facebook đưa thông tin ông D.C.M, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank) bị cấm xuất cảnh. Sacombank đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng thông báo, đây là thông tin bịa đặt và vu khống nhằm bôi xấu lãnh đạo Sacombank. Thông tin không đúng sự thật này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cá nhân ông D.C.M. cũng như hoạt động của Sacombank.

Việc tài khoản Facebook "THANG DANG" đăng bài viết không đúng sự thật đã được Bộ Công an kịp thời ra thông báo. Theo đó, thông tin cấm xuất cảnh đối với ông D.C.M. là không đúng sự thật. Tuy sự thật đã rõ, nhưng hậu quả để lại không nhỏ, giá cổ phiếu của Sacombank giảm mạnh. Theo Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tương tự, tài khoản Facebook mang tên "Nguyễn Bích Ngọc" đã sử dụng hình ảnh của Công ty TNHH SX TM Lan Phương (trụ sở trên đường Nguyễn Văn Đậu, P5, Q.Phú Nhuận) kèm theo những lời nói không đúng sự thật, vu khống công ty lừa đảo. Bà Nguyễn Thị Phước - Giám đốc Công ty Lan Phương cho biết: Tài khoản tên "Phương Lâm" trên Facebook còn phát hình ảnh một người bệnh đứng trước trụ sở công ty gào thét, trên tay đang truyền lọ thuốc lớn. Những người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem, nhân viên công ty phải gọi điện thoại báo công an, nhờ giúp đỡ.

Sau ít phút, người bệnh trên vứt lọ thuốc xuống lề đường để dễ bề khóc lóc, gào thét. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Phước trình bày, trong số những người xuất hiện trong bài viết trên các tài khoản Facebook "Nguyễn Bích Ngọc", "Phương Lâm" có bà T.T.T.H. là khách hàng của công ty. Trước đây, công ty ký hợp đồng sang nhượng đất với bà H, nhưng hợp đồng gặp vướng mắc, đến nay chưa thực hiện được. Trong khi hai bên đang giải quyết việc này, bà H. dẫn một số người đến trước trụ sở công ty gây rối, tổ chức quay phim, chụp hình phát tán lên MXH. Sự việc này không những gây ùn tắc giao thông, mất trật tự trong khu vực, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự công ty.

Một trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt

Môi trường mạng là không gian ảo, nhưng phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo, bởi đằng sau đó là những con người thật. Việc lên mạng xã hội không phải là vô danh, phải định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn. Thực tế những năm gần đây, các nền tảng MXH đã trở thành phương tiện truyền thông, tương tác, giải trí không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bên cạnh mặt tích cực không thể phủ nhận, MXH cũng đem lại nhiều hệ lụy, đó là sự xuất hiện những hành vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả tràn lan gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu, gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nói xấu doanh nghiệp trên mạng xã hội

Theo Luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), việc người dân sử dụng MXH thay cho cơ quan Nhà nước, Tòa án để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp hợp đồng rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Điều 331 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Vì thế, để tránh rơi vào vòng lao lý vì thiếu hiểu biết, người dân nên gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan hành chính, tòa án để được thụ lý giải quyết theo luật định, không nên sử dụng mạng xã hội để "khủng bố" tinh thần, để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp hợp đồng như hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang