Quảng Ngãi:

Bi hài doanh nghiệp kêu trời vì ‘ùn ứ’ trong thời điểm ‘khan hiếm’ cát

Chủ Nhật, 23/07/2017 06:36

|

(CAO) Trong lúc tình trạng khan hiếm cát xây dựng, cát san lấp mặt bằng đang là vấn đề “nóng” không chỉ riêng các tỉnh miền Trung mà khắp cả nước. Thì tại tỉnh Quảng Ngãi, do quyết định của UBND TP “Tạm dừng bán trong nước đối với phần vật liệu nạo vét cát dư thừa”, khiến không ít doanh nghiệp lâm vào tình trạng “ùn tắc”.

Hiện hàng triệu tấn bùn cát tạp, cát nhiễm mặn cần được giải phóng từ hoạt động khơi nguồn, nạo vét để xây dựng công trình nhưng không biết đổ đi đâu?

Nghịch cảnh bên “khát cát” - bên khủng hoảng... thừa

Thời gian gần đây, giá cát xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung tăng đột biến, từ 110.000 - 120.000 đồng lên 260.000 - 300.000 đồng/m3, khiến hàng loạt nhà thầu thi công phải “méo mặt”, tiến độ xây dựng các công trình bị tỉ lệ nghịch với giá cát tăng.

Giá cát tăng khiến nạn cát tặc hoành hành

Đơn cử nhất, tại TP. Đà Nẵng, Khu đô thị mới là khu quốc tế Đa Phước, còn được mệnh danh là Khu đô thị Vầng trăng khuyết (Đà Nẵng) hiện gặp cảnh thiếu trầm trọng “bùn, cát” phục vụ dự án lấp đầy vào lòng biển, tạo nên nền đất để làm khu đô thị.

Đáng nói, đang trong tình trạng khủng hoảng, thiếu nguồn cát để lấp biển, thì cùng lúc này chủ đầu tư lại gặp không ít lùm xùm, các đơn vị tham gia xây dựng san lấp cho khu đô thị này còn buộc phải yêu cầu Cơ quan CSĐT vào cuộc làm rõ việc: Một số công ty cung cấp nguồn cát san lấp, vì lợi nhuận làm khống, giả giấy phép khai thác cát để cung cấp…

Hay hàng loạt tin đồn: Mua cát lậu ở Cửa Đại (TP.Hội An), khai khống nguồn cát ở huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam),... gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình, uy tín cho dự án Đa Phước cũng như nhà thầu xây dựng. Do vậy, hiện công trình lấn biển này muốn tìm nguồn cung cho đủ cát để lấp đủ dự án lấn biển quả là một việc không dễ dàng.

Trong khi chỗ thì ùn ứ phải tìm cách giải quyết

Trong khi các công trình san lấp mặt bằng ở Đà Nẵng đang “khát cát” , thì cách Đà Nẵng chỉ hơn 100km, những công ty khai thông, nạo vét luồng cầu cảng như Hào Hưng ở tỉnh Quảng Ngãi lại gặp không ít khó khăn trở ngại tìm cách “giải phóng” hàng triệu tấn cát tạp bị dồn ứ bởi quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc tạm dừng thực hiện bán trong nước đối với phần vật liệu nạo vét sau khi phục vụ san lấp còn dư thừa.

Không riêng gì Hào Hưng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại miền Trung cũng đang đau đáu tìm cách nhấn chìm hàng triệu mét khối bùn cát nạo vét lòng sông. Nơi dự kiến đổ xuống có khả năng có san hô, đa dạng sinh học,... và sợ gây ô nhiễm nước biển.

Hơn 3 triệu tấn bùn cát do nạo vét luồng giờ phải đổ đi đâu?

Qua tìm hiểu, được biết nguyên nhân có sự “ùn ứ” hàng triệu tấn cát tạp, bùn đất của công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi là do hoạt động khơi luồng, nạo vét để xây dựng hai cầu cảng 1 và 2 là cảng tổng hợp chuyên dùng phục vụ chung khu kinh tế (KKT) Dung Quất. Cảng được xây dựng từ đầu năm 2015 để đáp ứng những mục tiêu phát triển của cả KKT Dung Quất.

Khu kinh tế (KKT) Dung Quất rất cần đẩy nhanh tiến độ thi công để phát triển

Đến nay, khối lượng công việc cho việc triển khai bến số 1 sắp được hoàn thành với bến cảng có thể đón nhận tàu 50 vạn tấn vào chở hàng. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng cầu cảng số 2 với chiều dài hơn 600 mét, để đến tháng 8-2017 có thể khai trương bến số 1 theo đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công đang gặp một số khó khăn, cần sự vào cuộc của UBND tỉnh để những vướng mắc được tháo gỡ nhanh chóng.

Để triển khai xây dựng bến số 1 và số 2 cho phép tàu 50 vạn tấn vào chở hàng, Công ty đã nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh cho phép được nạo vét để san lấp mặt bằng làm cảng. Đến nay, diện tích san lấp mặt bằng đạt khoảng 95% với khối lượng vào khoảng 715.000 m3 cát. Trong khi đó để đón được tàu vạn tấn, theo các chuyên gia về hàng hải đòi hỏi khu vực nạo vét trước bến phải có chiều rộng là 175 m và vũng quay tàu với đường kính 320 xuống độ cao thiết kế -12,4 m.

Như vậy tổng khối lượng cát cần nạo vét cho cả 2 giai đoạn là khoảng 4.090.000 m3, trừ 715.000 m3 đã san lấp, còn dư 3.375.000 m3 chưa được nạo vét theo chuẩn tắc thiết kế. Để giải quyết bài toán dư thừa này công ty đã nhận được sự ủng hộ của tỉnh, nhằm tránh lãng phí tài nguyên, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư và tận dụng tài nguyên để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, đồng thời chấp thuận chủ trương được phép bán sau khi phục vụ san lấp.

Chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc giải tỏa cho “Cát bị mắc cạn”

Ngày 28-6-2017 UBND tỉnh Quảng Ngãi có CV số 3868, do chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký, trong đó có nội dung đồng ý về chủ trương việc Công ty Hào Hưng được bổ sung thêm khối lượng cát nạo vét khu nước trước bến và tuyến luồng, vũng quay tàu giai đoạn 2 để phục vụ san lấp mặt bằng và được bán trong nước phần vật liệu nạo vét sau khi phục vụ san lấp mặt bằng còn dư thừa.

Cảng đã xây xong nhưng… luồng vào đang bị “mắc cạn”

Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh dừng thực hiện việc bán trong nước đối với phần vật liệu nạo vét sau khi phục vụ san lấp còn dư thừa, cho rằng công ty có dấu hiệu trục lợi trong việc bán vật liệu còn dư.

Về vấn đề này ông Lê Văn Lý – Phó Giám đốc Công ty Hào Hưng Quảng Ngãi cho biết: công ty không hề hưởng lợi từ việc bán phần vật liệu con dư, để được bán phần còn dư công ty đã làm đầy đủ tất cả nghĩa vụ tài chính: nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi sử dụng khoáng sản để san lấp mặt bằng và cho mục đích khác đối với lượng cát dư thừa, kê khai nộp thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường, thuế VAT theo đúng quy định, thậm chí công ty còn chấp nhận nỗ 1000 đồng cho mỗi m3 cát, do vậy không thể nói công ty có dấu hiệu trục lợi ở đây được, mục đích của chúng tôi là làm cảng trong đó có luồng lạch để tàu có thể cập bến, chứ không vì mục đích nào khác.

“Tiến độ thi công luồng vào cảng là rất cấp bách, theo kế hoạch đến tháng 8-2017 công ty chúng tôi công bố cảng đi vào hoạt động bến số 1, bây giờ có văn bản của tỉnh dừng việc mang bán trong nước đối với phần vật liệu nạo vét sau khi phục vụ san lấp còn dư thừa là rất khó cho chúng tôi, bởi khối lượng san lấp đã đạt đến 95%, còn hơn 3 triệu mét khối cát nữa chúng tôi biết đổ đi đâu nếu không di chuyển ra chỗ khác.

Đã vậy, hợp đồng công ty Hào Hưng đã ký với đơn vị nạo vét, giờ mỗi ngày công ty này bị thiệt hại rất nhiều, hơn nữa nếu luồng lạch không đúng theo chuẩn tắc thiết kế thì tàu 50 vạn tấn không thể vào chở hàng, do vậy Hào Hưng rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của UBND tỉnh tìm ra giải pháp tốt nhất để nhanh chóng giải quyết bài toán hóc búa này” – ông Lý nói.

Không riêng gì Hào Hưng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại miền Trung cũng đang đau đáu tìm cách “giải phóng” khối lượng hàng triệu tấn bùn, cát tạp do nạo vét khơi thông luồng

Theo các chuyên gia kinh tế cứ một triệu tấn hàng hóa thông qua cảng mỗi năm đem lại nguồn thu cho đất nước 3.000 tỷ đồng, trong đó thu Hải Quan sẽ được 1.000 tỷ đồng. Với công suất thiết kế khoảng 6 triệu tấn hàng hóa/năm, cảng tổng hợp phục vụ chung khu kinh tế Dung Quất sẽ là đầu mối giao thông quan trọng của cả vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Dung Quất.

Đây còn là cơ hội nâng cao vị trí cạnh tranh của tỉnh Quảng Ngãi. Do vậy, việc khơi thông luồng lạch theo đúng chuẩn tắc thiết kế là việc làm cấp thiết, khi hạ tầng cảng biển đồng bộ sẽ kéo theo làn sóng đầu tư mới vào tỉnh Quảng Ngãi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang