TP.HCM:

Báo động tình trạng xuống cấp, quá tải ở một số bệnh viện

Thứ Sáu, 28/04/2017 06:24

|

(CAO) Tình trạng quá tải của các bệnh viện (BV) tại TP.HCM được ví như một căn bệnh nan y không có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày càng đi xuống gây hoang mang cho người dân khi thăm khám và điều trị tại các bệnh viện.

Thực tế cho thấy, nhiều BV trên địa bàn TP.HCM đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và để tiếp tục duy trì hoạt động của các BV công thì Nhà nước còn phải mất thêm nhiều tỉ đồng để nâng cấp cho sự xuống cấp của các công trình.

Một góc tòa nhà ở BV Nhân Dân Gia Định bị vỡ và được chắp vá sơ sài bằng xi măng

Tạo diện mạo mới cho ngành y tế thông qua việc huy động xã hội hóa nhằm đầu tư máy móc hiện đại, phát triển kỹ thuật mũi nhọn, chuyên môn là điều cần thiết nhưng với cơ sở hạ tầng xuống cấp như hiện nay thì liệu công tác khám chữa bệnh cho người dân có được đảm bảo (!).

Vách tường bị bong tróc, các cánh cửa lỏng lẻo và xuống cấp… khác với vẻ bề ngoài của BV

Theo tìm hiểu của PV, BV Đa khoa Sài Gòn là điển hình về tình trạng xuống cấp của các BV công ở TP.HCM, nhiều lần được đầu tư kinh phí xây dựng nhưng sự chắp vá mang tính “dã chiến” đã cho thấy sự xuống cấp của BV này. Mặt khác, BV này tọa lạc ở ngay vòng xoay công trường Quách Thị Trang (Q.1) nhưng dường như vẫn chưa phát huy hết tác dụng của một BV nằm ngay trung tâm thành phố sôi động nhất cả nước.

Nhiều lỗ gạch gió bị vỡ, dây điện chằng chịt là những điều đang tồn tại ở BV Đa khoa Sài Gòn

Ngoài ra, hệ thống cửa thông gió bị vỡ, tường vôi bong tróc, nhiều chỗ chỉ cần chạm nhẹ là lớp vữa vỡ vụn ra, dây điện chằng chịt… là tình trạng đáng nói về sự xuống cấp của BV này.

Bên cạnh đó, ở nhiều bệnh viện hiện này số bệnh nhân đến thăm khám ngày một đông, thậm chí là quá tải làm cho nhiều giường bệnh, phòng bệnh luôn trong tình trạng đầy ắp, 1 giường bệnh 2 người nằm, bệnh nhân sinh hoạt dưới gầm giường là điều dễ nhận thấy ở các BV tuyến trên.

Bệnh nhân chờ đến lượt làm thủ tục thăm khám ở BV Ung Bướu TP.HCM

 Khi đến các BV ở thành phố thăm khám, mỗi bệnh nhân luôn có một người đi theo, người nhà bệnh nhân hoàn toàn không có nơi tá túc mà phải sống vất vưởng ở hành lang BV, dưới gầm giường bệnh nhân hoặc một nơi nào đó trong BV để ngả lưng. Nhiều người ở quê “chân ướt chân ráo” lên thành phố trị bệnh không biết đứng đâu, ngồi đâu với cuốn sổ khám bệnh trên tay và có khi bị các tay cò BV lừa.

Nhà chứa rác thải y tế còn khá sơ sài và tìm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm

Có mặt tại BV Ung Bướu TP. HCM (Q. Bình Thạnh) vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 24-4, có thể thấy khu khám bệnh là nơi đông bệnh nhân nhất, lúc nào cũng đông nghẹt người. Đối với những người đang điều trị bệnh ung thư mà chen chúc khám bệnh thì vấn đề lây nhiễm thêm 1 số bệnh khác là điều khó tránh.

Đề phòng kẻ gian trà trộn móc túi, rạch ví luôn được bảo vệ thông báo trên loa ở BV Ung Bướu TP.HCM

Có nhiều phòng khám tư, dịch vụ tư được mở ra xung quanh các bệnh viện nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề quá tải trong BV vì cầu vượt quá cung, khu thanh toán viện phí và nhà thuốc bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải phải sắp hàng.

Thiết nghĩ, việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng của BV trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang là việc làm cấp thiết hiện nay, có như vậy việc chăm sóc sức khỏe cho người dân mới được đảm bảo.

Thực hiện song song cả 2 vấn đề xuống cấp và quá tải là thách thức lớn đối với các hoạt động chăm sóc sức khỏe ở TP.HCM và cũng là bài toán cấp thiết khó có lời giải đối với ngành y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang