(CAO) Hiện nay, trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, tình trạng hút cát dẫn đến sạt lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông Krông Pách; cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu của người dân.
Doanh nghiệp thì ngang nhiên khai thác cát trái phép. Đối với chính quyền các cấp thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
1 chiếc xà lan đang
hút cát sát bờ sông và khiến đoạn sông này bị lở vào tận bờ
Tại cây cầu số 1, nằm trên tuyến đường liên xã Ea Ô đến xã Cư Elang của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, tình trạng sạt lở mố cầu nghiêm trọng đã xảy ra. Chiếc cầu này mới được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy chưa được 2 năm, nhưng đến nay đã bị sạt lở nghiêm trọng ở một bên mố cầu. Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quy định các doanh nghiệp khai thác cát phải cách xa các chân cầu, mố cầu từ 2km trở lên nhưng lâu nay tình trạng khai thác cát gần cây cầu này vẫn tiếp diễn.
Trên địa bàn xã Ea Ô của huyện Ea Kar và các xã lân cận, lâu nay, nạn khai thác cát trái phép trên dòng sông không chỉ làm sạt lở ảnh hưởng đến các chân cầu, mố cầu 2 bên, đe dọa đến ATGT mà còn làm biến đổi dòng chảy gây sạt lở nghiêm trọng diện tích đất sản xuất của người dân dọc 2 bên bờ sông.
Tàu bè thì hút, khai thác cát tràn lan, gần bờ, gần cầu trái quy định diễn ra ngang nhiên nhưng các đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền ở địa phương buông lỏng trách nhiệm và đùn đẩy lẫn nhau. Ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Ô, huyện Ea Kar, cho biết: “Cái này địa phương khi nghe dân báo là có xuống kiểm tra và lập biên bản. Tuy nhiên việc khai thác thường vào ban đêm và địa phương đã có nhắc nhở và sẽ có báo cáo. Địa phương đã kiểm tra, có chụp hình, ghi hình, có làm văn bản kiến nghị rồi chứ không phải địa phương đứng ngoài cuộc. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri hội đồng 3 cấp cũng đã kiến nghị đại biểu..”.
Chiếc cầu số 1 bị sạt lở nghiêm trọng và bị hư hoàn toàn một bên mố cầu
Còn ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết: Chính quyền xã họ phải biết quản lý theo luật đất đai trong vùng lãnh thổ, địa bàn, do đó việc phản ánh của người dân và của chính quyền là phải có sự báo cáo. Còn đối với chính quyền cấp huyện còn nhiều địa điểm, nhiều khu vực, nhiều việc xảy ra về quản lý hành chính trong địa bàn, do đó không thể thường xuyên vào các địa bàn của các mỏ cát để kiểm tra liên tục được, công nhận là các cấp đôi khi có sai sót, không quản lý hết trách nhiệm và để xảy ra những sự việc như trên…”
Tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn cầu đường và ruộng rẫy của người dân do vấn nạn khai thác cát tràn lan, trái phép đang diễn ra phức tạp ở xã Ea ô và một số thôn, xã lân cận ở huyện Ea Kar. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền, các cơ quan, lực lượng chức năng ở xã, ở huyện và tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.