Để triệt phá thành công đường dây là quá trình đấu trí gian nan của các cán bộ Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Công an TP Hà Nội. Những tình tiết được các điều tra viên trực tiếp tham gia vụ án hé lộ vào những ngày đầu tháng 12/2021, giúp chúng tôi hiểu thêm về những chiến công thầm lặng của lực lượng an ninh điều tra.
Lộ diện đường dây “ma”
Như Báo CATP đã đưa tin, từ nguồn tin tố giác được Ban giám đốc Công an TP Hà Nội giao cho Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội, tổ chức xác minh. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và các đơn vị nghiệp vụ xây dựng kế hoạch xác minh; điều tra để thu thập chứng cứ và củng cố về nhân thân đối tượng, pháp nhân của các công ty “ma”.
Quá trình dày công theo dõi, các cán bộ và điều tra viên của Đội 3 đã bước đầu dựng được cơ cấu, dựng chân dung của đối tượng cầm đầu đến các mắt xích trong đường dây; nhiệm vụ cụ thể của từng đối tượng trong quá trình thực hiện toàn bộ hành vi mua bán hoá đơn.
Việc thu thập tài liệu ban đầu gặp không ít khó khăn do thủ đoạn tinh vi của Tô Sĩ Lực (SN 1982, trú tại khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) - đối tượng chủ mưu điều hành, đồng thời là giám đốc của một công ty có trụ sở tại Hà Nội.
Dưới vỏ bọc của một doanh nghiệp, Lực điều hành hoạt động kinh doanh mua bán hoá đơn với phương thức rất tinh vi, hoạt động khép kín. Cụ thể, đối tượng chỉ bán hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các đầu mối quen qua các giới thiệu và các môi giới, không liên hệ trực tiếp với người có nhu cầu.
Các tang vật trong vụ án
Quá trình dày công theo dõi, cán bộ Đội 3, Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội đã dựng cơ cấu đường dây, nhiệm vụ của từng đối tượng. Từ đó, xác định điểm đột phá là bắt giữ Nguyễn Văn Mạnh (SN 1993, trú tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy), kế toán của công ty, được giao phụ trách đi giao dịch ngân hàng và rút tiền của các đối tác. Sau đó, mở rộng đường dây, bắt giữ các đối tượng có liên quan.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án, ngày 18/11, Đội 3 đã tổ chức lực lượng bắt giữ Mạnh. Cùng thời điểm này, các lực lượng khác đồng thời giám sát di, biến động của các mắt xích còn lại. Ngay khi đối tượng khai nhận, tổ công tác đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lần lượt bắt giữ các đối tượng trong đường dây.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Từ đầu năm 2019 đến nay, Tô Sỹ Lực và Nguyễn Văn Hào (SN 1983, trú tại Phòng 1211, 7A Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch), Nguyễn Văn Hồng (SN 1983, trú tại số 3 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã cầm đầu nhóm đối tượng mua bán trái phép hóa đơn.
Cụ thể, từ khoảng năm 2017, Hào, Lực, Hồng mua lại pháp nhân nhiều công ty với giá từ 15.000.000 đồng - 20.000.000 đồng/công ty; sử dụng CCCD, CMND của người khác để đứng tên giám đốc, ký giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu Công ty, hóa đơn GTGT, biến các công ty này thành công ty “ma”, sau đó không tổ chức hoạt động kinh doanh mà chỉ dùng để mua bán trái phép hóa đơn GTGT thu lợi bất chính.
Hào, Lực, Hồng thuê một số đối tượng gồm: Phạm Thị Thúy (SN 1992, trú tại tòa nhà CT2, The Pride Power, phường La Khê, quận Hà Đông), Nguyễn Thị Mai Phương (SN 1986, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Văn Mạnh (SN 1993, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia vào đường dây.
Để tránh bị phát hiện, nhóm đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã phân công chặt chẽ nhiệm vụ cho từng đối tượng như: soạn thảo hợp đồng, chứng từ, viết hóa đơn giấy, làm hóa đơn điện tử, báo cáo thuế, giao nhận với khách, giao dịch rút, chuyển tiền ngân hàng... để hợp thức hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, trả lượng cho số nhân viên này từ 7.000.000 đồng - 8.000.000 đồng/tháng.
Quá trình hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, Lực, Hào và Hồng thông qua số đối tượng môi giới trong đó có Hoàng Thị Phượng (SN 1983, trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để kết nối với các đơn vị có nhu cầu mua hóa đơn GTGT để hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc hoặc hồ sơ vay vốn ngân hàng...
Các đối tượng môi giới mua hóa đơn của Lực, Hào và Hồng với giá từ 2% đến 4% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn, sau đó bán lại cho khách với giá 8%-8,5% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn. Việc thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của các đối tượng. Quá trình trao đổi thông tin, liên lạc qua hộp thư điện tử gmail, zalo, viber...
Đối với trường hợp hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng, theo quy định phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng thì Lực, Hào và Hồng chỉ đạo đối tượng cấp dưới được thuê thực hiện việc chuyển tiền theo giá trị trên hóa đơn GTGT vào tài khoản ngân hàng của công ty xuất hóa đơn, sau đó rút tiền trả lại cho người mua và trừ đi số tiền mua bán hóa đơn. Chuyển khoản và thu tiền xong, các đối tượng bản sẽ giao hóa đơn GTGT và các tài liệu hợp thức cho người mua.
Đối với trường hợp hóa đơn có giá trị dưới 20 triệu đồng, Lực, Hào và Hồng sẽ hẹn gặp người mua để giao nhận hóa đơn, chứng từ và nhận tiền trực tiếp. Để tránh bị cơ quan thuế phát hiện, Lực, Hào và Hồng giao cho đối tượng cấp dưới được thuê làm báo cáo thuế theo quý, quyết toán thuế theo năm để kê khai thuế với số liệu giả, khi bị phát hiện thì các đối tượng cho công ty này ngừng hoạt động.
Quá trình đấu tranh, Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội xác định, ngoài việc điều hành hoạt động nhóm đối tượng mua bán trái phép hóa đơn, Tô Sỹ Lực, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Hồng còn quan hệ và mua bán trái phép hóa đơn của Nguyễn Văn Cường (SN 1981, trú tại Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Kết quả điều tra xác định, Nguyễn Văn Cường là đối tượng chủ mưu cầm đầu nhóm đối tượng khác mua bán trái phép hóa đơn. Từ khoảng năm 2019, Cường sử dụng 5 công ty không tổ chức hoạt động kinh doanh mà chỉ dùng để mua bán trái phép hóa đơn GTGT thu lợi bất chính.
Cường giao và thuê một số đối tượng khác gồm: Cao Hà Giang (SN 1985), vợ Cường; Cao Xuân Hải (SN 1994), em vợ Cường; Cao Thành Đại (SN 1990, cùng ở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), em vợ Cường; Lương Thị Vui (SN 1995, trú tại quận Bắc Từ Liêm); Hoàng Văn Trường (SN 1987, trú tại huyện Thanh Oai); Phạm Ngọc Sơn (SN 1984, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và thực hiện giúp Cường trong việc viết hóa đơn, in hóa đơn điện tử, làm chứng từ, hợp đồng kinh tế và giao dịch ngân hàng và báo cáo thuế để hợp thức việc mua bán trái phép hóa đơn.
Các đối tượng liên quan được đưa về trụ sở làm rõ
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được đủ cơ sở xác định: Các đối tượng đã thành lập và mua lại nhiều pháp nhân các công ty khác nhau, sau đó không tố chức hoạt động sản xuất kinh doanh gì mà chỉ dùng để mua bán trái phép hoá đơn GTGT hưởng lợi bất chính. Trong đó: Tô Sỹ Lực, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Hồng là đối tượng chủ mưu cầm đầu chỉ đạo nhóm đối tượng Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Thị Thúy, Nguyễn Thị Mai Phương sử dụng 14 công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn, Hoàng Thị Phượng là đối tượng môi giới mua bán trái phép hóa đơn.
Nguyễn Văn Cường là những đối tượng chủ mưu cầm đầu chỉ đạo nhóm đối tượng Cao Hà Giang, Cao Xuân Hải, Phạm Ngọc Sơn, Hoàng Văn Trường, Lương Thị Vui, Cao Thành Đại sử dụng 5 công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn. Hành vi của 14 đối tượng trên phạm vào tội Mua bán trái phép hóa đơn quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cơ quan ANĐT - Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 14 bị can Tô Sỹ Lực, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Thị Thúy, Nguyễn Thị Mai Phương, Hoàng Thị Phượng, Nguyễn Văn Cường, Cao Hà Giang, Cao Xuân Hải, Phạm Ngọc Sơn, Hoàng Văn Trường, Lương Thị Vui, Cao Thành Đại về tội Mua bán trái phép hóa đơn quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với 13/14 bị can tại Trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội (1 bị can đang nuôi con nhỏ 11 tháng tuổi, áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú).
Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với VKSND TP Hà Nội và cơ quan liên quan: Cục thuế Hà Nội, Sở Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.