Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, thay đổi liên tục khiến cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Từ các vụ việc đã xử lý cho thấy, lượng tang vật, giá trị hàng hóa lên đến nhiều tỷ đồng, do đó các đối tượng thường tìm mọi để che giấu.
Khi mua bán xăng dầu trên biển, bọn chúng đều móc nối giao nhận hàng hóa, tiền thông qua trung gian, hoạt động khép kín. Việc giao, nhận xăng, dầu diễn ra trên biển, nhưng giao nhận tiền lại diễn ra trên đất liền; người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ liên lạc qua điện thoại bằng sim "rác" nên việc xác định chủ đầu nậu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý tận gốc gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính từ đầu tháng 3-2023, hàng loạt các vụ phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển cho thấy hoạt động buôn lậu xăng dầu chưa có dầu hiệu "hạ nhiệt". Lúc 9 giờ 45 ngày 19-3, tại vùng biển cách Đông Đông Nam Côn Đảo khoảng 150 hải lý (tọa độ 07 độ 28N - 108 độ 40E), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu TG 94456 TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Lúc này, trên tàu có 5 thuyền viên. Qua khám xét, tàu vận chuyển 60.000 lít dầu DO. Truyền trưởng và các thuyền viên đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Tiếp đó, ngày 20-3, tại vùng biển cách cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 30 hải lý về hướng Tây Nam, Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm tiến hành kiểm tra, phát hiện tàu TG 91987 TS do Lương Văn Ri (ngụ P.Tân Long, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên đang vận chuyển 47.000 lít dầu DO không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Vụ việc đã được Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và xử lý.
Khám xét các phương tiện vận chuyển xăng dầu trái phép
Khoảng 21 giờ ngày 23-3, tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng, Hải đội Biên phòng 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, phát hiện tàu khai thác thủy sản số hiệu TS 01727 TS do Hoàng Văn Lượm (SN 1981, ngụ xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên trên tàu đang vận chuyển 40.000 lít dầu DO không hóa đơn chứng từ.
Tiếp đó, lúc 15 giờ ngày 26-3, tại vùng biển tọa độ 09 độ 09 phút 00 giây Vĩ Bắc - 105 độ 46 phút 00 giây Kinh Đông, cách đường phân định Việt Nam - Malaysia khoảng 2 hải lý, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra hành chính tàu TG 92008 TS do Trần Văn Thuận (SN 1976, ngụ xã Tân Thanh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên khác vận chuyển 100.000 lít dầu DO không nguồn gốc.
Một ngày sau, lúc 11 giờ ngày 27-3, tại tọa độ 09 độ 00 phút 00 giây Vĩ Bắc - 107 độ 29 phút 00 giây Kinh Đông thuộc vùng biển tỉnh Bến Tre, Hải đoàn Biên phòng 18 phát hiện tàu KG 95548 TS do Nguyễn Văn Thanh (SN 1965, ngụ xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên đang vận chuyển 101.030 lít dầu DO không hóa đơn.
Cùng ngày, tại vùng biển có tọa độ 08 độ 11 phút 678 giây Vĩ Bắc - 103 độ 13 phút 002 giây Kinh Đông cách Đông Nam mũi Vũng Tàu 140 hải lý, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm) - Bộ đội Biên phòng phối hợp Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang kiểm tra, phát hiện tàu KG 95859 TS do Nguyễn Hồng Thành (SN 1984, ngụ TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 4 thuyền viên đang vận chuyển 50.000 lít dầu DO không hóa đơn. Vụ việc đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang phối hợp Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam lập biên bản, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây nhất, lúc 4 giờ 30 ngày 01-4, tại vùng biển tọa độ 08 độ 35 phút 00 giây Vĩ Bắc - 104 độ10 phút 00 giây Kinh Đông, cách Tây Nam đảo Hòn Chuối (Kiên Giang) khoảng 32 hải lý, Hải đoàn Biên phòng 28 kiểm tra, phát hiện tàu KG 93835 TS do Hồ Văn Sỹ (SN 1979, ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên đang vận chuyển 25.000 lít dầu DO cũng không hóa đơn, chứng từ...
Giải pháp nào để hạn chế?
Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu còn diễn biến phức tạp, trong đó có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng việc nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số thời điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố để kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, Tổng Cục QLTT vừa có Công văn số 548/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu.
Nhằm giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nội dung trong Công điện số 383/CĐ-BCT (ngày 20-01) của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, các Cục QLTT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như: Công an, Khoa học công nghệ thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng; tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu và cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả...