Theo đó, các bị cáo gồm: Hà Bảo Châu (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Nguyễn Vinh Quang (30 tuổi), Đỗ Quang Hải (31 tuổi, cùng ngụ quận Bình Tân) bị xét xử về tội danh "sản xuất, buôn bán hàng giả". Cụ thể, các đối tượng này đã mua nguyên liệu trôi nổi để sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) giả thương hiệu Nón Sơn, bán ra thị trường với giá rẻ nhằm thu lợi bất chính.
Theo cáo trạng, lúc 21 giờ 20 phút ngày 11-4-2021, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM đã phát hiện Châu đang chở 2 bao hàng, bên trong có 170 MBH ghi hiệu “Nón Sơn”. Đối tượng được đưa về trụ sở để làm việc cùng tang vật.
Ba bị cáo tại phiên tòa
Qua đấu tranh, làm rõ, do nhận thấy thương hiệu Nón Sơn đã có tiếng trên thị trường nên Châu đã lên kế hoạch sản xuất MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn để kiếm lời.
Tháng 1-2021, Châu liên hệ Hải mua vỏ MBH có chữ “Nón Sơn” và logo trên vỏ nón các loại với giá từ 9.000 - 16.000 đồng/cái. Sau đó, đối tượng mua thêm các nguyên liệu trôi nổi trên thị trường như: xốp đã được ép khuôn giống như vỏ mũ bảo hiểm, dây nón, miếng lót trong nón, khóa gài nón, mỏ nón, nút đóng nón, tem… để về chuẩn bị cho quy trình “sản xuất” thành phẩm.
Khi có đủ “đồ nghề”, Châu dùng máy khoan lỗ trên vỏ nón, vô xốp, sử dụng máy đóng dây, đóng mỏ MBH, đóng nút… để cho ra hàng loạt chiếc MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Theo lời khai của bị cáo Châu, mỗi tháng cô ta sản xuất được khoảng 400 - 500 cái MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn. Và người trực tiếp lấy hàng của Châu để bán ra thị trường là Quang. Giá bán dao động từ 20 ngàn đến 65 ngàn đồng/cái tùy loại.
Tính đến thời điểm bị bắt, Châu đã bán cho Quang khoảng 1.500 cái mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn, thu lợi bất chính khoảng 6 triệu đồng.
Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở mua bán MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn
Trong khi đó, bị cáo Đỗ Quang Hải khai nhận, anh ta đã bắt đầu sản xuất sơn vỏ MBH các loại từ tháng 6-2020. Ngay khi nhận được “đơn hàng” của Châu, Hải đã liên hệ Lê Phong Vũ để mua số vỏ MBH in sẵn logo “Nón Sơn” với giá 5.000 đồng/cái. Đồng thời để mở rộng hoạt động kinh doanh phi pháp, Hải còn thuê địa điểm và 4 nhân công đẻ làm giả vỏ mũ bảo hiểm thô có logo in chữ nổi “Nón Sơn”. Tổng cộng, Hải đã bán cho Châu 3.000 cái vỏ MBH, thu lợi bất chính khoảng 2 triệu đồng.
Bị cáo Quang thừa nhận, bản thân đã mua MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn từ Châu rồi rao bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo… với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/cái tùy loại. Khách hàng có nhu cầu mua sẽ đăng nhập thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, sau đó, Quang liên hệ shipper giao hàng với chi phí vận chuyển mỗi lần từ 10% - 15%/tổng giá trị tiền hàng.
Từ tháng 1/2021 cho đến khi bị phát hiện, Quang đã mua của Châu khoảng 2.000 cái MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn và bán ra thị trường khoảng 500 cái, thu lợi bất chính khoảng 3 triệu đồng.
Cáo trạng cũng xác định, Châu có vai trò mấu chốt, Hà, Quang có vai trò giúp sức trong việc sản xuất và tiêu thụ khoảng 2.249 MBH giả Nón Sơn với giá trị tương đương hàng thật hơn 1,3 tỉ đồng.
Trong số các vụ sản xuất MBH giả nhãn hiệu, có cơ sở còn trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp
Có mặt tại phiên tòa, đại diện cho phía Cty TNHH Thời trang Nón Sơn, ông Nguyễn Ngọc Tý- Giám đốc điều hành Nón Sơn nêu rõ quan điểm: Cty Nón Sơn không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại vì những thiệt hại của chúng tôi không thể tính giá trị bằng tiền. Việc làm giả thương hiệu Cty rồi bán ra thị trường với giá rẻ của các bị cáo đã gây tác động nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của Nón Sơn, mất niềm tin về sản phẩm nơi khách hàng; trực tiếp gây thiệt hại cho Cty dẫn đến thu nhập của cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng…
Do đó, Cty Nón Sơn yêu cầu TAND xét xử thật công tâm, “đúng người, đúng tội”; đặc biệt là phải xử lý hình sự nghiêm khắc để đủ sức răn đe các đối tượng đã và đang kiếm sống bằng hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Ngọc Tý trình bày quan điểm tại tòa
Tuy nhiên, sau phần xét hỏi, HĐXX đã hội ý và ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề trong vụ án.
Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong khi các bị cáo sản xuất và mua bán MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn để thu lời bất chính chỉ từ vài triệu đồng thì các doanh nghiệp bị làm giả thương hiệu khác nói chung, Cty Nón Sơn nói riêng lại đang phải gánh chịu những tổn thất to lớn và nghiêm trọng; đó là chưa kể “hàng giả, hàng nhái”, đặc biệt đối với mặt hàng là MBH còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường cho người sử dụng.
Vì vậy, thiết nghĩ, ở các phiên xét xử đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng giả như trên, HĐXX cần cân nhắc, đưa mức xử phạt hình sự thật mạnh tay để làm gương nhằm hạn chế vấn nạn “hàng gian, hàng giả, hàng nhái” lộng hành như hiện nay.