Cần Giờ… giờ cần gì?

Thứ Hai, 31/01/2022 22:23

|

(CAO) Huyện Cần Giờ được biết đến như một nét rất riêng của TPHCM, bởi lẽ nơi đây có cả rừng và biển, là những lợi thế, tiềm năng vô cùng đặc biệt của thành phố (TP) mang tên Bác để thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển, nhất là kinh tế (KT) biển… Bên cạnh đó, nơi đây còn 2 lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động lực lượng vũ trang” và “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Diện mạo của huyện ngày càng thay đổi

Nằm cách trung tâm TP khoảng 50km, rộng 70.445 ha, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của TP, huyện Cần Giờ như một bán đảo nằm tách biệt với các địa phương lân cận, có đường bờ biển dài 23km, hệ thống sông rạch chằng chịt, gần 50% diện tích là rừng ngập mặn, với dân số 75.672 người. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối; gần đây, nghề nuôi yến đang được đầu tư do mang lại giá trị KT cao. Đến với Cần Giờ, chúng ta như tạm tách biệt với nhịp sống hối hả của chốn phố thị phồn hoa, cuộc sống của người dân nơi đây rất thư thái, an nhiên... là cảm nhận chung của những ai lần đầu đặt chân lên mảnh đất này.

Ông Lê Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Cần Giờ

Gắn với các hoạt động sản xuất (SX) là nét truyền thống văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển với nhiều di tích văn hóa tôn giáo - tín ngưỡng như Căn cứ Rừng Sác Cần Giờ, Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ, các đình Cần Thạnh, Dương Văn Hạnh, Bình Khánh và mộ tiền hiền Trần Quang Đạo... Trong đó, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là sự kiện văn hóa đặc trưng của huyện, được công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.

Từ khi có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2003), huyện Cần Giờ được biết đến nhiều hơn. Đây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để huyện trở mình vươn lên, với nhiều sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng (XD) nông thôn mới (2010 - 2021), với sự quan tâm của chính quyền TP, sự tập trung và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tình hình KT - XH của huyện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân được nâng cao.

Bộ mặt nông thôn huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến, hạ tầng KT - XH từng bước hoàn chỉnh, làm cơ sở, tiền đề thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực này; hệ thống giao thông kết nối giữa các xã với trung tâm huyện được thông suốt; hạ tầng thủy lợi, điện lưới quốc gia được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn cho phát triển SX, đặc biệt là công trình phát triển lưới điện vượt sông đến trung tâm xã Thạnh An và ấp Thiềng Liềng đáp ứng nhu cầu người dân xã đảo trong sử dụng lưới điện quốc gia so với trước đây dùng năng lượng mặt trời; cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm, các trường trên địa bàn huyện được đầu tư đạt chuẩn quốc gia các cấp độ.

Đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng năm 2010 tăng lên 58,524 triệu đồng/người năm 2019, đến nay không còn hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm và hộ nghèo chuẩn 21 triệu đồng/người/năm. Tháng 4 - 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện phấn khởi tổ chức lễ đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đón thuyền Nghinh Ông

Phát triển huyện Cần Giờ tương xứng với tiềm năng hiện có

Cần Giờ đã có nhiều thay đổi, khoác lên mình chiếc áo mới lung linh hơn, thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những kết quả phát triển của huyện thời gian qua thì chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có.

Tự hào có rừng và biển, nhưng đến nay kinh tế huyện vẫn chưa có sự đột phá, chất lượng sống của người dân vẫn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện theo chuẩn của TP vẫn còn cao (27,39%) với mức thu nhập bình quân hiện nay 25,6 triệu đồng/người/năm.

Nhìn lại bức tranh phát triển tổng thể của huyện, có thể thấy du lịch và thủy sản được xác định là 2 ngành KT chủ lực, nhưng thời gian qua, KT biển còn mờ nhạt, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để chuyển hóa đồng thời tạo giá trị gia tăng cho nền KT của huyện và TP. Sản xuất thủy sản còn thiếu ổn định, các bước thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch còn chậm và đó sẽ mãi là thực trạng của Cần Giờ nếu không có sự tác động mang tính đột phá.

Phát triển theo hướng đô thị sinh thái gắn với thực hiện Đề án đô thị thông minh, XD huyện Cần Giờ là TP nghỉ dưỡng, DL sinh thái có tầm cỡ khu vực và quốc tế, phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có… là định hướng phát triển huyện của TP và là mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, vị trí, vai trò của huyện Cần Giờ đối với sự phát triển của TPHCM luôn được các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao, những nguồn tài nguyên của huyện (rừng, biển) được xem là nguồn lực phát triển quý báu của TP, của quốc gia và thế giới. Vấn đề đặt ra là phải biết cách khai thác, tận dụng giá trị những nguồn tài nguyên ấy để phục vụ cho sự phát triển KT - XH của huyện.

Cần lắm sự tác động mang tính đột phá

Phát triển huyện phải trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ những giá trị cơ bản, cốt lõi của địa phương, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phải biết “đánh đổi” một cách tích cực để tiến lên, với mục đích nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trước hết và trên hết, Cần Giờ cần lắm việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án quy hoạch 1/5.000 huyện dựa trên ý tưởng thiết kế huyện đã đoạt giải, đây là tiền đề và cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược khác.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện song song 2 dự án cầu Cần Giờ và khu đô thị DL lấn biển quy mô 2.870 ha là yêu cầu cấp thiết, là đòn bẩy vô cùng quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành KT của địa phương, nhất là trong lĩnh vực DL. Bên cạnh đó, với đặc thù nằm xa trung tâm TP, Cần Giờ cần lắm các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Du lịch sinh thái ở Cần Giờ

Với mục tiêu phát triển DL trở thành ngành KT mũi nhọn của địa phương, theo ý kiến các chuyên gia, việc hình thành Trung tâm ẩm thực thủy hải sản tại huyện là giải pháp phù hợp, thiết thực nhất để tạo động lực thúc đẩy phát triển DL; cần XD huyện Cần Giờ thành “bếp ăn” của thế giới về hải sản, phục vụ DL tại chỗ, bếp ăn tại chỗ, để nâng giá trị KT từ ngành DL; XD các khu dịch vụ, khu chợ, ẩm thực hải sản và có sản phẩm DL phong phú để phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Cần Giờ phải biết vận dụng “lợi thế đi sau” của mình, tích cực học hỏi để khai thác các giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong phục vụ phát triển KT địa phương; toàn hệ thống chính trị huyện, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân địa phương phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để phát triển, biết đổi mới để có thể phù hợp với xu hướng phát triển của huyện trong thời gian tới.

Với các mục tiêu, phương hướng cụ thể, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ của các sở ngành, nhất là với truyền thống đoàn kết, gắn bó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ hứa hẹn về tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Cần Giờ đến năm 2030 sẽ là cơ hội, bước ngoặt quan trọng để huyện thực sự vươn mình trỗi dậy, phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, với “tọa độ đặc biệt” như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên từng phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang