(CAO) Nhận được công văn đề nghị can thiệp của 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank, BIDV về việc VKS đề nghị thu hồi số tiền 6.127 tỉ đồng nhằm khắc phục thiệt hại trong vụ án VNCB, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các cơ quan nội chính Trung ương, TAND TP.HCM, VKS TP.HCM đề nghị xem xét lại việc thu hồi số tiền này.
Sáng 25-1, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, chiều 24-1, sau khi nhận được công văn của 3 ngân hàng hội viên gồm BIDV, Sacombank và TPBank phản ảnh diễn biến phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, xảy ra tại VNCB, Hiệp hội đã có công văn hỏa tốc phản ánh sự việc của các ngân hàng hội viên gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như các cơ quan nội chính, xem xét vụ việc này.
Theo công văn của 3 ngân hàng, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố, tại tòa đã đề nghị thu hồi số tiền 6.127 tỉ đồng từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank để khắc phục hậu quả của VNCB.
Trong công văn hỏa tốc của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi Thủ tướng và các cơ quan nội chính thể hiện các tổ chức tín dụng là thành viên hiệp hội nói chung và 3 ngân hàng nêu trên nói riêng đều rất lo ngại về tác động tiêu cực của việc xử lý theo hướng thu hồi số tiền 6.127 tỉ đồng.
Công văn này cũng nêu dẫn kết luận giám định của NHNN khẳng định 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định, đúng Luật tín dụng và không có thiệt hại xảy ra.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định việc đề nghị thu hồi số tiền 6.127 tỉ đồng của đại diện VKS sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng. Theo đó, chiếu pháp luật hiện hành, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ. Trên thực tế, nếu buộc các ngân hàng phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các ngân hàng cũng như cho khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này.
Giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của các ngân hàng với khách hàng là giao dịch hợp pháp thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ.
Nếu việc thu hồi được thực hiện thì có thể dẫn đấn hàng loạt giao dịch vay vốn, gửi tiền có nguy cơ xảy ra tranh chấp; làm xáo trộn các giao dịch kinh tế, thương mại và gia tăng rủi ro pháp lý không dự liệu cho các tổ chức tín dụng, khách hàng mất niềm tin… Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Từ những phân tích trên, trong công văn hỏa tốc, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc và có chỉ đạo xử lý phù hợp.