Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
Chị thỉ nêu rõ trong thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo, Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực, ảnh hưởng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và hạn hán... Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý không chạy theo số lượng mà lơ là chất lượng
Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Giá gạo cao nhất trong 11 năm qua
Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2023 diễn ra vào sáng 04/8 tại TP.Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cần tận dụng thời cơ khi hiện nay giá gạo đang cao nhất trong 11 năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: "Giữ thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, tuyệt đối không chạy theo số lượng mà lơ là chất lượng".
Kho gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Dương Vũ, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, công tác điều hành sản xuất, xuất khẩu gạo phải đạt 3 mục tiêu: Tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo để đạt được giá trị cao nhất, mở rộng được thị trường; đảm bảo an ninh lương thực và giữ được thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Giá gạo toàn cầu tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 11 năm qua, mang lại cơ hội, cũng như nhiều thách thức đan xen cho Việt Nam. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua; bàn và thống nhất các nội dung đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, góp phần đưa gạo của nước ta ra thế giới và đạt được lợi ích về kinh tế ở mức cao nhất, nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "100 triệu dân mà thiếu gạo ăn là cực kỳ nguy hiểm".
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các địa phương nhận định, chúng ta cần tận dụng thời cơ này nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực cho nội địa. Tuy vậy, theo các địa phương, hiện nay việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh lúa, gạo.
Cụ thể, phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn linh động. Trong khi giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể.
Giá lúa gạo hiện ở mức cao nhất trong 11 năm qua
Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Đặc biệt, các địa phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, hiện các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua lúa và xuất khẩu gạo khá cao, tuy nhiên nguồn vốn là rất nan giải. Theo dự báo, giá lúa gạo trong nước sẽ còn tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần vốn lớn để thu mua lúa gạo dự trữ, từ đó chủ động tốt trong xuất khẩu. Do đó, nhiều doanh nghiệp rất cần các ngân hàng hỗ trợ, đồng hành...