Đại biểu “phê bình” Chính phủ lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo

Thứ Hai, 15/06/2020 22:27

|

(CAO) Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội hôm nay (15/6) câu chuyện về điều hành xuất khẩu gạo được đại biểu “lật lại” với những góp ý khá thẳng thắn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phản ánh, trong bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh, giá gạo thế giới tăng là “cơ hội vàng” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo vừa qua cho thấy thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thảo luận tại phiên họp

“Tại thời điểm 0h ngày Chủ nhật 12/4/2020, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai, gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc điều hành xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm” – ông Thắng nêu lại sự việc và mong muốn sớm có kết luận vụ việc này.

Cùng nhìn lại vụ việc, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá, sự kiện tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 3 được quyết định quá nhanh và khi cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn, khi phải bắt đầu từ lúc giờ mà không phải từ giờ hành chính.

“Việc này đã thể hiện sự nóng vội, vai trò tham mưu của bộ, ngành, của Chính phủ có nhiều bất cập, thậm chí cho thấy không nắm bắt đầy đủ thông tin về thực trạng tình hình xuất khẩu gạo cả nước, nhất là ở vựa lúa lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long” – ông Xuân khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nêu ý kiến

Đại biểu của Cần Thơ chỉ ra, sự lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo kể trên gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các đối tác do không xuất hàng đi được và phải tốn thêm chi phí, đồng thời gây ảnh hưởng nhất định đến cơ hội xuất khẩu giá cao, có lợi cho người sản xuất.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn đánh giá, trách nhiệm các cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành, về việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới”- ông Xuân nêu quan điểm.

Mỗi quyết định của Chính phủ, theo đại biểu Xuân, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và đừng để sự nóng vội, thiếu tính toán gây thiệt hại không đáng có.

Giải trình tại nghị trường sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phân trần, vào thời điểm của tháng 3, khi Chính phủ xem xét đánh giá tình hình chung trong điều hành xuất khẩu gạo và bối cảnh trong nước và quốc tế thì thấy có một số diễn biến tương đối phức tạp, có nguyên nhân từ dịch bệnh Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam.

“Đã xuất hiện tâm lý lo lắng bởi thiếu an ninh lương thực cho các nước, cho chuỗi cung ứng về lương thực” – ông Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình 

Đặc biệt, tại Việt Nam, giá gạo liên tục tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ nếu như trong 15 ngày sau của tháng 3 mà tiếp tục tăng như vậy thì khả năng đến đầu vụ Hè Thu sẽ bị thiếu hụt nguồn cung của lương thực. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc để đánh giá, cân nhắc tình hình.

“Trên cơ sở báo cáo chung của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và đảm bảo chủ động trong việc dự trữ lương thực” – Bộ trưởng Công thương lý giải.

Dù vậy, quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành đã nhận được ý kiến báo cáo phản ánh của nhiều địa phương và của doanh nghiệp đánh giá khả năng trữ lượng gạo vẫn còn lượng tồn trữ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở trên địa bàn cả nước.

Mặt khác, hợp đồng đã ký để giao gạo với nước ngoài không đến mức như trong các hợp đồng đã triển khai thực hiện. Vì thế, các bộ, ngành đã chủ động và báo cáo với Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng gạo đã giao.

“Trên cơ sở những báo cáo cẩn trọng của các bộ, ngành cùng với sự tham gia của các địa phương sản xuất lương thực thì Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp mới, sau đó thống nhất ý kiến quản lý xuất khẩu gạo một cách chặt chẽ, có chỉ đạo, điều hành chặt chẽ thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo, tạm thời 400.000 tấn trong tháng 4” – ông Tuấn Anh thông tin. Xuất khẩu gạo sau đó cũng trở lại bình thường trong tháng 5.

Từ góc độ Bộ Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích thêm, căn cứ các quy định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, xuất khẩu trong giao dịch đối với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, gọi tắt là VNACCS/VCIS, cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

Từ khi hệ thống VNACCS/VCIS đi vào hoạt động, ông Dũng khẳng định, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0 giờ sẽ được tự động áp dụng từ 0 giờ ngày tiếp theo. Cơ quan hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật và các hướng dẫn, các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

“Như vậy, ngày 11/4 cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo tiếp hạn ngạch 400.000 tấn cũng theo quyết định của Bộ Công Thương” – ông Dũng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang