(CATP) Những thông điệp gửi gắm kỳ vọng các nhà báo giữ vững chí hướng và lương tâm nghề nghiệp, “lòng trong, bút sắc”, “phò chính, diệt tà” không phải chỉ đến dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam mới được nhắc đến.
Năm nay trong thư gửi đại biểu dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc giới báo chí thông điệp “phò chính, diệt tà”.
“Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”.
Báo chí được đặt trước yêu cầu là mỗi ngày, mỗi giờ phải theo kịp và cập nhật đầy đủ đến nhân dân những thông tin đáng tin cậy về thực tiễn đời sống. Nêu một tấm gương tốt, nhấn mạnh một thông điệp tích cực, chuyển tải một hình ảnh gợi lên sức mạnh đoàn kết cộng đồng là nhiệm vụ mà báo chí không được bỏ quên trong quá trình thực hiện sứ mệnh tin tức của mình. Nhưng, phản ánh kịp thời một sai phạm gây nguy hại cho đất nước và nhân dân, lên tiếng đấu tranh để làm rõ sự thật trong một vụ việc mờ ám về động cơ vụ lợi, chỉ thẳng mặt đặt thẳng tên cho những tật chứng sai trái trong bất cứ thành phần xã hội nào, và nhiều nhiệm vụ tương tự, cũng là những điều mà báo chí phải đặt vào tâm điểm của hành động sứ mệnh.
Lựa chọn “chính - tà” trên mặt trận thông tin vốn chẳng dễ dàng. Lẽ chính nghĩa, điều tốt đẹp, năng lượng tích cực, niềm tin và sự đồng thuận trên thực tế không phải chỉ cần tuyên truyền, chỉ cần kêu gọi thì sẽ phát huy được sức tác động hiệu quả vào tâm thế của xã hội. Những chuyện “tà”, như các sai phạm và tiêu cực, chẳng phải vì báo chí “bao dung” tránh đề cập đến vì ngại đụng chạm, ngại “vùng cấm” thì sẽ giúp xã hội an lòng hơn, tin tưởng hơn.
Xã hội thông tin hiện đại buộc con người phải chấp nhận đối mặt với những xung lực thông tin đa chiều, có sức va đập lớn thử thách chân lý và sự thật. Vậy nên, “phò chính” trong nghề báo trước hết phải hiểu là theo đuổi sự chính trực trong quá trình tìm kiếm sự thật. Sự chính trực dẫn nhà báo đến thái độ khách quan, tôn trọng sự thật, chứ không chỉ chạy theo những chi tiết vụn vặt tuy có thật nhưng chưa chắc đã đủ sức để làm sáng tỏ sự thật. Sự chính trực của nhà báo sẽ giúp họ nhận chân giá trị hành xử, lựa chọn đúng điều cần viết, cần nêu để giúp xã hội tiếp cận sự thật và hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các quyết định xã hội.
Nghề báo đòi hỏi sự khách quan trong quá trình đưa tin, nhưng cũng không thể là sự khách quan thuần túy. Mạnh mẽ đứng về phía những điều tốt điều đúng, can đảm đối mặt đấu tranh với thế lực của cái xấu cái sai, một khi báo chí hiểu rõ sứ mệnh phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân thì sự khách quan của báo chí sẽ phải đồng hành với sự lựa chọn đứng về lợi ích của đất nước, quyền lợi của nhân dân. Điều này đặt các nhà báo vào tâm thế của một công dân có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, biết chọn cái “chính nghĩa” đích thực: vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
“Phò chính, diệt tà” không đơn giản là một khẩu hiệu động viên các nhà báo, mà là mệnh lệnh đanh thép của lương tri nghề báo trong bối cảnh xã hội thông tin phức tạp hiện nay.