Lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo làm lãng phí nguồn lực của xã hội

Thứ Tư, 22/04/2020 12:34

|

(CAO) Diễn biến cho thấy sự lúng túng, vội vàng trong quá trình điều hành, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, người dân, người trồng lúa.

Thảo luận Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (22/4), câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lại như một dẫn chứng về sự lãng phí nguồn lực trong xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

“Một điển hình gây lãng phí tiền bạc, thời gian, cơ hội của doanh nghiệp là các quyết định liên quan đến chủ trương xuất khẩu gạo vừa qua” – Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Đánh giá cao báo cáo của UB Kinh tế, bà Ngân nói, diễn biến cho thấy sự lúng túng, vội vàng trong quá trình điều hành, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, người dân, người trồng lúa. Từ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của bộ máy thực thi công vụ.

Nêu quan điểm tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chỉ ra, qua dịch Covid, phải nhìn lại cách sống, kiểu sống.

“Rõ ràng việc thay đổi tổ chức lễ hội, giao lưu sẽ tiết kiệm được rất nhiều” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu khẳng định.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo 

Chung góc nhìn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy tiềm năng tiết kiệm rất lớn, nhất là từ việc hạn chế các chi phí lễ hội đình đám.

“Cứ nói không sử dụng ngân sách, nhưng suy cho cùng cũng là nguồn lực của xã hội” – bà Ngân nhìn nhận.

Người đứng đầu Quốc hội phân tích: “Chẳng hạn tiền bắn pháo hoa nhiều quá, thời gian dài quá cũng là lãng phí, dù là tiền doanh nghiệp tài trợ, nhưng lẽ ra có thể sử dụng để xây dựng giao thôn nông thôn, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Qua lý lẽ này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ “lập lại trật tự lễ hội”.

Lưu ý về tình trạng lãng phí trong các dự án đầu tư công, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập đến hàng loạt dự án mà ông cho là đã chậm tiến độ, mặc dù đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm, ra nghị quyết như dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, dự án cao tốc Bắc – Nam…

“Mặc dù Quốc hội đã ủng hộ bằng cách cho tách dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành thành dự án riêng, nhưng khối lượng thực hiện mới 70%; trong khi 30% còn lại là những trường hợp phức tạp” – ông Thanh nêu vấn đề.

Cùng với đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế cũng đề nghị có những đánh giá mang tính định lượng về một số chủ trương đã triển khai, trong đó có việc khoán xe công.

“Kết quả sắp xếp lại như thế nào? Có triển khai nữa không?”. Người đứng đầu UB Kinh tế bày tỏ không hài lòng về việc một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục không nghiêm túc thực hiện việc báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Vẫn còn đến 4 bộ, 7 địa phương chưa báo cáo; các trường hợp chậm trễ năm 2018 đã xử lý chưa? Có phải vì chưa kiên quyết xử lý nên giờ vẫn có tình trạng như thế không?” – Chủ nhiệm UB Kinh tế phàn nàn.

Trình bày báo cáo trước phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, toàn diện trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những hạn chế, cần nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục.

Cụ thể, theo ông Dũng, như việc thực thi một số chủ trương, chính sách, pháp luật có lúc, có lĩnh vực chậm đi vào cuộc sống. Một số vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng chuyển biến còn chậm, hiệu quả chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Ông Dũng cũng thừa nhận thực tế còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Ở một số nơi, kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chưa cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang