(CAO) Đến 6 giờ sáng nay (22/4), Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mới mắc COVID-19, đây đã là ngày thứ 6 liên tiếp (từ 17/4 đến 22/4), Việt Nam không có ca nhiễm mới.
Trong số 268 ca mắc COVID-19 tại 28 tỉnh, thành phố đã được ghi nhận, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).
Việt Nam đã chữa khỏi cho 216/268 người, chiếm 81% số người mắc COVID-19 và hiện chỉ còn 52 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế.
Trong ngày 22/4 dự kiến sẽ có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong số các ca nhiễm đang diều9 trị, đến sáng 22/4 đã có 12 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 8 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tổng số có 67.022 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 358 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.263 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 48.401 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong một lần thăm bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Nguồn: SKĐS)
Những việc cần làm khi học sinh bị sốt, ho khó thở tại trường học
Đã 6 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, trước những diễn biến theo xu hướng tốt của tình hình bệnh, một số địa phương trong cả nước đã cho học sinh đi học trở lại.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo những việc cần làm khi học sinh bị sốt, ho, khó thở tại trường học.
Theo đó, ngay sau khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần tiến hành các bước sau:
1. Đưa học sinh đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.
2. Y tế nhà trường phối hợp với cha mẹ khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh (trong vòng 14 ngày trước đó có đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc gần với những người đi về từ vùng dịch, người nghi ngờ, người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2).
3. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc y tế địa phương để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ.
4. Nếu không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở; phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần.
5. Nếu có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì phối hợp cơ quan y tế tại địa phương đưa học sinh đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị.
6. Trường hợp có học sinh biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nhà trường thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.