Nhiều người đi xuất khẩu lao động vi phạm, ảnh hưởng thể diện quốc gia

Thứ Hai, 20/04/2020 21:47

|

(CAO) Bên cạnh việc tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp, dự luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài phải bổ sung các điều kiện chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn.

Thảo luận về dự luật trên trong phiên họp chiều nay (20/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần đặc biệt quan tâm tới ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm với định hướng hạn chế lao động giản đơn, chuyển sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn.

“Thay vì sang Trung Đông là làm nghề xây dựng, đi Đài Loan làm giúp việc, nên có thêm nhiều kỹ sư dầu khí Việt sang Kuwait làm với mức lương 10.000 – 20.000 USD/tháng” – Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Xác nhận từng tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh các vấn đề tiêu cực về người lao động Việt Nam tại nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong cuộc gặp mới đây với Đại sứ Nhật Bản, bà đã nhận được phàn nàn việc người lao động Việt hết hạn hợp đồng trốn ở lại làm việc chui gây khó khăn cho cơ quan quản lý sở tại.

Nhiều trường hợp, theo Chủ tịch Quốc hội, gây ảnh hưởng thể diện của quốc gia, dân tộc.

Điều này cũng được Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đặt ra trước đó khi đề nghị Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội làm rõ quy định về tiêu chuẩn của người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến thảo luận

Theo ông Giàu, người Việt Nam ra nước ngoài lao động, ngoài mục đích tìm kiếm thu nhập còn vấn đề lớn liên quan đến thể diện của Việt Nam với thế giới.

“Hàng ngày có không ít những thông tin được phản ánh về việc người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, đánh bài, nhậu nhẹt, gây rối ở nước ngoài. Những thông tin thường xuyên được phản ánh đó rất buồn vì nó ảnh hưởng tới sĩ diện, thể diện quốc gia” – ông Giàu bức xúc.

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu đã cho thấy lượng lớn người Việt Nam ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.

“Như này, cơ quan đại diện ngoại giao sao làm nổi công việc bảo hộ công dân” - ông Giàu bức xúc và cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, không phải ra đi bằng mọi cách mà cần nâng dần tiêu chuẩn, người nào phải đạt trình độ nhất định mới được ra nước ngoài làm việc.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Về điểm này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải phân biệt việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo luật và loại đưa người lao động trái phép, đi du lịch, thăm thân rồi ở lại.

Từng là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Quốc hội hiểu rõ rằng điều quan trọng là cần nhìn nhận đưa lao động ra nước ngoài là tạo việc làm, giải quyết được thu nhập, nhiều người có cuộc sống khá hơn nhưng bên cạnh đó cũng có trường hợp thương tâm, “đem con bỏ chợ”.

Vì thế, bà yêu cầu luật phải cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Song song với đó là các điều kiện chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh luật phải khắc phục, xử lý được bất cập, hạn chế của luật hiện tại cũng như việc tổ chức thực hiện luật.

“Nhiều sai phạm cho thấy tổ chức thực hiện không tốt, lợi dụng rất nhiều, người lao động bị lừa gạt, lợi dụng, chèn ép. Người lao động ở nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập mà còn liên quan đến hình ảnh, danh dự đất nước” – ông Lưu khuyến cáo.

Cho rằng thời gian qua, hành vi lợi dụng chính sách này quá nhiều nhưng phát hiện và xử lý không kịp thời, không nghiêm, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nêu câu hỏi: “Vậy luật này có lỗ hổng gì không?”.

Cũng theo ông Việt, thành tựu đạt được thì lớn rồi, nhưng việc lợi dụng làm mất hình ảnh, làm khổ người dân không phải ít. Do đó, cần nghiên cứu thắt chặt, đồng bộ hơn, không đơn thuần về thủ tục mà làm thế nào tổ chức, cá nhân không lợi dụng được để làm ăn phi pháp.

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình dự luật, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung cho biết, kể từ khi có Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hiệu lực từ 1/7/2007), số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc.

Số người đi lao động đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật. Ông Dung thừa nhận có tình trạng công ty "ma", trá hình trong lĩnh vực này.

Về vấn đề lao động ở lại nước sở tại sau khi hết hợp đồng, theo ông Dung, không chỉ có phần trách nhiệm ở phía người lao động mà còn có cả trách nhiệm của công ty đối tác, họ tìm cách giữ người để sử dụng.

“Với việc thực hiện quyết liệt, riêng với thị trường Hàn Quốc, sau 3 năm thì tỷ lệ lao động ở lại sau khi hết hợp đồng từ 56% giảm xuống còn 24%, thuộc dạng thấp so với các nước” – ông Dung thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang