(CAO) Cuộc thanh tra tiến hành trong 35 ngày với thời kỳ thanh tra tính từ1/1/2020 đến ngày 31/5/2020.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam chiều 24/4 đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được Văn phòng Chính phủ truyền đạt lại tại Văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP -KTTH ngày 10/4/2020.
Thanh tra Chính phủ chính thức lập đoàn thanh tra hoạt động xuất khẩu gạo
Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Cuộc thanh tra do ông Lê Quang Tiệp, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Nhiệm vụ của đoàn là tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
Vụ trưởng Vụ I được giao giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc Đoàn Thanh tra, xử lý hoặc trình Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn Thanh tra. Cùng với đó, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra theo quy định.
Trước đó, ngày 20/4, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý theo quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp cùng ngày cũng yêu cầu Bộ Công Thuơng và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao về xuất khẩu gạo.
Cũng liên quan đến việc này, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong đó kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.
Theo kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế, cần làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng Luật Quản lý Ngoại thương chưa.