Bí mật trong căn nhà nhiều tầng
Ngày 05-10, Công an quận Tân Phú (TPHCM) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hồng Thạch (SN 1991, ngụ quận Bình Tân), Hoàng Anh Tuấn (SN 1995, ngụ quận Tân Phú) và Trần Văn Quân (SN 1999, ngụ quận Bình Tân) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong 3 bị can thì Nguyễn Hồng Thạch được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây mạo danh Ngân hàng TP Bank để lừa đảo người dân khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, bị can Hoàng Anh Tuấn và Trần Văn Quân được xác định là 2 trợ thủ giúp sức đắc lực cho ông trùm Nguyễn Hồng Thạch. Chỉ trong tháng 8 và 9-2022, số nạn nhân gia tăng lên tới hàng trăm người trên khắp cả nước.
Nguyễn Hồng Thạch được đưa tới kho hàng để khám xét
Để triệt xóa đường dây lừa đảo quy mô lớn này, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM cùng Công an các quận huyện, TP.Thủ Đức chủ động rà soát địa bàn nhằm lần theo dấu vết để "cất lưới" các đối tượng.
Quá trình này, Phòng PC02 và Phòng PA05 cùng Công an quận Tân Phú phát hiện tại căn nhà nhiều tầng số 48 Trần Quang Quá, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú có nhiều điểm nghi vấn. Tại đây, mỗi ngày có rất đông người lui tới, bên trong nhìn giống như 1 công ty của doanh nghiệp. Đến tầm 17 giờ, người ra vào đều được kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an xác định căn nhà trên do Trần Kiều Quốc Dũng (sinh năm 1998, ngụ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) thuê. Đi sâu vào trinh sát phát hiện Nguyễn Hoàng Thạch là người đứng ra lấy CCCD của Dũng để thuê căn nhà trên. Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng Thạch có 1 căn nhà riêng ở đường Hương Lộ 2, quận Bình Tân và thuê thêm một căn nhà 3 tầng ở con hẻm đường này.
Quá trình đeo bám, công an xác định căn nhà ở con hẻm mà Nguyễn Hoàng Thạch thuê dùng để chứa hàng hóa. Mỗi ngày, Nguyễn Hoàng Thạch đi cùng vài người về căn nhà trên bằng ôtô rồi đem bao tải chứa các gói hàng hóa vào bên trong. Sau đó, nhóm Nguyễn Hoàng Thạch vội khóa cửa lên xe rời đi.
Nguyễn Hồng Thạch cùng tang vật tại cơ quan công an
Đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an xác định đây là đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên âm thầm củng cố hồ sơ để triệt phá. Từng nhất cử nhất động của đường dây này được trinh sát đeo bám cả ngày lẩn đêm để báo cáo về Ban Giám đốc Công an TPHCM.
Khoảng 13 giờ 30 ngày 26-9 Công an quận Tân Phú phối hợp cùng Phòng PC02, Phòng PA05 Công an TPHCM ập vào kiểm tra tại nhà số 48 Trần Quang Quá, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Tại hiện trường, công an phát hiện tại đây có 82 đối tượng đang làm việc trên nhiều máy móc thiết bị liên lạc viễn thông. Qua khai thác nhanh, nhóm này khai nhận mạo danh nhân viên ngân hàng đề gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
9X cầm đầu "tập đoàn tội phạm khủng"
Tại hiện trường, công an thu giữ nhiều tang vật được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Điện thoại bàn, tai nghe, máy tính, máy in, giấy ghi chép thông tin bị hại (họ tên, số điện thoại, địa chỉ), danh sách bị hại đã nộp tiền...
Từ lời khai của các nhân viên này, Công an bắt giữ Nguyễn Hoàng Thạch cùng 3 đàn em thân cận là Hoàng Anh Tuấn (SN 1995, ngụ tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Minh Trung (SN 2002, ngụ tỉnh Tây Ninh) và Trần Văn Tuấn (SN 1999, ngụ tỉnh Thái Nguyên, tất cả cùng trú TPHCM). Trong tối 26 và ngày 27-9, Công an tiến hành khám xét nhiều địa điểm ở quận Tân Phú, Tân Bình.
Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Minh Trung và Trần Văn Tuấn
Tại cơ quan công an, Nguyễn Hoàng Thạch thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Thạch nhận thấy nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn sau đại dịch Covid-19 nên có nhu cầu vay tiền nên nảy sinh ý định lừa người vay tiền để chiếm đoạt.
Vì thế, Thạch cùng Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Minh Trung và Trần Văn Tuấn lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân ở TPHCM. Sau đó, Thạch mượn CCCD của Trần Kiều Quốc Dũng để thuê 2 căn nhà ở quận Tân Phú, quận Tân Bình làm trụ sở để nhân viên làm việc và kho chứa hàng hóa.
Nhóm đăng tin trên mạng để tìm kiếm nhân viên với mức lương 8 - 10 triệu đồng/tháng, chưa tính hoa hồng; mua lại danh sách nhiều cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ...). Tại căn nhà ở đường Trần Quang Quá, quận Tân Phú, Thạch cùng các thành viên chủ chốt thiết kế 3 tầng riêng biệt, mỗi tầng là mỗi bộ phận khác nhau và hết sức kín kẽ.
Thạch yêu cầu các nhân viên của mình không được tiết lộ thông tin công việc cho gia đình, bạn bè biết. Các nhân viên làm việc có bàn riêng, điện thoại, tai nghe, máy tính... Mỗi ngày, Thạch cùng thành viên chủ chốt cung cấp cho nhân viên danh sách người dân để gọi cho khách. Nhóm Thạch yêu cầu các nhân viên mạo danh là nhân viên của Ngân hàng TP Bank.
"Kịch bản" hoàn hảo
Hàng ngày, Thạch cung cấp cho các đối tượng trên danh sách nhiều cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) và kịch bản được soạn sẵn để liên lạc tư vấn. Sau đó, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Thạch, các đối tượng trên sử dụng điện thoại bàn gọi điện cho người có tên trong danh sách để tư vấn cho vay.
Nhân viên tư vấn cho khách vay tiền tại "trụ sở" của Thạch
Ngoài kịch bản lừa đảo, nhóm cũng soạn sẵn những câu trả lời mà người vay thường thắc mắc như: Vì sao người vay không trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục vay vốn; khách hàng sao phải đóng phí bảo hiểm khoản vay; các thủ tục thẩm định, nhận tiền như thế nào? Từ đó, nhóm Thạch luôn ứng phó linh hoạt, tạo niềm tin với khách cần vay tiền.
Theo đó, các đối tượng trên mạo danh nhân viên Ngân hàng TP Bank đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay các khoản từ 20 - 100 triệu đồng với lãi suất 0%, khách hàng chỉ phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1.700.000 đồng đến 3.895.000 đồng tùy số tiền vay. Nếu khách hàng đồng ý vay thì nhóm đối tượng này sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của Ngân hàng TP Bank.
Sau đó, nhóm của Thạch sẽ thuê dịch vụ chuyển phát nhanh tại bưu cục Minh Phụng (Địa chỉ: 277 Hậu Giang, phường 5, quận 6) để giao hợp đồng giả kèm theo một thẻ ngân hàng TP Bank giả cho khách, đồng thời nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay nói trên.
Khách hàng khi nhận được hồ sơ giả nói trên thì sẽ tin tưởng trả phí bảo hiểm tiền vay cho nhân viên bưu điện (bằng tiền mặt). Sau đó, Thạch sẽ liên hệ bưu điện lấy số tiền mặt này rồi chiếm đoạt. Số tiền phí bảo hiểm chính là số tiền khách hàng bị chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra xác định toàn bộ 82 đối tượng trên đều do Thạch thuê và trả công, trong đó có 70 đối tượng được phân công nhiệm vụ liên lạc tư vấn dẫn dụ khách và 12 đối tượng làm nhiệm vụ tổng hợp số liệu bị hại, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện. Các đối tượng được trả công từ 8 - 10 triệu đồng mỗi tháng, ngoài ra còn được thưởng theo doanh số từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng trên mỗi đơn.
Bước đầu, qua trích xuất dữ liệu điện tử thu giữ được tại tầng 3 nhà 48 Trần Quang Quá, xác định có rất nhiều bị hại trên địa bàn cả nước, riêng số lượng bị hại trên địa bàn TPHCM là khoảng 600 người với tổng số tiền bị chiếm đoạt ban đầu do đối tượng khai nhận hơn 1 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công an quận Tân Phú chia sẻ, nhiều nạn nhân cho rằng số tiền 1,7 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng là không lớn nên không đi trình báo. Thậm chí, các nạn nhân mang tâm lý cho rằng tiền bị lừa không quá nhiều, nên chấp nhận cho qua mà không phối hợp cung cấp thêm thông tin cho công an. Chính vì vậy, Công an quận Tân Phú đề nghị, ai là bị hại mời đến Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Tân Phú, địa chỉ: số 687 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, ĐT: 0283.3815.6266 trình báo để được giải quyết.
ĐỨC NAM - DUY NGỌC - VĂN HÙNG