Giá cát cao, cát tặc "đua nhau" tàn phá sông Đồng Nai

Thứ Bảy, 08/12/2018 15:41

|

(CAO) Ngày 7-12, ông Phùng Khắc Đồng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vừa ký ban hành các quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) của doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà, Công ty TNHH Thanh Hằng và hộ ông Nguyễn Tiến Dương.

Nguyên nhân do các tổ chức, cá nhân trên trong quá trình khai thác các vẫn tiếp tục để xảy ra sạt lở và vi phạm phương tiện khai thác, không tuân thủ đúng theo các nội dung đã cam kết trước đó. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân này đã không tuân thủ Thông báo số 50/TB-UBND ngày 13-2-2018 giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đồng Nai về quy định khai thác khoáng sản cát trên sông Đồng Nai.

Một đoạn con sông Đồng Nai ở địa phận tỉnh Lâm Đồng trong xanh, đẹp như tranh
Trong khi một đoạn sông khác bị cát tặc, đá tặc tàn phá khủng khiếp như thế này

Được biết, trong năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước về tình trạng khai thác cát, làm sạt lở nhiều diện tích đất dọc bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh 3 tỉnh.

Tại tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, một số hộ dân gửi đơn đến UBND tỉnh Lâm Đồng, Báo Công an TP.HCM, phản ánh tình trạng các doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát trên sông Đồng Nai đã gây sạt lở bờ sông.

Một số hộ dân trú huyện Đạ Tẻh đã bỏ công theo dõi, thu thập hình ảnh, bằng chứng gửi đến các cơ quan báo chí phản ánh mức độ rất nghiêm trọng việc các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng giấy phép khai thác cát có các hành vi tác động xấu đến môi trường sinh thái khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên và Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Cát Tiên (thường gọi là Thánh địa Cát Tiên) khiến nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng, “ăn” vào trong khu vực của di tích; khai thác cát vượt sản lượng cấp phép hàng chục lần, sử dụng xuồng khai thác công suất quá lớn...

Nhiều tàu hút cát đã hút được các hiện vật khảo cổ như Linga, Yoni, tượng nhỏ… từ Thánh địa Cát Tiên và mua bán lén lút, trái pháp luật trên thị trường “chợ đen”. Tình trạng sạt lở kéo dài dọc bờ sông từ địa bàn huyện Cát Tiên cho tới huyện Đạ Tẻh. VQG Cát Tiên, khu vực thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai phía đối diện với huyện Cát Tiên (thuộc tỉnh Lâm Đồng) cũng đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát gây ra.

Giá cát tại Cát Tiên hiện 350.000 đồng/1m3, tại các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, lên tới 750 ngàn đồng/1m3. Hám lợi nhuận, những kẻ lợi dụng giấy phép khai thác cát tại khu vực 3 tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai – Bình Phước đã và đang hoành hành dữ dội, mỗi ngày có hàng chục tàu hút cát cỡ lớn hoạt động hết công suất, thêm hàng chục chiếc xe tải chở cát liên tục ngược xuôi.

Ngày 29-11-2018, Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trong đó có các hình thức chế tài, kỷ luật người đứng đầu từ khiển trách đến cách chức nếu để “cát tặc” lộng hành.

Một số hình ảnh khai thác cát trên sông Đồng Nai:

Tàu hút cát không đăng kiểm luôn hoạt động hết công suất
Bơm, hút cát cho dòng sông cạn kiệt
Xe múc, xe gạt tham gia vào quy trình làm cạn kiệt nguồn tài nguyên 
Để lại cảnh môi trường thiên nhiên bị tàn phá, ảnh hưởng ghê gớm 

Bình luận (0)

Lên đầu trang