Viết tiếp vụ "Nguyên giám đốc VCB Tây Đô để lại hơn 2.700 tỷ đồng nợ xấu như thế nào?":

Nhiều 'đại gia' vướng nghi án lo lắng

Chủ Nhật, 19/07/2015 11:35  | Thiện Thảo

|

(CATP) Dư luận đề nghị cơ quan chức năng xem xét hành vi của một số giám đốc (GĐ) các công ty có dấu hiệu trục lợi từ hợp đồng tín dụng (HĐTD) với Ngân hàng (NH) thương mại cổ phần Ngoại thương chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô).

Những hợp đồng tín dụng mờ ám

Như chúng tôi đã thông tin, sau khi ông Nguyễn Minh Chuyển - nguyên Giám đốc và Trần Anh Huy - nguyên Trưởng phòng tín dụng VCB Tây Đô - bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an bắt giam do “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, hàng loạt HĐTD sai nguyên tắc đã bị phát hiện.

Ngoài việc để cho em trai là Nguyễn Hùng Cường trực tiếp quan hệ vay vốn, ông Chuyển khá thoải mái với một số “đại gia” hiện để lại “quả bom” nợ khổng lồ.

Ngoài trường hợp ông Võ Vũ Bình - chủ khách sạn Vũ Bình, đại diện nhóm khách hàng của VCB Tây Đô - vay vốn cho 3 công ty để lại khoản nợ khó đòi hơn 70 tỷ thì hàng loạt “đại gia” khác được ông Chuyển giải ngân HĐTD khá thoải mái. Khi GĐ VCB Tây Đô xộ khám, nhiều “đại gia” TP.Cần Thơ lo âu.

VCB Tây Đô đang gánh một món nợ xấu khổng lồ

Trong đó, ông Vưu Minh Tuấn thuộc nhóm khách hàng của NH này đại diện cho các công ty như: TNHH cơ khí Tây Đô, TNHH cơ khí Kiềm Hiếu, TNHH một thành viên (MTV) sản xuất - dịch vụ - thương mại Cái Khế, TNHH Sofa Tây Đô, TNHH MTV An Thới, TNHH sản xuất thương mại - dịch vụ Đồng Việt Thành, Công ty cổ phần Quang Thọ được ưu ái giải NH trăm tỷ đồng rồi không thanh toán nợ.

Riêng phía Sofa Tây Đô đăng ký kinh doanh mua phế liệu để sản xuất thép nhưng phần lớn HĐTD tại VCB Tây Đô giải ngân cho các khoản thanh toán mua thép. Biên bản kiểm tra công ty này cho thấy sau khi vay vốn không đánh giá tiến độ thực hiện dự án (DA), chủ yếu làm qua loa, mang tính đối phó; có thời điểm công ty không xây nhà xưởng, chẳng kinh doanh sofa nhưng biên bản vẫn ghi khống. Công ty TNHH cơ khí Kiềm Hiếu thành lập tháng 12-2012 và chỉ một tháng sau, VCB Tây Đô cấp hạn mức tín dụng vay 60 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV An Thới sau 6 tháng thành lập được vay 60 tỷ (!).

Theo kết luận kiểm toán nội bộ, các công ty trên báo cáo thẩm định không đầy đủ, phương án kinh doanh không hợp lý nhưng vẫn được VCB Tây Đô giải ngân và tăng hạn mức vay. Tương tự, các ông Nguyễn Thanh Hùng, Lê Tùng Huy, Trịnh Minh Tú, mỗi người đại diện từ 5 - 9 công ty lập thủ tục vay vốn tại VCB Tây Đô, để lại món nợ khủng. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đại gia Vưu Minh Tuấn đại diện 7 công ty trong nhóm khách hàng của VCB Tây Đô không có mặt tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, một luật sư cho biết, các doanh nghiệp, công ty liên quan vay vốn tại VCB Tây Đô được ông Chuyển giải ngân sai về hồ sơ thủ tục, không khả năng thanh toán nợ có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. “Hồ sơ được làm khống, DA kinh doanh không hiệu quả nhưng để được vay vốn, GĐ công ty lợi dụng mối quan hệ với ông Chuyển để hợp thức hóa hồ sơ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật” - vị này khẳng định.

"Bảo kê" cho con nợ

Sở dĩ VCB Tây Đô gánh món nợ xấu khủng trên là do ông Chuyển “bảo kê” con nợ đến cùng. Khi ký duyệt hồ sơ vay vốn không đúng nguyên tắc, vị GĐ này cố tình vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Công ty không hoạt động, sử dụng tiền vay không đúng mục đích, ông Chuyển tiếp tục giải ngân dù mù tịt thông tin về khách hàng.

Ngày 21-8-2013, Công ty CP Quang Thọ được VCB Tây Đô giải ngân mua máy móc thiết bị phục vụ kinh doanh với số tiền 17 tỷ đồng. NH không kiểm tra hoạt động sử dụng vốn sau khi vay và khả năng thanh toán nợ của công ty nhưng tiếp tục cho vay 2 lần tương đương 14 tỷ đồng. Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - xây dựng công trình 79 được VCB Tây Đô cấp tín dụng thực hiện công trình nhưng chưa có thông tin về DA.

Công ty cổ phần công nghiệp Đại Long cho vay để thực hiện công trình nhà tiền chế, đóng mới sửa chữa sà lan nhưng nêu số liệu chung chung các hợp đồng dự kiến thực hiện.

Ngoài ra, ông Chuyển còn du di cho nhóm khách hàng cá nhân vay nuôi cá, kinh doanh nhưng không có phương án sử dụng vốn, khả năng thu hồi nợ. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ. Điều dư luận quan tâm, cơ quan chức năng cần xem xét hành vi của các công ty có liên quan, xử lý đúng pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang