Vàng ký vượt biên
So với các tỉnh biên giới, tỉnh An Giang hơn 100km tiếp giáp với Campuchia nên tuyến biên giới thường được xác định là "điểm nóng" vận chuyển hàng lậu, trong đó có mặt hàng vàng. Từ ngày Mười Tường và đàn em bị bắt giữ, các đối tượng chuyển sang buôn vàng nhỏ lẻ.
Mới đây, Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM đã có kết quả giám định và kết luận toàn bộ gần 3kg kim loại nhập lậu bị bắt giữ tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (An Giang) là vàng. Trong kết quả giám định, Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM nêu rõ thành phần vàng trong số nữ trang, vàng miếng được trưng cầu giám định. Trong đó, trên 100 sản phẩm là vàng miếng, dây chuyền, lắc tay, nhẫn có hàm lượng vàng trung bình trên 99%. Số còn lại màu nâu được xác định là vàng, có hàm lượng vàng trung bình từ 55 đến trên 60%.
Trước đó, ngày 9-9, Tổ công tác Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (Cục Hải quan An Giang) kiểm tra, giám sát tại cổng nhập số 2, phát hiện xe tải BS: 67L-9350 đi từ hướng cổng nhập số 1 (hướng từ Campuchia về Việt Nam) có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra.
Qua khám xét, Tổ công tác phát hiện trong cabin giấu 3 bọc nylon màu đen, bên trong chứa 2 miếng kim loại màu vàng và nhiều sợi dây chuyền, vòng lắc tay, nhẫn, có trọng lượng khoảng 2.882 gram. Ngoài ra, trên người tài xế Lê Phong Trường (SN 2002, trú ấp Đay Khom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) còn có 33,6 triệu đồng và 400.000 Riel (tiền Campuchia) giấu trong túi quần. Toàn bộ số vàng, ngoại tệ trên không được đối tượng khai báo Hải quan theo quy định.
Huỳnh Thị Kim Nguyên cùng 5kg vàng
Cũng tại Cửa khẩu Tịnh Biên, hồi tháng 5-2021, lực lượng Biên phòng phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên phát hiện bà Huỳnh Thị Nguyên (SN 1983) dùng xe máy cất giấu 5 miếng vàng 9999 và 1.040.000 Riel (tiền Campuchia). Huỳnh Thị Nguyên khai số vàng và ngoại tệ nêu trên được một người Campuchia thuê vận chuyển về Việt Nam đưa lại cho bà Sáu Hưởng tại tiệm vàng Sáu Hưởng (khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang).
Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương cùng Tổ công tác kiểm soát cửa khẩu đường bộ thuộc Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương vừa phối hợp với đơn vị kiểm soát tại khu vực cửa khẩu đường bộ, phát hiện Nguyễn Văn Nghiệp (SN 1982, thường trú ấp 5, xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu, An Giang) điều khiển xe máy không biển kiểm soát, chở 2 giỏ xách chứa hàng hóa có dấu hiệu khả nghi nên yêu cầu dừng phương tiện.
Qua kiểm tra, phát hiện trong 2 giỏ xách có khoảng 2,2kg kim loại màu vàng, loại trang sức nữ trang (nghi là vàng), ước trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng. Làm việc với tổ công tác, Nghiệp khai vận chuyển thuê số vàng trên cho Phạm Hải Đường (SN 1978, thường trú xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu). Theo yêu cầu của Đường, Nghiệp chở số hàng này đến khu vực biên giới giao cho một người phụ nữ tại Campuchia. Tuy nhiên, việc giao nhận chưa diễn ra thì đối tượng bị bắt giữ.
Nguyễn Văn Nghiệp mang 2 giỏ xách chứa 2,2kg vàng
Làm gì để giảm buôn lậu?
Theo cơ quan chức năng, tình trạng buôn lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Hiện nay, giá vàng trong nước cao hơn thế giới có thời gian hơn 9 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng và gần 3 triệu đồng/lượng vàng trang sức. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp thời gian qua không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua hàng trôi nổi trên thị trường hoặc mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang. Nhưng mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này.
Tài xế Lê Phong Trường tại cơ quan chức năng
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam nhận định, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện lớn hơn rất nhiều và ngày càng nới rộng. Trong khi đó, việc nhập lậu vàng được thực hiện khá dễ dàng vì kích thước nhỏ gọn, trị giá cao. 1kg vàng chỉ tương đương với 1 chiếc điện thoại di động, nên các đối tượng rất dễ cất giấu. Chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu vàng cũng ở mức rất nhẹ so với khoản tiền lời có thể kiếm được nếu vận chuyển trót lọt. Thực tế, số vàng lậu bị bắt giữ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong "tảng băng chìm" của hoạt động buôn lậu vàng thời gian qua.
Mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực triệt phá một số đường dây, song đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi nguyên nhân của tình trạng này chính là việc giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Thực tế, thị trường vàng trong nước đã "đóng cửa" suốt gần chục năm nay, không có sự liên thông với thế giới, dẫn tới mất cân đối trong cung - cầu. Kể từ khi Nghị định 24 được ban hành, không có DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không nhập khẩu vàng để Công ty SJC gia công vàng miếng SJC.
Gần 3kg kim loại nghi là vàng giấu dưới xe
5 miếng vàng và ngoại tệ của Nguyên bị thu giữ
Số nữ trang bị cơ quan chức năng thu giữ
Trong khi đó, cả 3 nước lân cận với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Lào và Campuchia việc mua bán vàng rất dễ dàng, thuận tiện. Mỗi năm Campuchia nhập khẩu 40-50 tấn vàng, trong khi dân số chỉ khoảng 15 triệu người. Nguồn cung dồi dào, giá lại rẻ nên các đối tượng sẽ tìm mọi cách để vận chuyển vàng về Việt Nam bán kiếm lời. Chuyên gia nhận định, sở dĩ có sự chênh lệch giá chủ yếu do chi phí vàng ở trong nước cao, các chi phí này bao gồm công chế tác, thuế nhập khẩu và các loại chi phí giao dịch, kinh doanh... Một phần, do có sự chênh lệch như vậy nên các nhà đầu tư tại Việt Nam không coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng.
Bên cạnh đó, hiện vàng là loại tài sản đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ và ổn định giá. Chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được phép xuất nhập khẩu vàng nên nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp. Tuy nhiên, với tâm lý tích trữ, trong thời điểm nhiều rủi ro biến động như hiện nay, vàng vẫn được nhiều người Việt Nam dùng làm tài sản cất giữ, điều này đẩy cầu tăng cao dẫn đến nguồn cung không chính thức ngày càng phát triển. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD...
Không ít chuyên gia kiến nghị NHNN nên cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang, qua đó thu hẹp mức chênh lệch với giá thế giới. Khi mức chênh lệch giá bị thu hẹp, tự khắc tình hình buôn lậu sẽ hạ nhiệt. Thêm vào đó, việc cho phép nhập khẩu vàng còn mở ra cơ hội cho các DN sản xuất vàng nữ trang để xuất khẩu. Bởi trình độ tay nghề thợ kim hoàn Việt Nam được đánh giá rất cao so với các nước khác. Tuy nhiên, lâu nay Việt Nam đã bỏ mặc thị trường này cho các nước khác khai thác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan..., thậm chí nhiều nước còn thu hút thợ kim hoàn của Việt Nam sang làm việc và xuất khẩu mỗi năm hàng chục triệu USD mặt hàng nữ trang...
Thời gian qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng kiến nghị NHNN xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Đồng thời, hiệp hội đề nghị thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ...