Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị tìm "lối ra" cho phục hồi sản xuất

Thứ Năm, 07/10/2021 09:59  | Đăng Khoa

|

(CATP) Ngày 6-10, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh Tiền Giang vừa đồng loạt ký tên gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh về kế hoạch phục hồi sản xuất theo từng giai đoạn trong tình hình mới.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã hạ mức độ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống 15 trên phạm vi toàn tỉnh, số lượng công nhân tại các DN đã tiêm vaccine mũi 1 đạt từ 25 - 50%. các DN khẳng định phương án sản xuất "3 tại chỗ" được Tiền Giang lấy làm trọng tâm đã được chứng minh không phù hợp, nhất là DN có đông công nhân lao động.

Cộng đồng DN đề xuất từ ngày 11-10 áp dụng phương án "1 cung đường 2 điểm đến cộng vaccine". Cụ thể, về phương án thực hiện, đối với người lao động trú bên ngoài địa bàn nơi doanh nghiệp đặt nhà máy, thì hàng ngày lao động đi làm bằng ôtô đưa rước công nhân, cố định điểm đón, trả công nhân và tuyến đường di chuyển (cam kết đúng lộ trình, không dừng đỗ dọc đường, trừ trường hợp bất khả kháng). Đối với người lao động trú cùng địa bàn nơi doanh nghiệp đặt nhà máy, thì hàng ngày đi làm bằng phương tiện cá nhân, cố định tuyến đường di chuyển và cam kết đúng lộ trình, không dừng đỗ dọc đường.

Bên cạnh đó, địa phương cần ưu tiên cho lao động cư trú ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa trở lại làm việc trước, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao như phụ nữ có thai, bệnh nền, đang sống chung với F0...

Về tổ chức xét nghiệm, cộng đồng DN đề xuất sẽ tự xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm xét nghiệm định kỳ (3 ngày/lần đối với test nhanh hoặc 7 ngày/lần đối với test RT-PCR) đối với lao động thường xuyên tiếp xúc bên ngoài. Đối với người lao động còn lại, luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, nhưng mỗi lần ít nhất 20% lao động và đảm bảo xét nghiệm toàn bộ cho chuyền, xưởng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch như: thực hiện 5K, người lao động phải đeo khẩu trang; giãn cách công nhân đến và rời doanh nghiệp; đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn... Trước đó, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã buộc phải ngưng sản xuất từ ngày 15-7-2021 bởi không thực hiện mô hình "3 tại chỗ". Các DN cho rằng việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" tốn chi phí gây gánh nặng tài chính cho DN.

Theo báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ, việc thực hiện phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" thời gian qua dẫn đến số DN sản xuất công nghiệp đã tạm dừng khoảng 95,32%.

"Tình hình buôn bán của hầu hết các DN và hộ cá thể gặp rất nhiều khó khăn, đa phần đều đóng cửa tạm ngưng hoạt động. Doanh thu các ngành kinh doanh đều giảm mạnh, chủ yếu ở các nhóm sản phẩm không thiết yếu. Hầu hết DN rất khó khăn trong việc trả vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó tiếp cận khoản vay mới", lãnh đạo sở này xác nhận.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khi địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tỉnh đã nới lỏng các phương án sản xuất đối với DN. Tỉnh không bắt buộc các DN tiếp tục thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhưng DN phải có phương án thay thế. Tỉnh khuyến khích DN thực hiện tốt phương án "1 cùng đường 2 điểm đến".

Chi phí test nhanh Covid-19 cho công nhân là rất lớn

Qua tiếp xúc với các DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ cho rằng, các DN gặp nhiều khó khăn trong công tác lưu chuyển hàng hóa, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, chậm tiến độ giao nhận hàng dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng, hợp đồng, thị trường xuất khẩu; Chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, chưa kể một số doanh nghiệp phải trả tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh Covid-19. Khi đó, nhiều địa phương chưa nới lỏng những quy định giúp DN nghiệp giảm bớt chi phí trong sản xuất.

VCCI Cần Thơ đề nghị lãnh đạo TP.Cần Thơ quan tâm, tăng cường nguồn vaccine nhiều hơn nữa cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, có chính sách hoặc quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine được xem là "giấy thông hành" để người lao động được đi lại làm việc từ nhà tới công ty, tài xế di chuyển giữa các quận, huyện để thu mua nông sản, khơi thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, TP.Cần Thơ có chính sách hỗ trợ, tăng khoản cho vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân khi tới vụ thu hoạch. Ngoài ra, cần xem xét cho người lao động đã tiêm 2 mũi vaccine, cam kết "1 cung đường, 2 điểm đến", sống ở "vùng xanh" được đi đến công ty làm việc, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý lao động. Đồng thời, đề nghị TP.Cần Thơ có giải pháp thay thế giải pháp "3 tại chỗ", có lộ trình nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang