Tòa đã tuyên án phạt 4 bị cáo là cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) 5 năm tù, Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc) 3 năm 6 tháng tù, Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán) 3 năm tù treo, Lý Thị Ngọc Thủy (Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán) 2 năm tù treo.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Phạm Đức Tuấn (cổ đông sáng lập, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS - Công ty BMS) bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù treo, Ngô Thị Thu Huyền (nguyên Phó Giám đốc Công ty BMS) 2 năm 6 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng (nguyên thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) 2 năm tù và Phan Minh Dung (nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS) 20 tháng tù.
Quang cảnh phiên xét xử. (Ảnh: TTXVN)
Theo bản án sơ thẩm, sau khi thống nhất với bị cáo Phạm Đức Tuấn về hình thức liên doanh, liên kết, giá thành Robot Rosa đưa vào liên doanh, liên kết là 39 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đã phân công, chỉ đạo Nguyễn Ngọc Hiền và các cán bộ cấp dưới làm việc với Công ty BMS, đề xuất thủ tục liên quan, trình bản đề án và hợp đồng liên doanh, liên kết ấn định giả robot Rosa đưa vào liên doanh liên kết là 39 tỷ đồng để Quốc Anh ký, triển khai thực hiện; không tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của Thông tư 15/2007/TT - BYT của Bộ Y tế và Quy định số 288/BM ngày 8/3/2012 của Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi đề nghị Phạm Đức Tuấn giới thiệu đơn vị thẩm định giá tài sản, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đã phân công Nguyễn Ngọc Hiền ký các thủ tục liên quan để cấp chứng thư thẩm định giá nhằm hợp thức giá thiết bị.
Tháng 1/2017, Nguyễn Quốc Anh ký các bản Đề án xã hội hóa trang bị hệ thống Robot Rosa xác định Công ty BMS là đơn vị đặt máy, giá trị đầu tư Robot Rosa 39 tỷ đồng, giá dịch vụ sử dụng Robot Rosa đề nghị là 36 triệu đồng/ca, trong đó Công ty BMS nhận chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng và chi phí trả lãi vay hơn 4 triệu đồng.
Tuy nhiên thời điểm này, hệ thống Robot Rosa chưa được nhập về Việt Nam, chưa có hồ sơ mua bán hoặc chứng thư thẩm định giá làm căn cứ đưa giá máy vào đề án.
Khi ký hợp đồng liên doanh, liên kết với Công ty BMS không có hồ sơ nhập khẩu, mua bán robot, tờ khai nhập khẩu làm căn cứ xác định nguyên giá thiết bị nhưng vẫn ký hợp đồng và phê duyệt cơ cấu giá dịch vụ 36 triệu đồng/ca là không đúng với quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về khấu hao tài sản.
Đến năm 2018-2019, khi có đoàn thanh tra, kiểm toán, Trịnh Thị Thuận mới rà soát thủ tục của đề án để trình Quốc Anh ký, hợp thức hóa thủ tục.
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh nhận thức rõ mặc dù không đầy đủ quy trình, thủ tục theo đúng quy định nhưng vẫn đồng ý cho triển khai đề án lắp đặt Robot Rosa, ký hợp đồng liên doanh, liên kết với Công ty BMS với mục đích là để Bệnh viện Bạch Mai thu hút được nhiều bệnh nhân hơn, tạo thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên từ phần lợi nhuận bệnh viện được hưởng, trong đó có cá nhân bị cáo, đồng thời đưa kỹ thuật tiên tiến vào chữa bệnh tạo điều kiện cho người bệnh được chữa trị kịp thời, ít di chứng và nhanh hồi phục.
Ngoài ra, quá trình thực hiện đề án, bị cáo Quốc Anh còn hưởng lợi cá nhân số tiền 100 triệu đồng và 10.000USD do bị cáo Tuấn đưa cho.
Hành vi của các bị cáo đã tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS tham gia liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai triển khai lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỷ đồng không đúng thực tế.
Từ sai phạm trên dẫn đến hậu quả, từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng Robot Rosa (liên kết với Công ty BMS) thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan 551 ca bệnh cho Công ty BMS.
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca, gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đóng vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết.
Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện.
Hội đồng xét xử xác định, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước, quyền và lợi ích của bệnh nhân.
Các bị cáo có quá trình phấn đấu, có hiểu biết, có trình độ… nhưng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, vi phạm quy định pháp luật, làm tăng chi phí khám chữa bệnh, ảnh hưởng hưởng uy tín của Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, xét các bị cáo phạm tội trong điều kiện pháp luật quy định chưa chặt chẽ, chưa cụ thể, cách hiểu và vận dụng còn khác nhau, không có quy định cụ thể về trách nhiệm của bệnh viện và các cá nhân trong việc liên doanh, liên kết…
Xét các bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, có thái độ ăn năn hối cải, chủ động khai báo, khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong quá trình công tác… nên Hội đồng xét xử đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Hội đồng xét xử nhận định Công ty BMS nhận tiền thanh toán của các bệnh nhân, nhưng trên thực tế bị cáo Tuấn là người có hành vi trực tiếp gây ra hậu quả này và bị cáo Tuấn cũng đã trực tiếp bồi thường cho 555 bệnh nhân, do vậy trong vụ án này, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các bệnh nhân. Tòa xác nhận đã bồi thường xong cho 604 bị hại, trong đó bị cáo Tuấn bồi thường 555 trường hợp, Bệnh viện Bạch Mai bồi thường 49 trường hợp.
Đối với 2 Robot Rosa và Robot Mako, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, đại diện Công ty BMS và bị cáo Tuấn đều giữ nguyên ý kiến tặng lại cho Bệnh viện Bạch Mai để đưa vào chữa trị cho các bệnh nhân. Do vậy, Hội đồng xét xử ghi nhận và yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai làm các thủ tục cần thiết theo quy định để đưa robot vào phục vụ việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Ngoài án phạt tù, tòa còn áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Tuấn với mức 100 triệu đồng.
Các bị cáo còn lại không áp dụng hình phạt bổ sung. Số tiền các bị cáo nhận từ bị cáo Tuấn, tòa xác định là khoản tiền hưởng lợi bất chính, nên quyết định sung công quỹ Nhà nước.