An Giang: Nhiều tiểu thương lo lắng việc đưa hàng hoá vào bãi tư nhân kiểm tra

Thứ Năm, 25/08/2022 17:05  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) có 6 doanh nghiệp và hàng trăm tiểu thương thu mua hàng ngàn tấn nông, thuỷ sản mỗi ngày để xuất sang Campuchia. Việc kiểm tra tập trung đã vấp phải sự phản ứng.

Bãi tập kết thuỷ sản của một doanh nghiệp không còn phương tiện hoạt động

Nhiều kho bãi của doanh nghiệp vắng tiểu thương

Các doanh nghiệp (DN) đã hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ sản tại Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Khánh Bình (TT.Long Bình, huyện An Phú) từ năm 2019 đến nay. Ngày 7-7-2022, Tổng cục Hải quan có công văn số 2777 gửi Cục Hải quan tỉnh An Giang về việc công tác quản lý, giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh An Giang.

Để triển khai công văn này, ngày 4-8, Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình tổ chức cuộc họp với đại diện các DN: Dương Lan, Hải Thịnh Phát, Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ, Trương Minh Hải, Đào Tài Lộc cùng UBND, Công an huyện An Phú, Đồn Biên phòng cửa khẩu Khánh Bình, Ban Quản lý khu kinh tế (QLKKT) Khánh Bình.

Tại cuộc họp, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban QLKKTCK Khánh Bình đã nêu 3 địa điểm để các doanh nghiệp, tiểu thương lựa chọn kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá, xuất nhập khẩu qua biên giới. Trong đó 1 địa điểm do Nhà nước quản lý (không thu phí) và 2 địa điểm do tư nhân quản lý (có thu phí).

Cũng tại cuộc họp này, DN có nêu lên những khó khăn, vướng mắc và xin gia hạn để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Chủ trì cuộc họp đề nghị các DN làm văn bản kiến nghị để được xem xét.

Sau cuộc họp, một số DN có đơn gửi đến Cục Hải quan An Giang, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban QLKKT An Giang để trình bày những khó khăn và xin gia hạn thêm 3 tháng để hoàn thành thủ tục theo quy định.

Ngày 12-8, các DN nhận được điện thoại của lãnh đạo Chi cục HQCK Khánh Bình yêu cầu từ ngày 15-8 phải thực hiện việc đưa tất cả hàng hoá vào điểm kiểm tra tập trung của 2 DN tư nhân. 

Theo các DN, việc thực hiện khẩn cấp như vậy khiến họ trở tay không kịp, đứng trước nguy cơ đóng cửa và hàng trăm công nhân có thể thất nghiệp. Do vậy, nhiều DN, tiểu thương đã không đồng ý yêu cầu trên, nên việc kiểm tra dời lại ngày 24-8.

Một số tiểu thương không vào bãi tập kết của 2 DN tư nhân, chấp nhận thiệt hại.

Theo ghi nhận, sau 3 ngày áp dụng việc kiểm tra hàng hoá tập trung thì một số kho bãi của các DN đã vắng tiểu thương, thậm chí tạm ngưng hoạt động. Riêng nhiều phương tiện không vào bãi của 2 DN mới được công nhận, một số tiểu thương chấp nhận hư hại để tập kết hàng hoá tại khu vực do Nhà nước đầu tư khi chưa hoàn thiện.

Chiều 24-8, một số phương tiện chở cá bị chặn tại cửa khẩu (cách cầu Long Bình không xa) vì không đồng ý vào bãi của 2 DN tư nhân để kiểm tra; đã gây nên tình trạng ùn ứ, tập trung đông người. Trước tình hình trên, lực lượng Công an, biên phòng được huy động để đảm bảo an ninh trật tự.

Để giải quyết tình trạng trên, lãnh đạo Cục Hải quan đã đến trực tiếp hiện trường để xử lý. Đến tối, các phương tiện đã di chuyển đến khu vực do Nhà nước đầu tư để kiểm tra trước khi được thông quan.

Tối 25 và sáng 26-8, ba phương tiện chở cá không được thông quan vì không hiện theo yêu cầu dẫn đến hàng tấn cá bị chết.

Doanh nghiệp, tiểu thương nói gì?

Đại diện cho DN Ngân Ý An Phú, ông Nguyễn Văn Đượm - cho rằng: “Chúng tôi đầu tư vào đây theo kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh. Cùng là DN đầu tư vào KKTCK nhưng chỗ kia chỉ đầu tư bến bãi mà được quyền kinh doanh, tập kết, còn ở đây chúng tôi đầu tư bài bản nhưng không được mua bán trao đổi.

Mỗi ngày có hàng ngàn tấn nông sản đem về từ các tỉnh khác và thu gom trong dân, thay vì được tập kết trong bãi của doanh nghiệp chúng tôi, giờ phải chở xe qua bãi kia gây rất nhiều khó khăn cho DN. Nhiều năm qua, chúng tôi gây dựng được nhiều khách hàng, giờ chuyển qua địa điểm mới vô cùng khó khăn, họ sẽ chấm dứt làm ăn, DN chúng tôi chắc đóng cửa".

Cũng theo ông Đượm, mỗi xe ba gác vận chuyển vào bãi tập kết tập trung của 2 DN tư nhân đóng phí 10 ngàn đồng. Mỗi ngày có hàng ngàn chuyến xe ra vào thì số tiền phải nộp là rất lớn. Trong khi đó kho bãi của nhiều DN đang hoạt động từ trước đến nay sẵn có, giờ phải bỏ không.

 

Tiểu thương Nguyễn Thị Hậu.

Mới 3 ngày chính thức áp dụng việc tập kết hàng hoá tập trung nhưng xảy ra nhiều xáo trộn, chị Nguyễn Thị Hậu làm nghề mua bán rau củ quả tại Khu KTCK Khánh Bình - cho biết: “Hiện mỗi ngày cơ sở thu mua 20 tấn rau củ quả, sau khi phân loại, cắt gọn thì bán cho 28 xe Campuchia và 30 xe của Việt Nam. Giờ mỗi phương tiện qua bãi tập kết của Dương Lan và Hải Thịnh Phát phải tốn chi phí từ 10 – 50 ngàn đồng. Bất cập dễ nhận thấy là DN có bãi tập kết, các tiểu thương có ki-ốt phân loại hàng hóa nhưng không được hoạt động”.

Một số DN còn cho rằng: So sánh với cửa khẩu tại Tịnh Biên ở cùng tỉnh, riêng hàng hóa luồng đỏ thì kiểm tra tập trung, còn luồng xanh giải phóng tại cửa khẩu.

Trong ngày 23, 25 và 26-8, đại diện nhiều sở ngành đã có buổi làm việc với Cục Hải quan và Chi cục HQCK Khánh Bình liên quan đến những kiến nghị của DN, phản ánh của báo chí nhằm tìm ra hướng tháo gỡ những vấn đề DN kiến nghị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang