Điều này gây thiệt hại cho nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây nhiễu loạn cho xã hội. Vậy, vì sao lại có nhiều đối tượng lại lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn khống đến vậy?
Liên tiếp phá công ty “ma” mua hóa đơn khống “khủng”
Chiều 9-12, thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế CATP. Đà Nẵng cho biết, liên quan đến đường dây lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn do Nguyễn Phước Toàn (SN 1983, quê Cần Thơ, hiện trú Q. Tân Phú, TP.HCM) cầm đầu, đơn vị vừa tiếp tục bắt hai đối tượng liên quan để điều tra hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước” là Nguyễn Thị Phượng (SN 1960, trú đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) và Trần Thị Thu (SN 1990, tạm trú đường Tôn Đản, Đà Nẵng).
Điều tra cho thấy, tháng 9-2014, Toàn ra Đà Nẵng thành lập Công ty Tâm Khang Nguyễn (trụ sở tại 559 - Ngô Quyền, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Với ý đồ làm ăn xấu, khi được cấp giấy phép kinh doanh, Toàn kết nối với một số “đối tác” thực hiện mua bán hóa đơn khống để trục lợi.
Đối tượng Toàn
Hệ thống chân rết của Toàn có mặt nhiều tỉnh thành trong cả nước, ngày càng hoạt động “hiệu quả”. Từ đó, Toàn lập thêm Công ty Nguyên Gia Bảo (tại 56 - Kỳ Đồng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng thực hiện các “phi vụ” mua bán hóa đơn. Theo Cơ quan Điều tra (CQĐT), hai công ty của Toàn đã thực hiện in ấn, mua bán tổng cộng hơn 1.500 hóa đơn khống với giá trị trên 100 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Theo thượng tá Sơn, CQĐT xác định Toàn cùng các đối tượng có 3 CMND của người khác. Sau đó, hợp thức hóa bằng việc làm hồ sơ người có tên trong CMND ủy quyền cho người khác đi làm thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh. Toàn “quái” đến mức, mọi chữ ký ủy quyền đều là chữ ký giả. Khi công an “sờ gáy”, đến xác minh theo CMND thì không thu được thông tin.
Điều đáng nói, thời gian gần đây, CATP. Đà Nẵng lật tẩy nhiều vụ mua bán hóa đơn với thủ đoạn hết sức tinh vi. Như vụ ông Võ Ngọc Quý (SN 1957) và vợ là Trần Thị Anh (quê Điện Bàn, Quảng Nam; trú Tam Thuận, Thanh Khê, Đà Nẵng) làm chủ mưu bị bắt vào tháng 6-2016 lập đến 4 công ty “ma” để mua bán hóa đơn có giá trị 150 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Trước đó, CQĐT CATP. Đà Nẵng đã điều tra, đề nghị truy tố mẹ con Đỗ Thị Hoa và Nguyễn Thành Vinh (Giám đốc Công ty Toàn Vinh Hoa) và một số đối tượng liên quan lập công ty để mua bán hóa đơn hơn 200 tỷ đồng.
Lợi dụng chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp
Theo phòng Cảnh sát Kinh tế CATP. Đà Nẵng, tính riêng từ năm 2015 đến nay, phòng đã khám phá hàng loạt vụ mua bán hóa đơn trái phép với tổng số tiền lên đến hơn 450 tỷ đồng.
Theo thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên do thời gian gần đây, một số đối tượng lợi dụng lập công ty “ma” để trục lợi do việc thủ tục lập công ty hiện nay khá đơn giản nên nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để qua mặt cơ quan chức năng. Như việc khi công ty đến lấy giấy phép kinh doanh chỉ cần được ủy quyền là có thể lấy giấy phép một cách dễ dàng.
Đọc lệnh bắt đối tượng Phượng
Bên cạnh đó, việc quản lý thuế cũng thông thoáng, như tự in hóa đơn và gần đây là doanh nghiệp không cần bảng kê khai chi tiết, cụ thể, hàng tháng, hàng quý mà chỉ kê tổng thể khiến một số đối tượng lợi dụng phạm tội. Ngoài ra, công tác hậu kiểm của ngành thuế còn chậm, nên việc phát hiện, phòng ngừa sai phạm còn hạn chế.
“Có cung ắt có cầu”, không ít người mua hóa đơn, các công ty, đơn vị mua hóa đơn ở các “dịch vụ” ở các công ty “ma” cũng có phần thuận lợi, hưởng lợi nên tiếp tay cho các công ty mua bán hóa đơn “đục nước béo cò”, thượng tá Sơn nói thêm.
Theo trung tá Huỳnh Đức Tuấn, Đội trưởng Đội 2, phòng Cảnh sát Kinh tế CATP. Đà Nẵng, những vụ phát hiện công ty mua hóa đơn thời gian qua, hầu hết phía công an phát hiện chứ đơn vị chức năng, ngành thuế cũng khó phát hiện bởi còn thiếu một số biện pháp quản lý chặt chẽ nên doanh nghiệp dễ lợi dụng.
Hóa đơn khống của Công ty Toàn
“Đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư khi cấp phép, cấp đổi, thay đổi người đại diện,… phải có người đại diện pháp luật đến nhận và đối chiếu thật chặt chẽ, tránh một số trường hợp làm giả, làm dối để lợi dụng phạm tội. Trong quá trình quản lý thuế đơn vị chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng để làm tốt công tác phòng ngừa, giám sát những đơn vị, doanh nghiệp đáng ngờ khi doanh số tăng đột biến, hóa đơn phát sinh doanh số lớn,…
Hơn nữa, công tác hậu kiểm cần làm chặt chẽ, thường xuyên, để nếu phát hiện doanh nghiệp đáng ngờ, có biện pháp kịp thời. Nên chăng, ngành thuế thực hiện việc kê khai chi tiết như cũ, chứ quản lý thuế như hiện nay, thông thoáng tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, còn những doanh nghiệp lợi dụng để làm ăn phi pháp thì cực kỳ khó quản lí”, trung tá Huỳnh Đức Tuấn kiến nghị.