10 quốc gia có luật pháp chặt chẽ nhất thế giới (Phần 1)

Thứ Bảy, 12/08/2017 11:42  | Quốc Bảo

|

(CAO) Ngày nay, bất kì quốc gia nào cũng đều có các chính sách và luật pháp riêng. Tuy nhiên, luật pháp tại một số nước lại rất chặt chẽ và buộc du khách phải tìm hiểu thật kĩ trước khi muốn đến những nước này du lịch.

Tại một số quốc gia, người dân buộc phải thực thi nghiêm túc các chính sách và luật pháp của đất nước. Trong một số trường hợp, nhiều người cảm thấy khó chịu và điều này thường dẫn đến sự phản đối, không đồng tình của một số người dân.

Đây là 10 quốc gia có luật pháp chặt chẽ nhất trên thế giới, một số luật bắt nguồn từ truyền thống, tôn giáo. Một số luật thì được đặt ra sau các sự kiện lịch sử.

Triều Tiên

Triều Tiên là một trong những quốc gia bí ẩn nhất trên thế giới. Chính phủ Triều Tiên quản lý rất nghiêm về truyền thông và thường không cho phép những hình ảnh, thông tin trong nước truyền ra ngoài.

Vì tình hình quân sự căng thẳng trong những năm gần đây mà Triều Tiên đã cấm du khách từ Hàn Quốc và Mỹ nhập cảnh vào nước này. Trong một số trường hợp, du khách đến từ các quốc gia khác vẫn được phép nhập cảnh và du lịch tại Triều Tiên; tuy nhiên du khách sẽ được hộ tống cá nhân (thường được gọi là bảo vệ).

Những người hộ tống sẽ đi cùng khách du lịch từ lúc nhập cảnh cho tới ngày rời khỏi Triều Tiên để đảm bảo du khách không vi phạm bất kỳ quy tắc nào, chẳng hạn như tuyên truyền các tài liệu chống lại chính phủ Triều Tiên hoặc chụp hình những khu vực cấm.

Triều Tiên là một trong những quốc gia bí ẩn và có luật pháp nghiêm ngặt nhất trên thế giới. 

Tất cả mọi thứ tại Triều Tiên đều được kiểm soát bởi chính quyền, từ truyền hình, đài phát thanh và mạng. Nội dung tin tức và các chương trình truyền hình đều phải qua kiểm duyệt, chỉ có tầng lớp ưu tú mới được truy cập Internet, thậm chí các hoạt động trực tuyến cũng được giám sát chặt chẽ.

Người dân Triều Tiên cũng có rất ít các hoạt động phong trào, thể thao. Họ thường không được phép đi lang thang trong công viên và khi muốn tổ chức bất kì hoạt động nào thì phải có một lý do chính đáng. Các cặp vợ chồng không đăng kí kết hôn thì không được công nhận và việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hoàn toàn bị cấm.

Ngoài ra, thời trang tại Triều Tiên cũng được quản lý rất nghiêm ngặt. Không giống như ở Hàn Quốc, phụ nữ Triều Tiên không được phép mặc quần áo theo sở thích và cứ 15 ngày thì đàn ông phải cắt tóc. Nếu bất kì ai vi phạm thì sẽ bị phạt lao động trong một khoảng thời gian nhất định.

Iran

Đa số các quốc gia hiện nay đều sử dụng nền tảng triết học để xây dựng luật và quản lý đất nước, nhưng Iran lại hoàn toàn khác. Iran sử dụng luật Hồi giáo (luật Sharia) và cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, những hành động tuyên truyền chống lại chính phủ bị cấm tại Iran.

Phụ nữ Iran phải tuân thủ các quy tắc về trang phục nếu muốn xuất hiện tại nơi công cộng.

Ngoài ra, bất cứ ai tùy tiện đăng nhập vào các nền tảng, mạng xã hội như Facebook, Google và YouTube cũng có thể gặp rắc rối. Đàn ông không được tự ý cắt những kiểu tóc phá cách và phụ nữ không được phép xuất hiện tại nơi công cộng nếu không tuân thủ một số quy tắc về trang phục (phải đeo khăn che mặt, không được mặc quần jean bó sát, …). Các loại nhạc như jazz, rock và rap cùng một số loại đồ uống có cồn đều bị nghiêm cấm.

Syria

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực đã gia tăng ở Syria vì các vụ đụng độ giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy. Để dập tắt các hành động chống chính phủ, Syria đã dùng đến biện pháp ngăn chặn thông tin trên toàn lãnh thổ. Liên lạc qua điện thoại di động, điện thoại cố định và truy cập Internet đều bị giới hạn đáng kể.

Tình hình căng thẳng quân sự ở Syria khiến các thông tin tại đây bị kiểm soát chặt chẽ.

Các phóng viên nước ngoài bị cấm nhập cảnh và tin tức được theo dõi chặt chẽ. Một số thông tin cho biết các nhà báo Syria chống lại chính phủ đều bị bắt, bị tra tấn, thậm chí một số người được cho là đã chết.

Eritrea

Eritrea là một quốc gia tại châu Phi và được điều hành bởi Tổng thống Isaias Afewerki, ông lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 1993. Tổng thống Isaias Afewerki và chính phủ của ông có toàn quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông trong nước, kiểm duyệt các tin tức hằng ngày và biết rõ cụ thể phóng viên nào đã viết tin.

Cảnh đêm của một thành phố tại Eritrea.

Không có bất cứ thông tin nào được công bố hoặc phát sóng mà không có sự chấp thuận của Văn phòng Chính phủ. Ngay cả tôn giáo cũng bị chính phủ kiểm soát, không ai được phép thờ cúng nơi công cộng và nếu muốn thực hiện các nghi lễ thì người dân phải chứng minh mình thuộc về tôn giáo nào.

Equatorial Guine

Tại Equatorial Guinea (một quốc gia ở Tây Phi) đa phần người dân không được học cách đọc và viết, quốc gia này cũng không có bất kì hiệu sách hay sạp báo nào. Lượng khách du lịch đến tham quan đất nước này rất ít vì chính phủ đặt ra các quy định rất chặt chẽ, thậm chí có những tháng không có một người nước ngoài nào được phép nhập cảnh vào đất nước này.

Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo đã lên nắm quyền điều hành Equatorial Guine sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 8 năm 1979. Cũng giống như Triều Tiên, Eritrea, … các đài truyền hình, đài phát thanh và mọi thông tin tại Equatorial Guine đều được kiểm soát nghiêm ngặt.

Một tấm hình hiếm hoi về cuộc sống của người dân Equatorial Guinea.

Một số ít du khách được phép vào vùng lãnh thổ của Equatorial Guinea thì đều được theo dõi chặt chẽ và bị cấm chụp hình hoặc quay lại các đoạn phim về cuộc sống thường ngày của người dân đất nước này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang