Nhật Bản 'chuyển mình' đối phó với nạn quấy rối tình dục

Thứ Sáu, 02/11/2018 13:05  | Đồng Thần

|

(CAO) Những người phụ nữ bị "rình rập" bởi các camera điện thoại hay giấu tại nhà vệ sinh không phải chỉ là vấn nạn riêng của Hàn Quốc, sự lo lắng cho vấn nạn này giờ đã hiện hữu cả ở Nhật và chính phủ đã phải nghĩ đến những giải pháp.

Việc quấy rối tình dục nơi công cộng hiện đang là vấn đề hiện hữu tại các nước phát triển và Nhật cũng không phải ngoại lệ. Theo thống kê, Nhật bắt khoảng 1.800 trường hợp như vậy mỗi năm, dĩ nhiên, đó chỉ là con số thu thập được.

Nhật đang cố gắng ngăn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng - Ảnh: SCMP

Bởi việc bắt giữ quả tang những trường hợp như thế không phải điều đơn giản, nhất là khi nó thường xảy ra tại các khu vực có hệ thống giao thông công cộng vốn nổi tiếng đông đúc ở Nhật. Vì thế, hàng loạt các biện pháp và công nghệ mới đang được áp dụng.

Nổi bật nhất của vấn nạn quấy rối này là "AirDrop chikan", ám chỉ những tin nhắn được gửi thông qua AirDrop và các smartphone nào không cài đặt chức năng ngăn thông tin từ các tin nhắn dạng này thường sẽ nhận được những nội dung khiêu dâm từ nguồn rất khó để xác định.

Toa xe chỉ dành cho nữ giới vào giờ cao điểm - Ảnh: SCMP

Một nữ sinh viên (20 tuổi) cho biết: "Một hôm tôi đang di chuyển trên chuyến tàu ở Nagoya thì nhận được một tin nhắn dung tục, với hình ảnh bộ phận sinh dục của một người đàn ông. Lúc đó, tôi có cảm giác sợ hãi nhưng sự giận dữ sau đó rõ ràng hơn".

Một người dùng có tên TheNazu cho biết cô cảm thấy "khủng khiếp" khi cô nhận được một bức ảnh của hai người đàn ông trần truồng nhảy trên đỉnh một ngọn núi. Quả thật, phong trào #MeToo diễn ra quá chậm ở Nhật Bản, nơi đây vẫn được xem là "thiên đường" cho những kẻ có sở thích "bệnh hoạn" nơi công cộng.

Những tin nhắn với nội dung khiêu dâm được gửi thông qua AirDrop - Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, chính phủ Nhật và một số công ty đang nghĩ tới những giải pháp, chẳng hạn, một đoàn tàu có toa xe chỉ dành cho nữ vào giờ cao điểm, các máy quay giấu kín, nhân viên cải trang thành người đi tàu để bắt quả tang,...

Makoto Watanabe, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết: "Các hành động quấy rối ngày càng một tinh vi hơn với sự hỗ trợ của công nghệ. Họ là những người bị ám ảnh bởi sự sợ hãi và bối rối của nạn nhân. Nhưng cơ bản mà nói hầu hết các thủ phạm đều trong trạng thái cô đơn và không giỏi giao tiếp. Dù biết hành động của mình là sai trái hoặc phạm pháp nhưng đôi khi họ chọn đó như là một giải pháp để tiếp cận người khác".

Bình luận (0)

Lên đầu trang