1.001 kiểu "quậy" trong mùa giãn cách xã hội

Thứ Tư, 04/08/2021 12:30

|

(CATP) Hơn bao giờ, đất nước đang rất cần tinh thần đoàn kết của người dân, mà nòng cốt là ý thức tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng điều đáng lo là ngoài số đông người dân đồng lòng với chính quyền trong cuộc chiến cam go này, đâu đó vẫn còn những kẻ ứng xử với dịch bệnh theo kiểu "trời ơi"! Họ có 1.001 kiểu "quậy" hòng thỏa mãn bản tính bất chấp pháp luật, ngông cuồng. Điều này không những gây khó cho lực lượng chức năng mà nguy ngại hơn là có thể làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Những "ông trời con"

Chỉ trong một tháng trở lại đây, dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân. Trước cuộc chiến gian nguy này, điều đáng mừng là hầu hết người dân đều có ý thức chấp hành rất tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Chúng ta cùng chấp nhận hy sinh "cơm áo, gạo, tiền", chấp nhận những đau thương nhất thời để hướng tới một tương lai đẩy lùi bệnh dịch. "Cả nước đang chống dịch, hãy ở yên trong nhà, không phải cho riêng bạn mà vì sự an toàn của cả cộng đồng" - thông điệp thiết thực này được truyền đi như lời nhắc nhở nhau hết sức cấp bách.

Nhưng vẫn còn một số người ý thức rất kém trong phòng, chống đại dịch. Trong 2 tuần TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của UBNDTP hết sức nghiêm ngặt, dư luận thêm mệt mỏi khi xảy ra những vụ việc sau khi xem clip ghi hình thì "không thể thốt nên lời": Hết anh trai "có cơ bắp tốt, nhưng ý thức tồi" thản nhiên tập thể dục trước mắt lực lượng tuần tra, lại đến chị gái "tự nhiên" thêu thùa giữa công viên, hay hàng trăm hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng các quận, huyện và TP.Thủ Đức lập biên bản như dắt chó đi dạo, tụ tập ăn nhậu... Những vụ việc này thể hiện sự chủ quan với mức nguy hiểm của dịch bệnh, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nam thanh niên thản nhiên tập thể dục nơi công cộng, dù đang giãn cách xã hội

Chưa kể những "ông trời con" quen thói côn đồ, ngông cuồng, xúc phạm và thậm chí tấn công lực lượng đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho chính họ (!). Tối 20-7, tại xã Bình Kiến (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), Nguyễn Tấn Thạch chở Lương Ngọc Công bằng xe máy ra khỏi khu vực phong tỏa và không đeo khẩu trang. Tổ công tác trực chốt yêu cầu Thạch đeo khẩu trang vào và không được ra khỏi khu vực phong tỏa, nhưng đối tượng không chấp hành, lớn tiếng đe dọa, chửi bới lực lượng đang làm nhiệm vụ.

Nhận tin báo, Công an xã Bình Kiến phân công đồng chí Võ Anh Tài đến giải quyết, khuyên can Thạch quay về nhà. Mới đầu, tưởng chừng gã chịu nghe lời khuyên can thật. Nhưng không ngờ, với bản tính ngông cuồng, Thạch về nhà không để sửa sai mà để lấy dao quay lại đuổi đánh các thành viên trực chốt. Lực lượng làm nhiệm vụ bắt buộc phải khống chế, bắt kẻ liều lĩnh. Thạch bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp và sắp tới phải đối diện với một bản án nghiêm minh của pháp luật.

Đề xuất thiếu tinh thần xây dựng của đạo diễn Dũng "khùng"

"Idol" hồ đồ

"Idol" (người nổi tiếng) nào cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đến số đông nên phải luôn giữ mình, thận trọng trong mọi lời nói, hành vi. Nhưng buồn thay, trong thời điểm dịch dã gây ra không biết bao hệ lụy, làm cả người dân và lực lượng chức năng vô cùng vất vả trong phòng, chống, chữa trị cho các bệnh nhân, lại có những "idol" không đồng cam cộng khổ với mọi người, mà lại thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng bằng cách đăng tin thất thiệt.

Ngày 26-7, đạo diễn Dũng "khùng" (nhân vật nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các gameshow) đăng trên trang Facebook cá nhân với đề xuất hết sức ngớ ngẩn: "Cho lực lượng CSGT đi làm shipper" (!). Ý kiến này không hề mang tính xây dựng đối với lực lượng CSGT xông pha chống dịch suốt mấy tháng qua. Suy nghĩ lệch chuẩn này của đạo diễn nổi tiếng ngay lập tức nhận nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng mạng. "Không biết liệu đạo diễn Dũng "khùng" có khác người thật không, nhưng trước mắt, tui thấy cái suy nghĩ của ổng không ổn rồi"- Anh Ân (một Facebooker) nhận xét - "Sao ông đạo diễn kia lại không thấy được rằng, nếu không có họ thì chẳng thể biết tình hình sẽ còn rối đến mức nào trong đợt dịch phức tạp lần này?".

Chuyện đạo diễn Dũng "khùng" bị vạ lời là một dẫn chứng điển hình cho một số người làm nghệ thuật, nhưng lại thiếu tính nghệ thuật, nếu không nói là ẩu tả trong phát ngôn, liên quan đến công tác chống dịch Covid-19. Trước đó, ngày 3-7, nữ MC có nghệ danh Trác Thúy Miêu đăng bài viết gây mâu thuẫn, kích động, chia rẽ trên trang Facebook cá nhân về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TPHCM.

Thông tin sai sự thật của MC Trác Thúy Miêu

Do là một "idol" có nhiều fan hâm mộ nên thông tin chưa được kiểm chứng này đã gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người vội lao vào chỉ trích các tình nguyện viên đang giúp sức cho thành phố. Kết quả, cơ quan chức năng xác định: Trác Thúy Miêu đưa tin sai. Sau đó, cô này bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt 7,5 triệu đồng. Và cũng giống như đạo diễn Dũng "khùng", cả 2 "idol" đều tự xóa thông tin sai lệch mà không một dòng đính chính hay xin lỗi.

Nghĩ về sự hy sinh

Ngược lại, nhiều người làm nghệ thuật khác đã không ngần ngại "xắn tay áo" chung sức với xã hội trong công tác phòng, chống đại dịch. Hơn 2 tuần Báo Công an TPHCM phối hợp cùng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an TPHCM tổ chức "Cuộc vận động tiếp sức tuyến đầu chống dịch", đã có nhiều nghệ sĩ nhiệt tình quyên góp lương thực, nhu yếu phẩm... cho bà con thành phố, các chiến sĩ, y bác sĩ đang căng mình ở tuyến đầu chống dịch. Đó mới hành động quý báu, cho thấy trách nhiệm thực sự của người nổi tiếng.

Chị gái "tự nhiên" thêu thùa ở công viên

Mới đây, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đã phát một phóng sự hết sức xúc động. Có một bệnh nhân F0 tại một bệnh viện dã chiến mới thành lập, đã 15 giờ vẫn chưa có cơm trưa. Anh dường như muốn hét lên với những người phục vụ tại đó. Nhưng rồi khi nhìn xuống dưới sân, anh thấy những tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ kín mít giữa cái nắng oi bức, trên tay gồng cầm mấy chục phần cơm để phát cho các bệnh nhân. Bước đi của họ có lúc xiêu vẹo và một trong số họ đã ngất xỉu vì kiệt sức. Chứng kiến cảnh này, anh bệnh nhân liền bỏ ngay ý định nổi nóng mà kiên nhẫn chờ được phát cơm.

Một cô gái trong khu bị phong tỏa, đợi mãi chẳng thấy được phát hàng cứu trợ. Cô bực tức vì nghĩ rằng đội tình nguyện viên làm việc tắc trách. Đêm đó, trời đổ cơn giông, mưa trút như thác. Cô vén rèm nhìn ra cửa sổ, thấy các nhân viên y tế, chiến sĩ công an trực ở chốt kiểm dịch ngồi co ro, cố giữ lấy tấm bạt sắp bị gió thốc quật ngã. Cả thảy năm người đều ướt sũng. Cô lặng lẽ nhận ra, mình đã quá ích kỷ trước sự hy sinh vô bờ của những con người thầm lặng.

Vụ chống người thi hành nhiệm vụ ở Phú Yên được điều tra, truy tố, xét xử chỉ trong vòng 6 ngày

Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện tương tự về những người đang tỏa sáng từng ngày, từng giờ giữa đời thường, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nặng nề. Hơn bao giờ hết, đất nước đang rất cần tinh thần đoàn kết, tương hỗ của mọi người dân. Giá như các nhân vật có hành vi, ứng xử không đúng trong bài viết này cũng bắt gặp, chứng kiến những khoảnh khắc hy sinh ấy thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang