(CATP) Trải qua nhiều đợt dịch bệnh, cho tới đợt dịch Covid-19 kinh hoàng mới đây, chúng ta đã hiểu rõ nhiệm vụ dịch tễ luôn được xem là "chiếc áo giáp" vô cùng quan trọng của ngành y. Không thể phai nhạt hình ảnh các y bác sĩ, dược sĩ không màng hiểm nguy, xả thân vào những "điểm nóng" của cuộc chiến chưa có tiền lệ.
Và Viện Pasteur TPHCM chính là một trong những đầu tàu trên trận tuyến cam go đó! Từ những ngày gian truân năm cũ cho đến hôm nay, tập thể ấy vẫn một lòng cống hiến vì sự phát triển của ngành Y tế (YT), vì sức khỏe của người dân.
130 năm vẻ vang
Viện Pasteur Sài Gòn (nay là Viện Pasteur TPHCM) được thành lập năm 1891, theo ý tưởng của nhà khoa học Louis Pasteur. Hơn một thế kỷ, đất nước Việt Nam trải qua một chặng đường lịch sử sôi động, đầy biến cố. Qua nhiều cuộc bể dâu, có những sự nghiệp vẫn bền vững qua thời gian, vì đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của con người; trong đó có sự nghiệp của Louis Pasteur khi hướng đến mục tiêu khoa học, phục vụ sức khỏe con người, một sự nghiệp hợp tác giữa các dân tộc vẫn tồn tại và không ngừng phát triển.
Viện Pasteur Sài Gòn là chi nhánh đầu tiên ngoài nước Pháp của Viện Pasteur Paris. Albert Calmette - một trong những học trò của Louis Pasteur - được giao nhiệm vụ thành lập, tổ chức và điều hành viện đầu tiên. Trên một mảnh đất có bề dày lịch sử hàng nghìn năm nhưng còn nghèo nàn, lạc hậu và có khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho nhiều dịch bệnh hoành hành như nước ta, Albert Calmette đã khởi đầu sự nghiệp với đầy rẫy khó khăn về vật chất, kỹ thuật.
Sau khi tiếp nhận phòng thí nghiệm đơn sơ tại Viện Quân y Grall, Albert Calmette đã tiếp nhận những dụng cụ chuyên môn, hóa chất... từ Pháp chuyển sang và tham gia đào tạo các nhân viên kỹ thuật đầu tiên để triển khai công việc.
Tập thể can bộ, nhân viên Viện Pasteur TPHCM
Với chưa đầy 3 năm ở Sài Gòn, ông đã khởi đầu và hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ, vừa xây dựng cơ sở vừa cải tiến kỹ thuật để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán bệnh và sản xuất được vắc-xin đậu mùa, vắc-xin chống bệnh dại, nghiên cứu về bệnh lý nhiệt đới, làm men rượu, sản xuất huyết thanh chống nọc rắn hổ mang... Năm 1893 ông bị bệnh nặng, phải về nước, nhưng ông đã mở đường, đặt sự nghiệp Pasteur trên một nền tảng vững chắc tại Viện Pasteur Sài Gòn, để những thế hệ kế cận tiếp tục sứ mệnh còn dang dở.
Được sự cho phép của Bộ YT, ngày 24-6 Viện Pasteur TPHCM sẽ tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày thành lập viện và Hội nghị khoa học năm 2022 với chủ đề "Nghiên cứu khoa học trong phòng chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác", có sự tham dự của gần 500 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia YT, nghiên cứu viên cùng nhân viên YT trong và ngoài nước.
Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của viện qua các thời kỳ cùng ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp, những truyền thống vẻ vang, là cơ hội gặp gỡ của bạn bè trong nước và quốc tế có liên kết, hợp tác, giao lưu nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các bên trong tương lai.
Kể từ những ngày sơ khởi, Viện Pasteur Sài Gòn (sau 30-4-1975 được đổi tên thành Viện Pasteur TPHCM) trở thành cái nôi sản sinh nhiều chuyên gia nổi tiếng về dịch tễ, vi sinh. Ngày đất nước thanh bình, chẳng ai có thể tin nổi thế giới sẽ đương đầu với Covid-19, loại dịch bệnh có tốc độ lây lan thần tốc đến vậy. Và trong những khoảnh khắc sinh - tử, hình ảnh các "chiến binh áo blouse trắng" của Viện Pasteur TPHCM không màng hiểm nguy, xả thân vào những nơi lửa bỏng nhất của một cuộc chiến chưa có tiền lệ, đã lấy đi bao nước mắt của đồng bào. Họ xứng đáng được gọi là những anh hùng!
Tỏa sáng giữa nguy nan
Còn nhớ thời điểm những ngày giáp Tết Âm lịch Tân Sửu năm 2021, tỉnh Gia Lai bùng phát những ổ dịch khó lường. Khi dự định về một năm mới đoàn viên chưa kịp thành hình thì lệnh điều động vào vùng dịch đã gọi tên những cán bộ của Viện Pasteur TPHCM. Khi ấy, Gia Lai là tỉnh có dịch ở 4 địa bàn: Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa.
Tình hình chống dịch trong khu vực hết sức căng thẳng và tỉnh đang rất cần sự tiếp ứng từ các nơi khác, đặc biệt là đội ngũ YT. Nhiệm vụ của đoàn công tác Viện Pasteur TPHCM lúc này là khẩn trương giúp Gia Lai xác lập hệ thống xét nghiệm (XN) Covid-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và tăng cường năng lực XN chẩn đoán Covid-19 cho địa phương.
Hình ảnh các cán bộ Viện Pasteur TPHCM trên chiếc máy cày vào thôn buôn xung yếu chống dịch ở Gia Lai đã được khắc họa thành bức tranh đẹp về người thầy thuốc
Sau 4 ngày bứt tốc, TS. Hoàng Quốc Cường và các cộng sự của viện đã phối hợp rất nhịp nhàng với các lực lượng tiếp ứng khác cùng cán bộ YT tại địa phương, bước đầu truy vết, khoanh vùng, khống chế hiệu quả các ổ dịch. Và cuối cùng, với quyết tâm cao nhất, Gia Lai cũng đã dập tắt các ổ dịch thành công!
Để đạt được thành quả này, ngoài nhờ vào sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của hệ thống chính trị tỉnh nhà, thì Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng không quên gửi lời cảm ơn sự kề vai sát cánh, tương trợ kịp thời của đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ đến từ các đơn vị khắp cả nước, đã bỏ lại một cái Tết sum vầy với gia đình để xông vào trận địa chống dịch khắc nghiệt, hiểm nguy. Trong số đó, những cán bộ của Viện Pasteur TPHCM là ví dụ điển hình nhất của sự hy sinh khi Tổ quốc cần. Họ đã tỏa sáng giữa nguy nan!
Công tác tiêm ngừa vắc - xin của Viện Pasteur TPHCM đã góp phần đẩy lùi dịch Covid-19
Đại diện lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM: Qua đại dịch Covid-19, những thách thức về dịch bệnh trong thời gian qua và sắp tới là trọng trách mà toàn thể anh chị em mang trên vai. Phải nỗ lực, cố gắng là những gì chúng tôi luôn tự nhủ với lòng mình, để mang lại sự bình yên cho cộng đồng và người dân.
Hiện Viện Pasteur đang định hướng tiếp tục phát triển những công nghệ chiều sâu, mũi nhọn và chiến lược trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm như: nuôi cấy virus, thí nghiệm trên động vật những chủng mới trong Phòng An toàn sinh học cấp 3, giải trình tự gene...
Chúng ta tự hào về lịch sử, truyền thống vẻ vang, niềm tự hào không của riêng tôi mà của tất cả những con người đã và đang từng ngày cống hiến vì sức khỏe nhân dân. Hiện tại tuy còn một số khó khăn nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua vì nhiệm vụ phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.