(CAO) Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa lớn gây lũ. Một hồ thủy lợi bị vỡ, hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Riêng tại Nghệ An có 2 người chết, 2 người mất tích.
Tại Nghệ An, theo ghi nhận của PV, đến sáng 10-10-2017, nhiều tuyến đường chính ở TP.Vinh (Nghệ An) như: Quang Trung, Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Nin, Đinh Công Tráng, Ngư Hải… bị ngập nước khoảng 1 mét. Các phương tiện qua lại nơi đây bị chết máy nên người dân phải dùng xuồng di chuyển các phương tiện giao thông đến khu vực khác. Lực lượng công an cũng đã có mặt phân luồng giao thông, đồng thời giúp dân. Nhiều nhà dân bị ngập sâp nửa mét.
Lực lượng Công an TP. Vinh giúp dân đưa phương tiện qua những đoạn đường bị lũ ngập nặng
Mưa lớn khiến nước sông Lam dâng lên cao gây sạt lở đất ở nhiều điểm, nhiều tuyến giao thông cũng bị đình trệ theo. Tại tỉnh Nghệ An có 625 hồ, đập lớn nhỏ đầy nước. Hai hồ chứa nước lớn là Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) và Sông Sào (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã phải xả 2 cửa van từ 6 giờ sáng ngày 10-10-2017.
Tối 9-10-2017, đập Gà có trữ lượng 500 ngàn mét khối tại xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị nước dâng lên tràn qua thân đập hơn 200 mét. Ông Trần Văn Sao – Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, cho biết để tránh nguy cơ vỡ đập, chính quyền xã đã huy động người dân cùng 3 máy đào dùng bao tải đựng cát để đắp những đoạn bờ xung yếu. Lũ cũng khiến cho hơn 200 hecta hoa màu, hồ nuôi cá của các hộ dân xã Nghi Văn bị thiệt hại.
(CAO) Đêm qua và sáng nay (10-10), trên địa bàn Nghệ An do ảnh hưởng của
áp thấp nhiệt đới nên mưa rất to, ước tính 20mm đã làm ngập hầu hết các đường làng ngõ xóm, quốc lộ, sân phơi, ao cá…
Chính quyền xã Nghi Văn huy động người dân bảo vệ đập Gà tránh bị vỡ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, lũ khiến ông Nguyễn Hoàng Quế (SN 1961, trú xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị điện giật tử vong; ông Nguyễn Trung Hải (SN 1966, trú xóm 5, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) bị nước cuốn trôi chết đuối khi đang đi đánh cá. Ngoài ra, chị Lê Thị Ngoan (SN 1995, trú thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) và cháu Lang Đức Huy (SN 2013, trú bản Pật, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Lũ cũng làm ngập 1.955ha ngô và rau màu các loại, 1.000 gia cầm bị chết, 874ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Tại Hà Tĩnh, tính đến trưa 10-10-2017, mưa lớn khiến nước dâng thành lũ trên nhiều huyện như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Nghi Xuân… Tại TP.Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước, đặc biệt là đường Nguyễn Du có nơi ngập sâu hơn nửa mét.
Vỡ đập Cố Châu tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
Lũ đã khiến cho nhà của ông Hồ Văn Thân (trú xóm 10, xã Sơn Lĩnh, huyện Vũ Quang) và nhà của ông Lê Văn Lợi )trú xóm 9, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) bị sập. Cầu tràn Phố Châu (huyện Hương Sơn) bị ngập sâu 1,2 mét khiến người dân hai bên bờ không thể đi lại được.
UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tiến, Sơn Lễ di dời 146/427 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, nếu diễn biến thời tiết phức tạp sẽ di dời thêm. Lũ lớn cũng làm cho 566 hộ dân ở huyện Vũ Quang bị cô lập. Trong đó, xã Đức Giang có 250 hộ, Đức Bồng hơn 300 hộ và Sơn Thọ 16 hộ. Nhiều diện tích hoa màu trên 2 địa bàn này bị úng nước, hư hỏng.
(CAO) Trong lúc cố gắng đi qua cống tràn thì hai học sinh bị lũ cuốn. Một em may mắn thoát nạn, còn em còn lại mất tích.
Lũ làm sạt lở đất gây sập nhà ở Hà Tĩnh
Chiều 10-10-2017, ông Phan Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Gia Hanh (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, do mưa lớn kéo dài, tối 9-10-2017, đập thủy lợi Cố Châu trên địa bàn xã vỡ, dòng nước mạnh tràn về phía hạ lưu khiến gần 300ha hoa màu bị hư hỏng, mất trắng hoàn toàn. Theo ông Sơn, đập Cố Châu có trữ lượng khoảng 5 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hecta lúa và hoa màu thuộc xã Gia Hanh và Thượng Lộc. Trong tối 9-10-2017, thân đập Cố Châu có chiều rộng khoảng 20m, dài khoảng 50m bị vỡ hoàn toàn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã Gia Hanh đã tiến hành di dời các hộ dân sống ở gần dòng chảy hạ lưu nên không có thiệt hại về người.
Mưa lũ cũng làm cho QL8A ách tắc, khiến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này bị đình trệ.
Một chiếc xe ôtô bị lũ cuốn trôi khi đang lưu thông tại Hà Tĩnh
Tại Quảng Bình, do mưa lớn từ thượng nguồn nên lũ trên sông Gianh, sông Kiến Giang lên nhanh. Tại một số địa bàn mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ, chia cắt các tuyến đường liên xã, liên thôn, cô lập một số khu vực dân cư. Các ngầm Khe Đeng, Khe Mưng trên Quốc lộ 15 ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa nước lũ ngập sâu hơn 1,5m làm ách tắc hoàn toàn giao thông. Tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, ở khu vực cầu Bùng nước ngập sâu hơn 1m, người dân trong khu vực cũng bị nước ngập cô lập. Tại khu vực miền núi huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nước lũ đầu nguồn đổ về gây ngập sâu ở một số tuyến đường và cầu, tràn trên địa bàn.
Lúc khoảng 11 giờ ngày 9-10-2017, ông Thái Xuân Hóa ở thôn 1 Yên Thọ, Minh Hóa trong lúc lưu thông từ thị trấn Quy Đạt về tới ngầm Lạc Thiện thì bị nước lũ cuốn cả người lẫn xe. Rất may là ông Hóa đã bơi được vào bờ an toàn, còn chiếc xe bị lũ cuốn trôi. Chủ động nắm tình hình, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình đã cho học sinh tại nhiều trường trong các vùng xung yếu nghỉ học.