Khát vọng xây dựng Đường Vành đai 3 - TP.Hồ Chí Minh:

Bài 2: Phục vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ Năm, 02/03/2023 17:04

|

(CATP) Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM cho thấy lợi ích của tuyến đường này đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và các địa phương cũng như kinh tế vùng là rất lớn. Đặc biệt là góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mang ý nghĩa hết sức quan trọng

Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, quản lý kinh tế và phát triển xã hội cho rằng, về hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM, nhóm yếu tố có thể định lượng, quy đổi được thành tiền, thông qua kết quả tính toán các chỉ số tài chính của dự án, như: giá trị hiện tại ròng (E-NPV) khoảng 62.163 tỷ đồng, tỉ suất nội hoàn (E-IRR) khoảng 15,82% (lớn hơn suất chiết khấu 12%), tỉ suất lợi ích - chi phí (B/C) khoảng 1,91. Các kết quả phân tích "hiệu quả kinh tế - xã hội" cho thấy, việc đầu tư xây dựng tuyến Đường Vành đai 3 - TPHCM có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kết nối, phát triển kinh tế của TPHCM và các tỉnh trong khu vực.

Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy dự án này đạt tất cả các mục tiêu về chi phí vốn cơ hội, hiệu quả kinh tế xét trên nhiều phương diện, như: tiết kiệm chi phí vận hành, giảm chi phí vận chuyển, lợi ích tiết kiệm thời gian cho hành khách, lợi ích do giảm chi phí cho các tai nạn giao thông. Cộng thêm với các lợi ích to lớn khác do dự án mang lại mà trong tính toán chưa thể lượng hóa được, như: ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế TPHCM và các địa phương cũng như kinh tế vùng, có lợi đối với cộng đồng cùng môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong khu vực; tăng hiệu quả sử dụng đất đai, về thay đổi cơ cấu xã hội, dân cư, chính trị, quản lý hành chính; nâng cao năng lực vận tải, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Xây dựng Đường Vành đai 3 giúp giảm tải áp lực về giao thông tại cửa ngõ TPHCM

Ngoài ra, dự án còn mang lại nhiều lợi ích khác, như: giảm gián đoạn giao thông, lợi ích đối với các ngành kinh tế quốc dân khi sử dụng mạng lưới cầu, đường hoàn chỉnh; giảm thiệt hại đối với hàng hóa, nông sản; tăng cường khả năng phát triển khu vực, khả năng phát triển xã hội, cải thiện môi trường... Tóm lại, đây là dự án thực sự cần thiết và có lợi cho cộng đồng, cần được ưu tiên xây dựng và Quốc hội đã thống nhất rất cao khi biểu quyết thông qua. Hiện nay, dự án cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân.

Phó giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Trần Đình Thiên:

Liên quan đến các sáng kiến về đầu tư hạ tầng giao thông, cơ chế sáng tạo, đột phá, TPHCM và các tỉnh cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa. Chương trình hạ tầng giao thông trước đây chưa từng được thực hiện quyết liệt như bây giờ, toàn bộ cấu trúc giao thông phải thay đổi cơ bản. Về cơ chế chỉ định thầu, điều kiện chỉ định thầu cần phải thật sự rõ ràng, chặt chẽ. Nếu không làm tốt thì phải bị phạt, làm tốt thì được thưởng.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho rằng, công tác xây dựng Đường Vành đai 3 - TPHCM thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cùng người dân TPHCM và các tỉnh, thành có tuyến đường này đi qua, cũng như sự ủng hộ của nhân dân cả nước.

Dịch vụ logistics phát triển vượt bậc và tầm nhìn chiến lược

Đầu tiên, cần nhìn nhận Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM góp phần phát huy tối đa hiệu quả, lợi thế của các địa phương, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng không gian phát triển các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, dịch vụ logistics (mang sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất) dọc hai bên tuyến đường, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khai thác tiềm năng, lợi thế quỹ đất dọc hai bên tuyến đường sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Còn đánh giá về mặt tác động xã hội, dự án sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giải quyết được nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tốt trong phân bố lại mật độ dân cư, tạo điều kiện phát triển nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp trong khu vực. Về môi trường, dự án giúp giảm lưu lượng các phương tiện đi qua khu vực đông dân cư, giảm thiểu tác động môi trường về khí thải, tiếng ồn, nâng cao chất lượng môi trường đô thị.

Việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường, xã hội của Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định pháp luật liên quan. Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm những nội dung chính như: xác định các đặc điểm cơ bản về hiện trạng môi trường tự nhiên, tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái, kinh tế - xã hội... của vùng dự án đi qua; đánh giá tác động về môi trường, xã hội trong giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và quá trình vận hành khai thác; đề xuất các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ.

Theo UBND TPHCM, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường tuân thủ quy định tại Điều 29 của Luật Bảo vệ môi trường. Với tính chất là tuyến đường cao tốc đô thị, Đường Vành đai 3 - TPHCM góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ tốt cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao tính cơ động khi cần huy động nguồn lực, phương án tác chiến bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.

Nhiều tuyến đường tại TPHCM không đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng giao thông

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và 9 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI", kết cấu hạ tầng giao thông của TPHCM đã có bước phát triển mạnh, một số công trình trọng điểm được đầu tư, đưa vào khai thác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường vành đai của TPHCM nói riêng vẫn chưa bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp thời đầu tư, khai thác đồng bộ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh, về mục tiêu đầu tư, đã cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hình thành tuyến đường vành đai liên vùng, tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, giải quyết nhu cầu giao thông kết nối đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng phụ cận và các tỉnh. Đặc biệt là giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của TPHCM và giao thông nội thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Vào các ngày 8, 9, 10 và 11-6-2022, Chuyên đề Công an TPHCM từng đăng loại bài Đường Vành đai 3 liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nói lên tầm quan trọng của dự án này. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi từng phát biểu khi Đường Vành đai 3 sắp được Quốc hội biểu quyết thông qua: "Dự án Đường Vành đai 3 là mong mỏi của 20 triệu bà con trong vùng". Đến ngày 16-6-2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 - TPHCM. Đây là điều mà người dân mong mỏi lâu nay, mang lại tầm quan trọng về lợi ích kinh tế và phát triển xã hội to lớn. Khi hoàn thành, Đường Vành đai 3 - TPHCM sẽ trở thành hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất, nâng cao vị thế đối với các nước trong khu vực cũng như bạn bè quốc tế.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Tạo động lực phát triển kinh tế vùng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang