Cảnh bát nháo trước cổng các bệnh viện ở TPHCM: ‘Căn bệnh nan y’

Thứ Tư, 01/03/2023 18:21  | Đức Nam

|

(CATP) Theo thời gian, chất lượng cơ sở vật chất tại các bệnh viện (BV) công lập ở TPHCM đã được nâng cao, cải thiện không ngừng, nhưng tình trạng bát nháo, nhếch nhác tồn tại trước cổng viện vẫn chưa thể chấn chỉnh triệt để. Điều này khiến nỗi lo và cả sự ác cảm khi nghĩ đến BV tiếp tục ăn sâu vào tâm trí người bệnh lẫn thân nhân mỗi khi tới đây.

Hàng quán vô tư "hét" giá

Từng có một số ý kiến nhằm chấn chỉnh tình trạng bán rong trước cổng BV của lực lượng chức năng, khi người nêu quan điểm cho rằng ở góc độ "nhân văn", hàng rong nhằm phục vụ nhu cầu của những bệnh nhân (BN) và người nhà có hoàn cảnh khó khăn cần giải quyết tạm thời, nhưng điều đáng nói là giá cả của những mặt hàng bán rong có đủ... bình dân để phục vụ người nghèo?

Trước cổng BV Chợ Rẫy nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q5), nhiều bạn đọc của Chuyên đề Công an TPHCM từng phản ánh giá của một phần ăn vỉa hè ở đây không hề bình dân! Chị Hiền (41 tuổi, quê Bạc Liêu) kể lại cảm giác khó chịu mình vừa trải qua hôm 22-02-2023: "Đây là lần đầu tiên tôi ở lại thành phố dài ngày để nuôi chồng bệnh. Do điều kiện có hạn nên tôi đành tìm đến những xe đẩy, gánh hàng rong bán trước cổng BV mong sẽ mua được rẻ hơn. Thế nhưng, giá 1 hộp cháo trắng kèm muỗng thịt bằm tới 40 ngàn đồng, chẳng thể nói là bình dân được!".

Theo khảo sát của phóng viên, dọc 2 bên đường trước cổng BV Chợ Rẫy có hàng trăm xe đẩy, thúng, gánh bán đủ thứ trên đời, nhưng nhiều nhất vẫn là cơm, cháo, bún, phở, bánh mì. Chính vì sự phức tạp này nên gần như công tác quản lý về giá cả, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan hữu trách không phát huy được tác dụng. "Vốn một - lời mười" khiến nơi đây dần trở thành chốn mưu sinh màu mỡ để hàng rong tứ xứ tụ tập về ngày một đông.

Hàng rong bát nháo vây trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy

Còn trước cổng BV Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh (Q1) trong sáng 22-02, phóng viên được chị Nga (36 tuổi, ở Củ Chi) kể lại một trải nghiệm vừa gặp phải. Do đang có nhu cầu tìm mua ít túi nylon loại lớn để đựng quần áo bẩn và vật dụng sinh hoạt, chị ghé vào một cửa hàng nằm cạnh BV hỏi và giật mình khi nghe người bán hàng "hét" 15 ngàn đồng cho 1 túi xốp. Chẳng đặng đừng, chị trả "10 ngàn được không ạ?" thì nhận lại ngay những lời lẽ khó nghe của người bán: "10 ngàn thì kiếm chỗ khác mà mua" khiến chị đành ngậm ngùi rời đi.

Mới đây nhất, chuyện về 1 phụ nữ bán hàng rong trước cổng BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa thản nhiên đổ nước lèo từ chiếc tô ăn thừa vào lại nồi để bán tiếp cho khách đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù chị này đã bị chính quyền sở tại xử phạt nhưng đó cũng là lời cảnh báo về tình trạng bát nháo, mất vệ sinh an toàn thực phẩm của những gánh hàng rong. Nếu không sớm chấn chỉnh, quản lý chặt thì không có gì bảo đảm được trong tương lai, những việc làm phản cảm tương tự sẽ không tái diễn.

Dai dẳng như bệnh "mãn tính"

Tình trạng hàng rong nhếch nhác bủa vây quanh những BV lớn ở TPHCM khiến hình ảnh của các cơ sở y tế dần xấu đi trong mắt người dân. Theo quan sát của phóng viên, thực trạng này gần như đã trở thành căn bệnh "mãn tính" khiến BV hay cấp quản lý khó thể dẹp được.

Trước đó, tại cổng chính của BV Chợ Rẫy vào sáng 22-01, khi 2 chiếc xe của Trật tự đô thị làm nhiệm vụ tuần tra ngang qua, phát hiện lực lượng chức năng, từ xa 1 người bán rong đã nhanh chóng phát tín hiệu. Lập tức, cảnh tượng hỗn loạn như ong vỡ tổ diễn ra: hàng chục xe đẩy khẩn trương rời khỏi khu vực này, tìm cách ẩn vào những con hẻm nhỏ. Chờ đến khi xe công vụ đi qua, nhóm bán rong lại lũ lượt quay về vị trí cũ. "Dăm bữa nửa tháng lại có nhóm khác đến kinh doanh (KD), bán buôn mất vệ sinh lắm!" - ông Dũng, sống gần BV Chợ Rẫy, ngán ngẩm cho biết.

Tình trạng lộn xộn trước cổng Bệnh viện Từ Dũ

Không chỉ xảy ra tình trạng hàng rong bao vây khu vực cổng BV mà còn cả xe ôm, xe công nghệ chèo kéo người đi đường, ôtô đón trả khách không đúng nơi quy định. Những hình ảnh này diễn ra từ ngày này sang tháng khác khiến khung cảnh trước các BV ở TPHCM hiếm khi được bình yên!

Trao đổi với phóng viên, nguyên một trưởng khoa của BV Nhi đồng 2 (TPHCM) bộc bạch: "Hàng rong ở BV tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho người nhà BN, đặc biệt là người bệnh. Thời gian còn công tác, tôi từng không ít lần chứng kiến cảnh người nhà BN gặp phải vấn đề về tiêu hóa, trường hợp nặng phải nhập viện vì ngộ độc. Do KD tự phát, không có người quản lý nên chất lượng thực phẩm khó đảm bảo". Cũng theo bác sĩ này, để kéo giảm tình trạng hàng rong xâm chiếm cổng BV, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, các BV cũng cần tăng cường nhắc nhở người nhà BN cân nhắc việc mua hàng ở các gánh rong nơi cổng viện. Bên cạnh đó, BV nên chia sẻ thêm những câu chuyện cảnh báo về ngộ độc thực phẩm hoặc yêu cầu lực lượng bảo vệ kiên quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm, làm ảnh hưởng trật tự mỹ quan trước cổng BV.

Bà Đoàn Thị Đào (53 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết: "Do thường xuyên lui tới các BV để điều trị, kiểm tra sức khỏe nên qua quan sát, tôi thấy xung quanh các BV, thậm chí tại các BV vẫn còn thiếu cửa hàng, siêu thị tiện lợi. Chỉ cần thêm mảng KD này để cạnh tranh thông qua hình thức bán đúng giá thì đất sống của hàng rong bẩn sẽ không còn".

Mới đây, Thành ủy TPHCM đã ra chỉ thị về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM; trong đó nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền các cấp chưa quyết liệt; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa thống nhất, đồng bộ. Thành ủy TPHCM yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị, tham mưu ban hành quy định mới về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè (thay thế Quyết định 74/2008).

Trong đó, TP.Thủ Đức và các quận huyện sẽ chủ động ban hành danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời vỉa hè (ngoài mục đích giao thông); song song với đó tiếp tục lắp camera giám sát, quản lý, xử phạt ở một số điểm thường xuyên xảy ra vi phạm về trật tự lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, các đơn vị cần nghiên cứu lộ trình, quy định về chức năng ở kết hợp KD của các hộ dân dọc những tuyến đường đủ điều kiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đề xuất quy định thí điểm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký KD đối với doanh nghiệp KD vận tải để xảy ra tình trạng bến bãi, điểm đón trả khách không đúng quy định. Doanh nghiệp, hộ KD gắn với điều kiện về đảm bảo chỗ đậu xe nơi KD, không để ảnh hưởng đến trật tự giao thông công cộng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang