Khát vọng xây dựng Đường Vành đai 3 - TP.Hồ Chí Minh:

Bài 1: Tạo động lực phát triển kinh tế vùng

Thứ Tư, 01/03/2023 18:16

|

(CATP) Trải qua hàng chục năm mong mỏi, Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí cao, bấm nút biểu quyết chấp thuận triển khai thực hiện. Đây là ước mơ, nguyện vọng của hàng triệu người dân cùng chính quyền địa phương, nay đã thành hiện thực. Với tầm quan trọng cũng như ý nghĩa lớn lao, Dự án Đường Vành đai 3 nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, cùng Đảng và Nhà nước quyết tâm xây dựng để sớm hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng.

Ước mơ có từ hơn chục năm qua về Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM, nhưng chưa bao giờ sục sôi, ráo riết như bây giờ, sau khi Quốc hội nhất trí cao và thông qua việc triển khai xây dựng công trình.

Đột phá chiến lược

Điều đầu tiên phải nói đến là sự cần thiết đầu tư Đường Vành đai 3 - TPHCM, dự án này mang tầm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Trước đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn", đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, cần tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Trong đó, việc đầu tư, hoàn thành dự án quan trọng quốc gia là Đường Vành đai 3 - TPHCM hết sức cần thiết và cấp bách, vì công trình này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hạ tầng giao thông hiện đại sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, đầu tư phát triển đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc, là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Sau gần 20 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên (năm 2004) đến nay, cả nước mới có khoảng 1.163km đưa vào khai thác, chưa hoàn thành mục tiêu "đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc" theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Việc đầu tư, hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; định hướng phát triển về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị (trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-01-2022). Dự án cũng phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 16/2021/QH15), Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01-9-2021, quy hoạch của các ngành, các địa phương liên quan.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ đứng thứ 7/12 quốc gia. Trung Quốc đã xây dựng hơn 168.100 km đường cao tốc, riêng tỉnh Vân Nam trong vòng 3 năm đã xây dựng 2.000km. Còn nước Đức xây dựng 12.993km đường cao tốc, Nhật Bản 8.358km, Hàn Quốc 6.160km...

Kết nối giao thông hiện đại

Việc đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 - TPHCM sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TPHCM mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung. Dự án giúp tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông Quốc gia.

Theo các báo cáo đánh giá, dự báo nhu cầu vận tải các tuyến kết nối trong khu vực sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại. Với tính chất, vai trò là đường vành đai liên vùng, việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng, góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

TP.Thủ Đức chuẩn bị nơi tái định cư cho Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM

Dự án Đường Vành đai 3 - TPHCM giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị. Trong những năm qua, việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, dẫn tới quá tải giao thông, gây ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, đặc biệt là các cửa ngõ khu vực nội đô. Do đó, việc đầu tư, hoàn thành tuyến đường vành đai này với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông của TPHCM và khu vực.

Với ý nghĩa tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM có vai trò liên kết vùng và kết nối giao thông đô thị, việc đầu tư tuyến đường này còn góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nguồn lực đầu tư, phát triển cho tương lai. Ngoài ra, khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối thế trận khu vực phòng thủ của các địa phương lân cận và TPHCM, gồm: phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM), các Khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), phát triển TP.Thủ Đức (TPHCM), TP.Thuận An (Bình Dương).

Sơ đồ tuyến Đường Vành đai 3 - TPHCM

Tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM còn tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển đối với các khu vực nông thôn như: các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM), Bến Lức (Long An); giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu như: các tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đang khai thác giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe), các tuyến quốc lộ hướng tâm (QL22, QL13, QL1) đều quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm ở các cửa ngõ của TPHCM.

Thời gian tới, khi Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành dự kiến hoàn thành, khai thác (giai đoạn 1) vào năm 2025, với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024; tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) với quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2023, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TPHCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.

Do đó, việc đầu tư, hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường của TPHCM và khu vực. Ngoài ra, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM khép kín cùng với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023) tạo giải pháp hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TPHCM.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang