Người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện “bình thường mới”:

Bài 2: Vai trò của các ứng dụng kiểm soát Covid-19

Thứ Sáu, 12/11/2021 10:16

|

(CATP) Để thực hiện hiệu quả các quy định mới của Chính phủ trong tình hình mới, vấn đề áp dụng công nghệ thông tin với các ứng dụng PC - Covid, VNEID và sổ sức khỏe điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc KS, đẩy lùi dịch bệnh.

Từ đó, chúng ta vừa đảm bảo truy vết, KS dịch vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện “mục tiêu kép”, giúp cả nước thích ứng nhanh nhất với điều kiện mới...

CẦU NỐI TRONG KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

Khi dịch Covid-19 bùng phát, các biện pháp truy vết thủ công làm mất thời gian, nhân lực mà hiệu quả chống dịch vẫn còn là câu hỏi đặt ra chưa có lời đáp. Do đó, việc đưa các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin với các ứng dụng PC - Covid, VNEID và sổ sức khỏe điện tử vào phục vụ công tác PC dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo YT điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm Covid-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả XN.

Việc sử dụng công nghệ trong KS dịch bệnh thể hiện sự linh hoạt của Chính phủ, tạo sự đồng nhất, thuận lợi trong việc truy vết, phát hiện những trường hợp tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh để kịp thời khoanh vùng, cách ly đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ (BS) Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho rằng, các ứng dụng trên như “cầu nối” trong tất cả hoạt động PC dịch Covid-19, đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang thích ứng với tình hình mới: vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH. Cũng theo BS Hà, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã trở thành một trong những yếu tố giúp nhiều quốc gia trên thế giới KS tốt dịch bệnh.

Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng sẽ giúp người dân, cơ quan chức năng giảm tải áp lực khi dịch bùng phát, giúp khoanh vùng chính xác hơn, giảm bớt việc cách ly nhầm, cách ly trên diện rộng. Từ chỗ đỡ tốn thời gian, nhân lực trong việc truy vết, khoanh vùng sẽ giúp chúng ta vẫn có thể duy trì hoạt động bình thường. Các nhà máy, khu công nghiệp, những điểm kinh doanh sẽ bớt lúng túng khi phát hiện ca bệnh; đồng thời không để đứt gãy hoạt động SX, việc giao thương, buôn bán vẫn diễn ra...

Đơn cử việc theo dõi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, nếu sử dụng hình thức thủ công sẽ gây mệt mỏi, mất thời gian khi người dân muốn chứng minh mình đã tiêm phòng đầy đủ. Bác sĩ Hà lấy ví dụ, việc theo dõi thủ công bắt buộc người dân lúc nào cũng phải mang theo giấy chứng nhận tiêm chủng đồng thời mất thời gian để cơ quan chức năng kiểm tra việc này. Tuy nhiên, với các ứng dụng tích hợp, chỉ cần người dân truy cập vào, mọi thông tin tiêm chủng cá nhân sẽ hiện ra mà không phải lúc nào cũng cần mang theo giấy tờ.

Bên cạnh đó, ứng dụng còn giúp chúng ta quản lý tốt hơn việc khai báo YT, giúp thuận tiện cho toàn dân trong việc di chuyển, đến nơi làm việc. Qua đó, BS Hà mong muốn các đơn vị xây dựng những ứng dụng có thể tích hợp được cả vấn đề XN vào trong để giúp chúng ta có thêm “cánh tay nối dài” trong KS dịch bệnh và phân tích, đánh giá; kết quả XN quét vào ứng dụng sẽ tránh được việc sử dụng giấy XN giả nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

ÁP DỤNG THỰC TIỄN ỨNG DỤNG VNEID

Bộ Công an đã tổ chức vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân (CCCD). Hai hệ thống này được xây dựng, hoàn thành trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với ưu thế vượt trội là CSDL gốc, số hóa toàn bộ dữ liệu dân cư và CCCD, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng dụng hệ thống vào công tác PC dịch Covid-19, qua đó góp phần khắc phục tình trạng loạn ứng dụng như thời gian vừa qua. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với CSDL về tiêm chủng, XN quản lý người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất với việc ứng dụng mã QR trên thẻ CCCD hoặc hình thức phù hợp đối với những người chưa có thẻ CCCD gắn chip, phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác PC dịch.

Áp dụng ứng dụng VNEID trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam - Nhật Bản

Với ưu điểm lớn như trên, để đảm bảo công tác PC dịch cho khán giả vào sân vận động Mỹ Đình theo dõi trận đấu ở vòng loại thứ 3 Word Cup khu vực châu Á giữa đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản ngày 11-11-2021, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì phối hợp Công an TP. Hà Nội, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Ban quản lý sân Mỹ Đình triển khai thực hiện ứng dụng sử dụng thẻ CCCD gắn chip để KS khán giả vào sân.

Việc công dân chỉ cần thẻ CCCD gắn chip điện tử đã được tích hợp thông tin về tiêm chủng, XN là có thể đáp ứng được điều kiện của VFF khi vào sân (bỏ qua việc mang theo giấy tiêm chủng, giấy XN), công dân chỉ cần duy nhất thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Trong trường hợp công dân không có thẻ CCCD gắn chíp điện tử thì có thể sử dụng ứng dụng cài đặt trên điện thoại VNEID đã được tích hợp các thông tin tiêm chủng, XN. Như vậy, việc KS dịch tại sân vận động trở nên đơn giản và thuận tiện cho người dân. Tiến tới sẽ tích hợp nhiều tiện ích khác lên mã QR của thẻ CCCD gắn chip điện tử, kể cả vé xem bóng đá (khi đó công dân chỉ cần cầm thẻ CCCD gắn chip điện tử là có thể thay thế cho tất cả giấy tờ, ứng dụng khác) vẫn đảm bảo PC dịch và yêu cầu của ban tổ chức. Đây là bước chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống xã hội và người dân được hưởng nhiều tiện ích nhất.

Bài 1: Kịp thời ổn định kinh tế - xã hội
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang