(CATP) Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát (KS) trên phạm vi toàn quốc, trường hợp ca tử vong giảm sâu, số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng, tốc độ tiêm vắc-xin được đẩy nhanh, ngày 11-10-2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP (NQ128) về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Sau một thời gian ngắn triển khai, cả nước đã từng bước thực hiện theo NQ, các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) bắt đầu hồi phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao tính hiệu quả, linh hoạt và sự ưu việt trong cách tiếp cận cũng như các giải pháp phòng chống (PC) dịch của Việt Nam.
Những điểm sáng về kinh tế - xã hội
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được KS, mặc dù vẫn xuất hiện ca mắc mới tại nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực, quyết tâm cao và đạt được kết quả quan trọng trong PC dịch, ổn định đời sống người dân, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tiến độ tiêm vắc-xin phòng dịch đạt kết quả khả quan và NQ128 của Chính phủ ban hành kịp thời đã đảm bảo việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép "vừa PC dịch bệnh vừa phát triển KT-XH".
Qua đó, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của nước ta có nhiều khởi sắc. Ngoài năng suất lúa các vụ mùa đạt khá với sản lượng 11,04 triệu tấn, tăng 282,8 ngàn tấn, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 cũng khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) dần trở lại trạng thái "bình thường mới". Chỉ số SX công nghiệp tháng 10-2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước; tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số này tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng mạnh so với tháng trước do các hoạt động SX-KD và dịch vụ được phép hoạt động trở lại.
Vận chuyển hành khách tháng 10-2021 ước tính tăng 47,2% so với tháng trước và luân chuyển tăng 41,6%; vận tải hàng hóa tăng 13,5% và luân chuyển tăng 10,7%. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 539 tỷ USD trong 10 tháng năm 2021, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 9-2021, doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng mạnh về số lượng (tăng 111,2%) và vốn đăng ký (tăng 73,9%), lạm phát được kiểm soát, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Việc đi lại, hoạt động sản xuất - kinh doanh tùy thuộc cấp độ dịch ở từng địa phương
Bên cạnh những điểm sáng, theo Tổng cục Thống kê, tình hình KT-XH tháng 10 vẫn còn những hạn chế tồn tại. Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, giải pháp tăng cường đầu tư trong lĩnh vực y tế (YT), PC dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu; tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vắc-xin, thuốc chữa bệnh, công nghệ và ý thức người dân trong PC dịch; chăm lo sức khỏe, đời sống người dân, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Song song với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ), DN vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi SX trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo các NQ của Chính phủ.
Xây dựng kế hoạch khôi phục thị trường lao động (LĐ), giải quyết khó khăn về thiếu hụt LĐ tại các vùng, khu vực SX trọng điểm gắn với KS, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Có kế hoạch bố trí, đào tạo NLĐ trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, KS lạm phát, góp phần thúc đẩy SX-KD, phục hồi, phát triển KT-XH. Có chính sách tín dụng phù hợp để các tổ chức tín dụng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm sớm phục hồi SX-KD.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và KS dịch bệnh hiệu quả, ngày 7-11, Văn phòng Chính phủ đã có công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm NQ128.
Theo đó, hướng dẫn Ban chỉ đạo PC dịch các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản PC dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp PC dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển KT-XH. Các tỉnh, thành phố nâng cao năng lực hệ thống YT, nhất là YT cơ sở; chuẩn bị thành lập ngay trạm YT lưu động ở những nơi dịch bùng phát, diễn biến phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắc-xin; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, xử lý nghiêm các vi phạm về PC dịch. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng...
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang): Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phát triển KT-XH năm 2021 rất linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược từ "zero Covid" sang thích ứng linh hoạt, an toàn, KS hiệu quả dịch bệnh. Qua đó, tôi tin tưởng sâu sắc rằng bên cạnh KS tốt công tác PC dịch, các hoạt động kinh tế của đất nước sẽ sớm được phục hồi và phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị): Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, không phụ thuộc, phó mặc cho chính quyền, mỗi người dân cần được tuyên truyền, ràng buộc trách nhiệm pháp lý... Đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng giải pháp PC dịch bền vững, lâu dài; cần rà soát, đánh giá đầy đủ, xây dựng nhóm chính sách mới để chuyển quyền chủ động PC dịch cho người dân. Tư duy mới là không lơ là, chủ quan, thích ứng với tình hình mới, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, đặt người dân ở vị trí trung tâm và người dân có trách nhiệm trong việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân.
(Còn tiếp...)